14/07/2024 10:33 GMT+7

Chợ nổi Cái Răng giờ đã khác, chợ nổi Cái Bè 'chìm' dần

Một ngày giữa tháng 7, sau khi mua vé, chúng tôi được một ghe nhỏ từ bến Ninh Kiều đưa tham quan chợ nổi Cái Răng. Dọc khoảng 6km đường sông từ bến Ninh Kiều tới chợ nổi Cái Răng, tàu chở khách du lịch lớn nhỏ các loại chạy nườm nượp.

Khách du lịch tham quan một nhà bè tại chợ nổi Cái Răng chuyên bán hàng lưu niệm và trải nghiệm làm bánh - Ảnh: C.Q.

Khách du lịch tham quan một nhà bè tại chợ nổi Cái Răng chuyên bán hàng lưu niệm và trải nghiệm làm bánh - Ảnh: C.Q.

Khi đến chợ nổi Cái Răng, chúng tôi ghi nhận số lượng ghe của thương hồ chỉ có chừng hơn 100 ghe, còn lại là ghe nhỏ của khách du lịch với số lượng nhiều hơn.

Anh Tỵ, lái tàu, cho biết không rõ vì lý do gì mà lượng khách tham quan chợ nổi hè năm nay giảm nhiều so với mọi năm.

Theo anh Tỵ, vào thời "hoàng kim", nhiều năm chợ nổi Cái Răng quy tụ khoảng 600 ghe. Thời điểm đó, du khách dễ bắt gặp cảnh thương hồ từ hai ghe đang đậu sát nhau để chuyền nông sản (dưa hấu, khóm...) từ ghe này qua ghe khác.

Cảnh này hầu như không còn xuất hiện. Lái tàu cặp vào một ghe khóm đang có cảnh thương hồ ném chuyền quả khóm cho khách trên chiếc xuồng nhỏ, khi được hỏi số khóm này sẽ được chuyển đi đâu bán, người đàn ông trên xuồng nhỏ cho biết ông là người chở thuê cho các tiểu thương từ các chợ trên bờ như chợ Tân An hay Xuân Khánh (cách chợ nổi khoảng 3-4km).

Theo lời lái tàu, nếu thấy chiếc xuồng mua nông sản lớn một chút, đó là xuồng của các chợ trên bờ. Còn chiếc xuồng nhỏ hơn đang cặp vào ghe mua nông sản, đó là xuồng của tiểu thương mua sỉ nông sản để chở vào bán cho người dân ở các kênh, rạch của thành phố. Chỉ một chiếc xuồng lớn mang chữ "VL", anh cho biết chiếc này từ Vĩnh Long để mua hàng rồi chở về bán.

Anh Tỵ giải thích: do đường sá giờ quá thuận lợi, xe tải có thể vào tận các vườn để mua, vì vậy số lượng ghe ít đi. Các ghe không còn mua bán với nhau để chở về các tỉnh như xưa nữa mà ở đây chỉ còn cảnh xuồng nhỏ đến lấy nông sản để chở về các chợ trên bờ, hoặc thương lái nhỏ mua sỉ rồi chở vào bán dạo ở các kênh, rạch. Đó là lý do chợ này ngày càng ít thương hồ và số lượng ghe giảm đi.

Sự "khác xưa" của chợ nổi còn thể hiện ở chỗ bây giờ dịch vụ làm du lịch đã nhiều hơn, không còn "thuần túy" ghe với ghe của thương hồ giao dịch, mua bán với nhau. Điều này rất dễ nhận ra khi dọc theo chợ nổi là rất nhiều tàu neo đậu để bán đồ ăn sáng và rất nhiều bè được hình thành để bán quà lưu niệm.

Ghé một tàu nhỏ màu hồng ăn sáng, chúng tôi được anh Q. - chủ ghe Q.L. - cho biết gia đình anh có tiệm bán trên bờ gần đó và anh bán bằng cách neo đậu ghe trên chợ nổi được vài năm nay. Lúc đầu chỉ có ghe của anh sơn màu hồng để du khách chú ý, sau này thấy làm ăn được, nhiều ghe khác cũng được sơn y chang.

Theo anh Q., trước đây khi chưa có bờ kè, du khách đến nhiều hơn do thấy một chợ nổi gần gũi, tự nhiên, còn giờ đã xuất hiện bờ kè, trông thoáng hơn nhưng khách lại không còn thích thú. Vì vậy anh cho rằng lượng khách năm nay đã giảm khoảng 30% so với những năm trước.

Số lượng những người làm dịch vụ như anh Q. ngày một nhiều. Gần đây tại chợ nổi cũng có ghe không buôn bán sỉ nông sản mà treo hai hàng khóm hoặc trái cây khác, đây là những ghe cho du khách lên để cùng trò chuyện với chủ ghe, rồi thưởng thức trái cây, ngắm chợ nổi.

Theo nhiều thương hồ tại đây, chợ nổi vẫn còn, nhưng đó là "một chợ nổi khác" với các dịch vụ du lịch nhiều hơn.

Vắng thương hồ, chợ nổi Cái Bè "chìm" dần

Chợ nổi Cái Bè chỉ còn lưa thưa vài chiếc ghe - Ảnh: Mậu Trường

Chợ nổi Cái Bè chỉ còn lưa thưa vài chiếc ghe - Ảnh: Mậu Trường

Dù trước đó UBND huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) đã đưa ra đề án "Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè" giai đoạn 2017 - 2022 và định hướng đến năm 2025 nhưng dường như "cái chợ nổi trên sông đã hết sứ mệnh lịch sử", như lời một lãnh đạo huyện này mới nói cách đây ít hôm.

Chợ Cái Bè hình thành trên đoạn sông từ vàm sông Cái Bè đến ngã ba nhà thờ Cái Bè. Theo những người dân địa phương sống lâu tại đây, từ năm 1986, người dân trong vùng và các vùng lân cận đã tập hợp về đây để trao đổi, mua bán những sản phẩm của địa phương, dần dần biến vàm Cái Bè thành một khu chợ trên sông mà cư dân quanh vùng quen gọi là chợ nổi Cái Bè.

Những ngày đầu hình thành, đặc biệt vào thập niên 1990, chợ nổi Cái Bè hoạt động rất nhộn nhịp, suốt ngày, hằng ngày thường xuyên có trên 100 ghe, thuyền neo đậu để mua bán (vào những ngày cao điểm số lượng tăng hơn nhiều).

Ngoài ra còn có nhiều thuyền nhỏ lưu động cung cấp các dịch vụ ăn uống, giải khát và các sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt hằng ngày cho các gia đình sống trên sông.

Chợ nổi hoạt động nhộn nhịp vào lúc sáng sớm và tản dần lúc trưa, nhưng vẫn hoạt động cả ngày. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của hệ thống đường bộ, hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản dần dần vận chuyển bằng đường bộ và buôn bán trên bờ nên chợ nổi Cái Bè dần thưa vắng người bán, kẻ mua.

Và từ năm 2015, chợ bắt đầu giảm dần tàu ghe và đến nay chỉ còn lác đác vài chiếc ghe trên sông.

Để cứu vãn tình thế, UBND huyện Cái Bè đã đưa ra đề án "Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè". Theo đó, hàng loạt hạng mục được triển khai xung quanh chợ nổi Cái Bè để phục vụ các tiểu thương của chợ như bố trí phao phân luồng đảm bảo an toàn giao thông thủy, lắp phao tiêu phân luồng giới hạn ghe tàu neo đậu cho các ghe mua bán trên sông.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng lắp 15 trụ đèn chiếu sáng công cộng cho tiểu thương hoạt động vào ban đêm, xây dựng nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách và thương hồ của chợ nổi... Tuy nhiên, cái cần nhất để hình thành chợ nổi là ghe tàu mua bán, thương hồ tới lui lại thiếu.

Theo Phòng VH-TT huyện Cái Bè, nguyên nhân khiến chợ nổi Cái Bè gặp khó khăn trong việc khôi phục là do điều kiện giao thương đường bộ phát triển nên số lượng thương hồ và số ghe ngày càng giảm. Tâm lý người dân không còn mặn mà với việc mua bán trên sông như trước đây.

Bên cạnh đó, sản lượng hàng hóa mua bán trên chợ nổi như củ sắn, khoai lang, khoai mì... giảm so với trước nên không còn đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của khách du lịch.

Phát triển du lịch tại chợ nổi Ngã Bảy

Tái hiện chợ nổi Ngã Bảy tại Ngày hội du lịch và xúc tiến đầu tưvào TP Ngã Bảy vừa được tổ chức cuối tháng 6-2024 - Ảnh: Trung Phạm

Tái hiện chợ nổi Ngã Bảy tại Ngày hội du lịch và xúc tiến đầu tưvào TP Ngã Bảy vừa được tổ chức cuối tháng 6-2024 - Ảnh: Trung Phạm

Từ năm 2015, UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt dự án Bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước miệt vườn nhằm tái hiện không gian chợ nổi trên bến dưới thuyền, đẩy mạnh phát triển du lịch Ngã Bảy theo hướng du lịch xanh.

Ông Lê Hoàng Xuyên - chủ tịch UBND TP Ngã Bảy - cho biết TP đầu tư hơn 35 tỉ đồng để xây dựng công trình cầu tàu, bờ kè, các tàu mô hình tại điểm phục hồi chợ nổi Ngã Bảy, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cầu tàu chợ nổi Ngã Bảy đang phát huy được chức năng hoạt động, là điểm tập kết phục vụ du khách đến tham quan Ngã Bảy.

"Từ đầu năm 2023 đến nay địa điểm này đã đón, phục vụ hơn 420 đoàn khách với gần 13.000 lượt khách du lịch", ông Xuyên dẫn chứng và cho biết đã có kế hoạch xây dựng mô hình "kinh doanh trên sông - không đánh thuế" để khuyến khích người dân tham gia mua bán.

Cứu chợ nổi bằng sự Cứu chợ nổi bằng sự 'độc nhất vô nhị' vốn có

Làm gì để cứu chợ nổi Cái Răng nói riêng và một số chợ nổi ở miền Tây là câu hỏi đau đáu của những người làm du lịch, trước tình cảnh các chợ nổi cứ lần lượt biến mất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp