02/08/2011 00:57 GMT+7

Chờ phà hàng giờ

NGỌC HẬU - T.TÚ
NGỌC HẬU - T.TÚ

TT - Ở ĐBSCL hiện nay còn khá nhiều tuyến đường huyết mạch chưa có cầu nên muốn qua sông mọi người phải lụy phà, trong khi việc qua phà quá nhọc nhằn vì phải chờ đợi lâu.

1CZQzx1U.jpgPhóng to
Ôtô xếp hàng dài chờ qua phà Vàm Cống - Ảnh: Ngọc Hậu

Thậm chí có nơi phà thường xuyên bị chết máy trôi lênh đênh trên sông, hoặc phà nhỏ xíu liều mạng chở cả ôtô tải làm hành khách “lên ruột”.

Xe đi 8km mất gần 2 giờ

Những tháng gần đây phà Vàm Cống (ở huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) nối liền TP Long Xuyên (An Giang) trên quốc lộ 80 thường xuyên bị ùn tắc nghiêm trọng. Những ngày cuối tuần, xe phải chờ 1-2 giờ mới được xuống phà.

Liên tục từ tối 26 đến 29-7, chúng tôi có mặt tại phà Vàm Cống phía bờ Lấp Vò. Hầu như lúc nào cũng có vài chục đến cả trăm ôtô các loại nối đuôi dài cả cây số chờ qua phà.

Anh Tèo, tài xế xe tải ở Châu Đốc (An Giang), cho biết chuyện kẹt phà Vàm Cống xảy ra như cơm bữa. Xe tải thường phải đợi lâu hơn các loại xe khác vì mỗi lần chỉ có 2-6 chiếc được xuống phà tùy phà lớn hay nhỏ. “Những lúc xếp hàng sau khoảng 50 xe tải thì coi như... được ngủ một giấc mới tới lượt xuống phà. Nói vậy chứ có ai ngủ được đâu mà phải canh nhích từng mét về bến phà. Mỗi lần kẹt phà tôi bị hao thêm 4-5 lít xăng, tiền lời cũng bị giảm theo”-anh Tèo nói.

Anh Nguyễn Văn Dũng, tài xế xe tải chở trái cây từ Tiền Giang đi Tịnh Biên (An Giang), cho biết xe chở trái cây thường được ưu tiên qua phà, nhưng để được qua nhanh thì tài xế phải “biết điều” với nhân viên soát vé, gác cổng.

Tối 26-7 chúng tôi gặp chị Nguyễn Thu Thủy ở huyện Châu Thành (An Giang) trên chuyến xe đi tham quan Đà Lạt về bị kẹt ở phà Vàm Cống. Sau một tiếng rưỡi vật vã ở bến phà, chị Thủy bức xúc: “Tôi thấy phi lý quá, xe du lịch chạy từ TP.HCM theo đường cao tốc về đến phà Vàm Cống chỉ mất hơn hai tiếng, vậy mà từ phà qua Long Xuyên có 8km lại phải mất gần hai giờ”.

“Cò” qua phà

Theo ông Nguyễn Văn Trạng, giám đốc cụm phà Vàm Cống, những ngày qua nước ở thượng nguồn đổ về cộng với gió nam thổi mạnh nên các chuyến phà phải chạy chậm hơn. Cụ thể, trước đây mỗi chuyến phà chỉ cần 10-15 phút là cập bến nhưng hiện nay mất tới 20-25 phút, có khi hơn 30 phút. Điều này làm thời gian chờ phà kéo dài hơn trước.

Cũng theo ông Trạng, kẹt phà nghiêm trọng thường xảy ra vào hai ngày cuối tuần do số lượng người đi du lịch tăng và cánh tài xế xe tải “canh me” thời gian nghỉ của cảnh sát giao thông để chạy. Chính vì vậy nhiều lúc từ 0g đến sáng cũng kẹt phà chứ không riêng gì ban ngày hay buổi tối. Theo ông Trạng, trung bình có tới 600-700 ôtô qua phà Vàm Cống mỗi giờ, trong khi khả năng đáp ứng của phà chỉ khoảng 300 chiếc nên chuyện ùn tắc là không thể tránh khỏi.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại cụm phà Vàm Cống đã xuất hiện tình trạng xe được “ưu tiên” qua phà trong khi nhiều ôtô khác phải chờ đợi hàng giờ mới được qua. Cụ thể, lúc 19g30 ngày 29-7 tại bờ Lấp Vò, trong lúc hơn 70 ôtô đang xếp hàng chờ thì ôtô biển số 54Y- 951... bỗng nhiên từ sau vọt lên ở làn đường ưu tiên và được xuống phà ngay sau đó. Tối 29-7, chỉ trong khoảng 30 phút từ 19g30-20g, chúng tôi ghi nhận đến trên 10 chiếc xe tải được vào đường ưu tiên để xuống phà trước. Chẳng hạn, xe 64H... từ phía sau vọt lên đậu trước xe tải 49H... đã xếp hàng hơn một giờ.

Ông Trạng thừa nhận hiện tượng “cò” cho xe vào đường ưu tiên có xảy ra nhưng không thừa nhận nhân viên thu phí nhận tiền. “Có một số “cò” ưu tiên là dân ở địa phương, chúng tôi đã xử lý nhiều lần. Còn chuyện giới tài xế kẹp tiền trong vé đưa cho nhân viên soát vé, chúng tôi không nghe phản ảnh, anh em nhân viên chúng tôi không đến nỗi tệ như thế” - ông Trạng nói.

Phà tự trôi

Giữa tháng 7 vừa qua, khoảng 100 hành khách qua sông Cửa Tiểu tại bến phà Tân Long (nối liền huyện Gò Công Tây và Tân Phú Đông, Tiền Giang) bị một phen hú vía khi chiếc phà 30 tấn đang ở giữa sông bỗng... chết máy. Tài công không thể điều khiển được phà nên phải để chiếc phà tự trôi giữa dòng nước chảy xiết. Tài công giải thích máy phà bị hư hộp số và khoảng một giờ sau chủ bến đưa phà 25 tấn ra kéo chiếc phà chết máy vào bờ.

Ba ngày sau sự cố trên, cũng khoảng 100 hành khách ở bến phà này lại gặp sự cố tương tự. Chiếc phà trôi lênh đênh giữa sông Cửa Tiểu vài chục phút trong sự lo lắng, hoảng sợ của mọi người. Đến khi được cứu vào tới bờ hành khách mới tin là mình còn sống. Trung bình mỗi ngày bến phà này đưa đón khoảng 4.000 người, 3.000 xe gắn máy và hơn 300 ôtô qua lại nhưng chỉ có một chiếc phà cả chục năm tuổi hoạt động (một chiếc khác để dự phòng).

Đó là bến phà Cẩm Sơn (giấy phép là bến khách ngang sông) nối liền huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) và TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh). Theo Sở GTVT tỉnh Bến Tre, bến này chỉ được phép chở người và xe gắn máy, nhưng có mặt tại đây chúng tôi thấy cả chục ôtô các loại nối đuôi nhau chờ xuống phà qua sông. Con sông ở đây rất rộng lại gần cửa biển nên sóng khá to, trong khi chiếc phà nhỏ chồm lên hụp xuống khiến nhiều hành khách lo sợ tai nạn xảy ra...

KDmjw0Db.jpgPhóng to
Mặc dù không được phép nhưng phà này vẫn chở ôtô - Ảnh: Diễm thúy

Mới đây, Sở GTVT Bến Tre đã kiểm tra đột xuất và lập biên bản vi phạm đối với bến này.

NGỌC HẬU - T.TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp