01/09/2011 18:58 GMT+7

Cho lung linh hai tiếng gia đình

LÊ THỊ TUYẾT
LÊ THỊ TUYẾT

TTO - Trong gần hai tuần qua, câu chuyện về tiền nong chăm sóc gia đình chồng - gia đình vợ, quan hệ mẹ chồng - con dâu - với "phát pháo đầu" là bài viết Xin bố mẹ chồng hãy để con yên! của bạn Bình Nguyên, đã thu hút hàng ngàn ý kiến bạn đọc.

Tuổi Trẻ Online xin tạm khép lại diễn đàn này bằng những giải pháp do bạn đọc đưa ra để giữ cho gia đình luôn là chốn ấm áp, yêu thương để mỗi người lui về sau những khoảng thời gian bôn ba cùng cuộc sống. "Chiếc đũa thần" hóa giải mọi xung đột gia đình có lẽ chỉ nằm gọn trong hai từ "thấu hiểu" và "sẻ chia" từ phía mọi thành viên.

9TUKasEw.jpgPhóng to
Gia đình hạnh phúc thường là bệ phóng để mỗi cá nhân gặt hái thêm nhiều thành công trong cuộc sống - Ảnh minh họa: từ Internet

Đừng đòi hỏi nhau quá đáng

Làm người thì phải thông cảm, sẻ chia với nhau! Con cái phải phụng dưỡng bố mẹ (cả hai bên chồng và vợ). Bên nào khó khăn hơn có thể giúp đỡ chia sẻ nhiều hơn.

Ttôi cũng đã có con, khi nuôi con tôi mong con mình lớn khôn bằng bạn bằng bè nếu tôi không lo được cho con như thế thì đó là lỗi của tôi chứ tôi không mong sau này con phải báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ. Tôi sẽ cố gắng tự lo cho bản thân và nếu con cái hiểu được tấm lòng của tôi mà quan tâm tới thì đó là phúc phần của gia đình tôi. Vì con cái đâu được chọn cha mẹ nhưng cha mẹ lại chọn được con cái. Mình phải sống sao cho con cái nhìn mình là tấm gương, là động lực để chúng sống và làm việc tốt.

Tôi thiết nghĩ các bậc cha mẹ cũng đừng trách con cái không có hiếu với cha mẹ mà hãy nhìn lại cách cư xử của mình: mình không sống mãi được nên trong khoảng thời gian sống với con cái, hãy sống cho tốt, đừng tính toán so đo, bắt con cái phải thế này thế kia.

Còn con cái nếu trong những hoàn cảnh bình thường cũng nên hiểu cho cha mẹ (nếu cha mẹ không cư xử quá đáng mà do hoàn cảnh phải trông cậy vào con).

Mong bố mẹ và con cái hãy hiểu và đừng đòi hỏi quá đáng bổn phận và trách nhiệm của nhau! Nếu không mọi tình cảm thiêng liêng sẽ không còn nữa! Hãy công bằng trong mọi việc. Con ai cũng là con, người nào dù lớn hay nhỏ cũng là người nên đều phải tôn trọng và lắng nghe nhau.

Cần lắm hai chữ "dung hòa"

Một vấn đề khi nhìn ở nhiều hướng khác nhau thì kết quả sẽ khác nhau là chuyện bình thường. Theo tôi, nếu người chồng gửi tiền về nhà phụ giúp gia đình thì nên minh bạch và có cuộc nói chuyện rõ ràng trước khi cưới.

Nếu chấp nhận được điều đó thì kết hôn, còn không thì thôi. Đừng đặt người khác vào chuyện đã rồi. Bản thân người vợ cũng hiểu nỗi khổ cũng chồng phải chăm lo gia đình, nhưng chúng ta cũng có gia đình riêng để chăm sóc. Vấn đề là phải dung hòa cả hai bên. Bản thân ba mẹ khi nhận được tiền của con người có nhiều người áy náy, có nhiều người coi đó là việc quá hiển nhiên. Và sự hiển nhiên đó hoàn toàn không đúng. Thử suy nghĩ tổng quát để tìm ra một lời giải chung:

- Nếu như việc làm của chồng là báo hiếu, là chính đáng, là chỉ lo cho báo hiếu cha mẹ già, lo cho em út học khi ra trường thì chấp nhận được. Và gia đình dùng đồng tiền một cách chính đáng thì con dâu mới phục. Ví dụ như nhà dột cột xiêu, cần xây sửa lại thì ai mà không bằng lòng. Đằng này nhà cửa đàng hoàng, thấy hàng xóm có cái gì đua đòi có cái đó, mà bắt con mình phải chịu, con dâu làm sao phục khi kinh tế của vợ chồng có hạn, còn phải lo cho con cái sau này?

Có những mục đích chính đáng thì người vợ thương chồng, đồng cảm với sự khó khăn của gia đình sẽ sẵn sàng chia sẻ.

- Nếu những chồng đã thỏa thuận ngay từ đầu về hoàn cảnh khó khăn của gia đình thì nên chia sẻ với vợ rằng cha mẹ già rồi không làm ra tiền, báo hiếu được ngày nào mừng ngày đó. Chờ đến khi mình dư dả để báo hiếu thì có còn kịp nữa không? Vợ chồng còn trẻ, tương lai còn dài, con cái mình sẽ cố gắng lo cho nó vì còn rất nhiều cơ hội.

Em út trong nhà chúng ta chỉ lo cho nó ăn học rồi sau này nó tự lo. Biết đâu sau này nó cũng giúp con chúng ta. Gieo cái gì sẽ gặt cái đó mà, mình sống tốt với mọi người thì mọi người sẽ tốt với mình. Với những lời chia sẻ chân thành và đúng mục đích đó, hai vợ chồng nên vạch ra kế hoạch để chi tiêu hợp lý, tránh tình trạng vung tay quá trán.

- Nếu như gia đình đòi hỏi quá khả năng đáp ứng thì nên chia sẻ khó khăn với gia đình một cách chân thành, những thứ căn bản phải chi cho gia đình, trừ trường hợp đặc biệt mới phải vay mượn, còn lại phải chi trong túi tiền của gia đình. Từ đó mọi người sẽ hiểu và vui vẻ cùng nhau thôi. Báo hiếu không nên chờ đợi, hãy làm khi còn có thể.

Có sẻ chia sẽ vượt qua ghềnh thác

Bố mẹ chồng có công nuôi dưỡng chồng, nhưng bố mẹ vợ cũng có công nuôi dưỡng vợ, ai cũng có quyền đòi hỏi sự có hiếu ở con mình. Nhưng hình như tôi thấy xã hội bây giờ chỉ quan tâm đến việc con dâu đối xử thế nào với nhà chồng, mà chẳng ngó ngàng gì với nhà vợ. Đôi vợ chồng nào cũng phải quan tâm đến cả hai bên, phải phụng dưỡng với cả hai bên bố mẹ.

Thiết nghĩ, đã làm cha mẹ thì cần nên nghĩ rằng: mình nuôi dưỡng nó tốt là để sau này nó có một cuộc sống hạnh phúc vì bản thân nó. Bố mẹ hãy nghĩ thêm cho con, hãy chia sẻ cùng con những gánh nặng đó bằng cách tiết kiệm, hoặc tự xoay xở một phần.

Các con khi lớn lên, nếu có hiếu, tất nhiên sẽ tự giác phụng dưỡng bố mẹ. Nhưng với những đứa con không muốn làm thì sẽ chẳng ai trong cuộc sẽ vui vẻ, thoải mái với nhau.

Vậy có nên chăng các ông bố bà mẹ hãy bớt đi phần nào suy nghĩ "được nhờ ở con" để giảm bớt gánh nặng cho chính con của mình?

Cuộc sống bây giờ ngày càng nhiều lo toan, người có điều kiện thì không nói làm gì, còn với những người khó khăn thì việc vừa phải chăm lo cho gia đình "nhỏ" lại vừa chăm lo cho cả một gia đình "lớn" thì có phải là gánh nặng quá sức?

Biết cân bằng các mối quan hệ

Là người “khơi mào” vấn đề với tâm sự , Bình Nguyên rất vui khi đọc được những góp ý từ bạn đọc của Tuổi Trẻ Online. Cảm ơn tất cả các ý kiến của các bạn đọc.

Có một sự thật hiển nhiên rằng, là người thì nên giúp đỡ lẫn nhau, và hiển nhiên, là người thân thì phải đỡ đần nhau. Nhưng quan điểm của Bình Nguyên là nếu dốc hết túi để cho và rồi cuộc sống gia đình của hai vợ chồng trẻ sau 10 năm nhìn lại vẫn chỉ là thân ở nhà trọ, tiền bạc thiếu trước hụt sau, con cái không được chăm sóc đầy đủ… thì đó sẽ là cái lỗi của vợ chồng Bình Nguyên với chính bản thân, với cha mẹ và với cả con của Bình Nguyên.

Bình Nguyên chia sẻ trên Tuổi Trẻ Online là để giải tỏa tâm lý cho chính mình. Và tâm lý ấy đã được giải tỏa khi tôi nhận được rất nhiều chia sẻ, cũng như biết thêm rất nhiều hoàn cảnh còn trầm trọng hơn mình.

Chúng ta không chọn được gia đình để sinh ra, cũng không chọn được bố mẹ chồng. Thôi thì hãy biết cân bằng các mối quan hệ dâu - rể - gia đình chồng - gia đình vợ. Và cân bằng như thế nào thì mỗi người, ở trong hoàn cảnh của mình phải tự tìm ra lời giải cho bài toán ấy. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn các bạn đọc của Tuổi Trẻ Online.

LÊ THỊ TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp