10/07/2024 08:09 GMT+7

Chợ nổi Cái Răng có đáng bị chê tả tơi?

Mấy ngày nay, chợ nổi Cái Răng ở thành phố Cần Thơ bị chê "tơi tả", chợ trăm năm nay gây thất vọng vì... chẳng có gì ngoài mấy chiếc ghe. Liệu chúng ta có đang chở quá nhiều kỳ vọng và khắt khe khi về thăm chợ nổi?

Chợ nổi Cái Răng là địa điểm du lịch nổi tiếng của Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chợ nổi Cái Răng là địa điểm du lịch nổi tiếng của Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chẳng lẽ một trong những điểm nhấn du lịch sông nước lại kém hấp dẫn và thiếu đặc sắc đến vậy?

Chợ nổi không có lỗi trong câu chuyện "tự chìm". Chỉ là chúng ta đang thiếu cách khai thác hiệu quả để làm du lịch, và chợ nổi đang bị đè nặng bởi quá nhiều kỳ vọng.

Chợ nổi không có lỗi

Tôi sinh sống và làm việc tại thành phố Cần Thơ được gần 20 năm nay, nhiều lần đến nơi này vào nhiều thời điểm trong ngày trong khoảng chục năm trở lại đây. Từ sau sự tan rã của chợ nổi Phụng Hiệp, chợ nổi Cái Răng trở thành chợ đầu mối trên sông sôi động bậc nhất ĐBSCL.

Bà con thương hồ tứ xứ đổ về đây, chở theo rất nhiều loại nông sản để bán sỉ cho thương lái, hoặc các ghe hàng bông. Những ghe thương hồ đều là ghe lớn, thường neo đậu một chỗ. Còn những ghe nhỏ, bán đủ loại hàng thường là dân bán lẻ, phục vụ khách tham quan hoặc lấy hàng từ chợ nổi đổ về các sông rạch nhỏ hơn để bán lại kiếm lời.

Những chiếc ghe lớn tìm về chợ ngày càng ít đi. Những người ở lại với chợ nổi ngóng bạn hàng nhiều khi tới đỏ mắt. Một ngày cuối năm, tôi bước lên ghe của ông Võ Văn Ngọc (tỉnh Sóc Trăng). 29 tháng chạp, chiếc ghe vẫn đầy ắp khoai lang. Tôi hỏi ghe còn đầy, chú tính chừng nào về nhà ăn Tết?

Ông Ngọc vừa bưng mấy bọc khoai chất ra trước mũi ghe rồi cười hề hề, chừng nào cân hết rồi về chứ gấp gáp gì đâu! Ngồi trên mui ghe, bà Trần Thị Diệu, vợ ông Ngọc, lên tiếng: "Ngặt cái bạn hàng sao ít quá! Kiểu này chắc tụi tui cũng lên bờ cho rồi".

Tôi nhìn qua mấy ghe dưa hấu đậu gần đó. Mùa Tết nhưng nhiều ghe nằm im không mua bán gì. Chủ ghe ngồi trên mui uống trà. Giữa bộn bề lo lắng, bà con thương hồ vẫn vui vẻ đón khách lên ghe hỏi chuyện dù họ biết tôi sẽ chẳng mua được mấy ký khoai, chẳng lấy được mấy cặp dưa...

Tôi đi nhờ đò len lỏi vài vòng chợ nổi. Dì Bảy (tên thật là Lê Thị Bé) bán bún riêu trên ghe giữa chợ. Miệng tươi cười, đôi tay thoăn thoắt bốc bún, trụng rau, gắp thịt... Dì kể tôi nghe những buồn vui của 30 năm sống cùng chợ nổi. Thức dậy từ hai ba giờ sáng mỗi ngày để chuẩn bị nấu nước lèo và nguyên liệu. Lúc mấy con gà trên ghe thương hồ rướn cổ gáy sáng, dì đã sẵn sàng phục vụ cho những thực khách đầu tiên.

Những tô bún riêu chợ nổi nhiều người ăn xong cảm thấy bình thường, thậm chí chê dở. Nhưng có một nguyên liệu đặc biệt dì Bảy không cho vào tô bún, mà vẫn khiến người ta mê mẩn, đó là nụ cười và tiếng rao. Mệt cỡ nào cũng cười. Cười thay lời chào. Cười thay lời mời mọc. Và cười để cuộc sống của mình đỡ cực hơn.

Phải chăng mình đã vội trách?

Chú Bảy lái đò chỉ tay về phía đầu chợ, gần cầu Cái Răng. Chú nói ở đó món trái cây tráng miệng ngon lắm... Khi tôi bước lên ghe khóm của chị Nguyễn Thị Thoa, có bốn du khách người Pháp ngồi sẵn ở đó.

Khách quan sát, chụp hình. Chị Thoa áo bà ba đỏ, đầu đội nón lá, tay thoăn thoắt gọt khóm. Trái khóm gọt xong chị chẻ làm tư, tươi cười đưa khách. Khách ăn thử một miếng, giơ ngón tay cái lên tỏ ý khen ngon. Tôi hiểu, tất cả đã bước qua rào cản ngôn ngữ bằng nụ cười cởi mở.

Hồi trước chị cũng bán sỉ như mọi người. Nhưng rồi bạn hàng ít quá, chị bàn với chồng đổi qua bán lẻ. Chiếc ghe làm ăn từng kiêng cữ người lạ và phụ nữ bước lên, giờ mỗi ngày chào đón cả trăm người là chuyện thường. Hai vợ chồng cũng thôi tính chuyện rời bỏ chợ.

Cũng hơi tiếc vì mình không rành ngoại ngữ, nhưng chị Thoa tự tin theo cách của mình. Ai ghé lên ghe này chị cũng cười hết, hổng phải giao đãi mà là thết đãi tấm lòng mến khách của mình. Nghe vậy, tự nhiên tôi thấy miếng khóm quên chấm muối ớt trên tay mình vẫn ngọt ngay, thơm thảo.

Tôi biết mỗi người ít nhiều đều có những kỳ vọng riêng khi đến tham quan và khám phá chợ nổi Cái Răng. Vậy nên mới có thất vọng khi thấy chợ khác với những gì người ta kể lại (thậm chí là khác với những điều tôi kể ở trên).

Bản thân tôi cũng ít nhiều thất vọng với chợ nổi Cái Răng trong những lần đến đây vì công việc. Tôi đã thấy những người chèo đò hét giá. Tôi đã thấy trái cây héo queo rao bán với giá cao. Tôi đã thấy rác thải đổ thẳng xuống sông. Tôi cũng thấy áo quần treo lủng lẳng sau những chiếc ghe...

Nhưng rồi tôi tự hỏi, phải chăng mình đang quá vội trách chợ nổi mà chưa dành đủ thời gian để tìm hiểu? Phải chăng khách đến thăm chợ chỉ là vội vàng lướt qua ghe thương hồ, nhìn họ bán buôn từ xa chứ ít khi có dịp ngồi lại đủ lâu để nghe, để hiểu và để cảm thông với đời "gạo chợ nước sông".

Đa dạng dịch vụ chợ nổi, tại sao không?

Du khách trải nghiệm mua quà lưu niệm tại một làng bè nổi ở chợ nổi Cái Răng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Du khách trải nghiệm mua quà lưu niệm tại một làng bè nổi ở chợ nổi Cái Răng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Du lịch dựa vào chợ nổi để khai thác, nhưng bản thân cái chợ khó tồn tại thì sản phẩm du lịch cũng khó mà đa dạng. Tôi cho rằng chợ nổi không đáng bị chê, nhưng rất cần những lời góp ý để xứng đáng là điểm tham quan ấn tượng của sông nước miền Tây.

Thứ nhất: nên có giải pháp để hỗ trợ bà con thương hồ bám chợ. Nếu không có bán mua nhộn nhịp, khách đến chợ sẽ tham quan điều gì ngoài những chiếc ghe?

Thứ hai, đối với dịch vụ đưa đón khách tham quan và các ghe nhỏ phục vụ nhu cầu ăn uống giải khát, nên có cách để chấm dứt tình trạng tranh giành, nói thách theo kiểu "ăn xổi ở thì". Phải niêm yết giá rõ ràng, có giám sát và xử phạt hành vi chèo kéo.

Thứ ba, hiện nay hoạt động tham quan chợ nổi chủ yếu diễn ra vào buổi sáng, khách đến rồi đi. Nên chăng có thêm các thuyền lưu trú để khách ở lại chợ nổi vào buổi chiều. Khách có thêm thời gian tiếp xúc với thương hồ và trải nghiệm cuộc sống trên sông nước. Qua đêm trên chợ nổi để sáng mai thức dậy cùng thương hồ, nghe tiếng gà gáy trên sông, được báo thức bằng tiếng máy nổ, tiếng rao hàng chợ sớm..., tại sao không?

Còn bà con thương hồ "2 trong 1" cũng có thêm chút đỉnh thu nhập từ việc đón khách, thay vì chỉ tập trung mua bán.

Bài học cứu chợ nổi Tân Phong có thể áp dụng cho chợ nổi Cái Răng?Bài học cứu chợ nổi Tân Phong có thể áp dụng cho chợ nổi Cái Răng?

Không chỉ chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), một số chợ nổi khác ở vùng sông nước miền Tây như chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang)... cũng đang "chìm" dần. Vì sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp