Nhiều cửa hàng, trung tâm thương mai đã hoạt động, song cũng có một số cửa hàng còn nghe ngóng để tái hoạt động - Ảnh: NGỌC HIỂN
Nhiều người thắc mắc vì sao Chính phủ đã có nghị quyết 128, được xem là "thuốc" trị nạn cát cứ địa phương trong áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19 và Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêu chí phân loại 4 cấp độ dịch (xanh, vàng, cam, đỏ) nhưng việc đi lại chưa như mong đợi. Người dân vẫn gặp cảnh "chốt còn, xét nghiệm vẫn hỏi, kinh doanh vẫn chưa".
Đọc qua nghị quyết 128, ai cũng khấp khởi vì đã có thể sống "bình thường mới". Nhưng có vội cũng chẳng được vì nghị quyết 128 tạm dừng chỉ thị 15, 16 và 19 trong khi địa phương chưa kịp xây dựng quy định mới thay thế, quy định cũ vẫn gây phiền toái. Sốt ruột chứ.
Hà Nội đã náo nhiệt trở lại, hàng quán được phục vụ tại chỗ, dù giảm công suất. Còn ở phía Nam, như TP.HCM, quận 7 từng kiến nghị mở lại quán phục vụ tại chỗ quy mô tối đa 30% nhưng chưa được chấp nhận... Nay đã là tháng 10 rồi, người dân các tỉnh thành phía Nam chờ đến bao giờ?
Đúng là Bộ Y tế đã có quy định tiêu chí đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp chuyên môn y tế nhưng nay việc triển khai nghị quyết 128 lại phụ thuộc vào các địa phương. Một khi các địa phương chưa có tiêu chí cấp độ dịch, dân vẫn đụng chốt, vẫn bị hỏi kết quả xét nghiệm, chưa thể mở lại sản xuất kinh doanh.
Chẳng hạn Bộ Y tế xác định không yêu cầu "chỉ định" xét nghiệm với người dân đi lại (như yêu cầu lâu nay), chỉ xét nghiệm với người đến từ nơi có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế (phong tỏa) và trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ nơi có dịch ở cấp độ 3. Nhưng nay địa phương chưa có tiêu chí cấp độ dịch, biết ai ở vùng xanh để miễn xét nghiệm, ai ở vùng đỏ để chỉ định xét nghiệm.
Tương tự, phải có "bản đồ" cấp độ dịch, cơ sở sản xuất kinh doanh mới định hướng mở lại làm ăn...
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các cấp độ dịch phải được công bố trên cổng thông tin điện tử của địa phương và được cập nhật trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Người dân, doanh nghiệp đang trông chờ các địa phương...! Vì vậy không thể chậm trễ nữa.
Phải có cuộc đua "tô màu" bản đồ cấp độ dịch giữa các địa phương. Chính phủ cần thúc, thậm chí đưa ra hạn chót để các địa phương sớm chạy nước rút. Phải coi "tô màu" cấp độ dịch cũng cấp bách như đã từng lao vào chiến dịch thần tốc xét nghiệm, chạy đua xây dựng bệnh viện dã chiến, tăng tốc tiêm ngừa...
Chậm một ngày là bao cơ hội lại trôi qua. Nhẩm tính, chỉ còn 2,5 tháng là hết năm 2021 và 3,5 tháng là đến Tết Nguyên đán. Mọi phương án làm ăn, nhất là của người kinh doanh dịch vụ thương mại, và tính toán của hàng vạn lao động có quay lại thành phố phụ thuộc vào kế hoạch mở cửa lại của các địa phương.
Các nhà nhập khẩu nước ngoài đang chờ hàng giao từ Việt Nam để kịp tiêu thụ dịp cuối năm cần nhiều lao động. Nếu chậm mở lại, chưa chắc số đông người lao động trở lại thành phố trước cuối năm nay.
Quá cận Tết Nguyên đán mới mở lại thương mại dịch vụ, bán được mấy tuần, qua tết lại rơi vào mùa thấp điểm... khiến người kinh doanh phải suy nghĩ. Cần sớm có tiêu chí cấp độ dịch vì đó chính là lộ trình mở cửa của các địa phương. Việc làm, thu nhập, lợi nhuận... bắt đầu từ lộ trình này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận