08/06/2016 09:40 GMT+7

Chờ người trẻ tìm giải pháp nước sạch

CÔNG NHẬT (congnhat@tuoitre.com.vn)
CÔNG NHẬT ([email protected])

TTO - “Chuyến đi sẽ vui và trọn vẹn hơn nếu chúng tôi không gặp những câu chuyện trĩu lòng liên quan đến nước và môi trường” - bạn Nguyễn Thanh Mai (20 tuổi, Việt kiều Mỹ) chia sẻ sau chuyến du lịch đến quần đảo Nam Du (Kiên Giang) giữa tháng 5.

Không khó để bắt gặp những hình ảnh như thế này tại các khu du lịch ở Việt Nam (ảnh chụp tại xã An Sơn, tỉnh Kiên Giang vào sáng 31-5) 
- Ảnh: C.Nhật
Không khó để bắt gặp những hình ảnh như thế này tại các khu du lịch ở Việt Nam (ảnh chụp tại xã An Sơn, tỉnh Kiên Giang vào sáng 31-5) - Ảnh: C.Nhật

Người trẻ với những suy nghĩ về nguồn nước, môi trường như Mai không phải là chuyện hiếm hoi.

Đừng nghĩ đó là chuyện của thiên hạ

“Chuyện cúp điện, khát nước ở đây là bình thường, nhất là vào mùa khô. Chưa kể những năm gần đây số lượng du khách đến đây nhảy vọt, khách sạn xây lên liên tục... khiến nhu cầu về nước tăng cao mà chẳng ai biết phải làm sao. Chúng tôi ở dưới thấp còn đỡ chứ ai sống khu vực trên cao thì vất vả đủ bề, có người bỏ cả trăm triệu để đào giếng nhưng “xôi hỏng bỏng không” thôi” - bà Mai Thị Muội (30 năm sống ở xã An Sơn) tâm tư.

Tương tự, chị Hồ Thị Việt Anh (xã An Sơn) cho biết: “Nhiều người phải mua nước với giá cao, có khi chúng tôi phải chờ nước được tàu chở từ đất liền ra. Chuyện hạn hán ở đây không hiếm nhưng theo tôi biết nhiều nơi trong đất liền như Rạch Giá tình cảnh cũng không khá hơn, vừa hạn hán nặng vừa đất bị nhiễm mặn. Nếu có giải pháp nào cho những vấn đề này thì người dân chúng tôi sẽ vui lắm”.

Điều khiến Thanh Mai băn khoăn không chỉ là việc khan hiếm nước dùng tại đảo mà còn ở hình ảnh những bãi biển ngập tràn rác. “Nhiều người vẫn vô tư xả thẳng rác xuống biển hoặc bất cứ đâu họ thấy tiện tay, trong đó có không ít bạn trẻ. Nguồn nước sạch trên đảo đã hiếm mà giờ còn có nguy cơ bị ô nhiễm. Không chỉ riêng Nam Du, rất nhiều nơi ở Việt Nam rơi vào tình trạng tương tự. Tôi mong mọi người ý thức được hệ quả nghiêm trọng để cái đẹp, tài nguyên được bền vững” - Thanh Mai bộc bạch.

Không chỉ riêng miền Tây mà câu chuyện hạn hán, thiếu nước ngọt, ô nhiễm nguồn nước... dần trải dài khắp đất nước Việt Nam, ở cả nhiều quận nội thành tại thủ đô Hà Nội. Nhìn xa hơn, người dân ở bang California (Hoa Kỳ) những năm gần đây liên tục đối mặt với hạn hán nghiêm trọng - điều mà chỉ mươi năm trước thậm chí chưa từng thoáng qua trong suy nghĩ dân địa phương.

Còn tại Úc, tình trạng nghiêm trọng đến mức chính quyền ban bố tám mức độ sử dụng nước được áp dụng, tùy thuộc thời điểm, địa phương và tình hình thời tiết trong năm...

Trăn trở không của riêng ai

“Chính vì những vấn đề trên mà tôi cho rằng các cuộc thi về môi trường như “Nước và cuộc sống” là vô cùng thiết thực, giúp giới trẻ có cơ hội tìm hiểu về môi trường, nguồn nước, từ đó nỗ lực sáng tạo, tìm ra giải pháp cho cộng đồng” - bạn Nguyễn Huy Phúc (hệ kỹ sư tài năng ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia - TP.HCM) khẳng định.

Đồng quan điểm, từ Mỹ, tiến sĩ ngành tài nguyên nước Nguyễn Đình Phú (ĐH UC Irvine) cho biết anh rất ủng hộ những sân chơi như “Nước và môi trường” và mong cuộc thi tiếp cận được nhiều bạn trẻ từ trường phổ thông. Anh cũng tiết lộ một số nguồn uy tín để các bạn trẻ có thể tham khảo trong quá trình tìm hiểu các vấn đề về nước: http://www.watereducation.org, http://pmm.nasa.gov/education, http://www.education.noaa.gov, https://www.environment.gov.au/water/information/education/toolkit, http://www.educationsoutheastwater.com.au/resources/...

Nói về lý do đồng hành cùng cuộc thi, ông Nguyễn Thế Đồng (phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và môi trường) cho biết thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã có nhiều giải pháp và hành động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường nói chung và tài nguyên nước nói riêng.

Trong đó, đặc biệt coi trọng đến giải pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường ở người dân, đặc biệt giới trẻ. “Chúng tôi mong “Nước và cuộc sống” sẽ tìm được những ý tưởng mới xuất sắc từ các bạn trẻ, để từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cũng như trong công tác bảo vệ môi trường” - ông Nguyễn Thế Đồng chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khoa Mỹ (giám đốc đối ngoại và truyền thông - Coca-Cola Đông Nam Á) cho rằng giới trẻ Việt rất năng động và nhiệt huyết nên sẽ là chất xúc tác cho những ý tưởng sáng tạo vượt ra khỏi sự rập khuôn.

Theo ông Mỹ, ngoài giải thưởng vật chất cũng như những kiến thức về môi trường, cuộc thi sẽ giúp các bạn trẻ có “điểm cộng” trong mắt nhà tuyển dụng sau này. “Điều các công ty, tập đoàn lớn cần không chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn là kỹ năng mềm, khả năng dám nghĩ dám làm, sẵn sàng học hỏi và biết sống vì cộng đồng... điều các bạn chỉ có thể gặt hái thông qua những cọ xát thật sự với xã hội” - ông Mỹ nói.

Cuộc thi “Nước và cuộc sống” do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường), Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra từ tháng 5 đến tháng 12-2016 dành cho các bạn từ 16-25 tuổi trên toàn quốc. Thí sinh có thể tham dự theo hai hình thức cá nhân hoặc nhóm (dưới ba thành viên/nhóm). Dự kiến có 12 giải thưởng trao cho các dự án thuộc ba lĩnh vực (xâm nhập mặn, hạn hán, ô nhiễm) với tổng giá trị giải thưởng hơn 200 triệu đồng.

Bài dự thi gửi về: Trung tâm Đào tạo và truyền thông môi trường (Tổng cục Môi trường), 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội. Ngoài bì thư ghi: Dự cuộc thi “Nước và cuộc sống” hoặc email: [email protected]. Hạn chót nhận hồ sơ vòng sơ loại: 30-10. Tham khảo thêm thông tin về chương trình tại: www.vea.gov.vn, www.cetac.gov.vn, www.doanthanhnien.vn hoặc Facebook: Cuộc thi nước và cuộc sống.

CÔNG NHẬT ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp