Phóng to |
Những xe hàng hơn 1tấn đè năng lên đôi vai gầy |
Những ngày giáp Tết, người lao động bị cuốn vào những “phiên chợ” bán sức lao động thâu đêm. Những tiếng hò kéo đẩy xe khiến cảnh đêm đông Hà thành nóng dần như thời tiết của mùa hè oi bức…
Thâu đêm bán sức!
Chưa tới 8g tối, thời tiết Hà Nội rét căm căm, nhưng xung quanh những túp lều lụp xụp tại khu chợ buôn bán hoa quả Long Biên đã thấy bóng dáng những lao động ngoại tỉnh ngồi chờ gánh…kéo hàng đêm.
Những chị phụ nữ co ro tay buộc, tay giữ chỉnh sửa lại những bộ quang ghánh trước giờ nhận việc. Những thanh niên lực điền vai năm thước thì thụp bên một cây điếu cầy “đồng đội”. Tiếng các chủ hàng gọi nhau í ới và tiếng giao dịch qua điện thoại di độngkhiến khu chợ nóng dần lên chuẩn bị cho một đêm đón hàng về…
“Chưa bắt tay vào việc thì còn cùng nhau ngồi hàn huyên đủ thứ chuyện nhưng khi hàng đã về rồi thì hớp nước cũng không có thời gian mà uống, thậm chí chỉ ở xung quanh khu chợ này thôi nhưng hai vợ chồng từ đêm tới sáng cũng không kịp nhìn thấy mặt nhau, ai làm việc của người nấy” - anh Nguyễn Quang Bình, một phu xe kéo đêm tại chợ Long Biên cho biết.
Xung quanh túp lều nơi anh Bình ngồi là những thanh niên tuổi mười tám đôi mươi cùng làm nghề phu xe giống anh đang ngả lưng tranh thủ chợp mắt trước giờ "xung trận". Anh Bình kể: “Mình còn sức khoẻ có chỗ “bán” là tốt rồi, làm ngày hay làm đêm đâu có ngán gì, nếu ngán cảnh giá rét thì đói quanh năm, lo nuôi sống hai vợ chồng trên này còn phải lo cho các con và bố mẹ ở quê nữa nên khổ mấy cũng phải ráng chịu”.
9g tối, những chiếc xe tải 5 tấn, 10 tấn từ các tỉnh ngoài như Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hoà Bình…lần lượt vượt qua cổng chính xuôi hàng vào chợ, những người lao động ngoại tỉnh lục đục đứng lên và “cuộc chiến” tìm việc thực sự bắt đầu. Việc mặc cả diễn ra chớp nhoáng giữa chủ hàng và người lao động, 500 đồng, 1000 đồng và 2000 đồng là giá vận chuyển một thùng hàng hoa quả khoảng 50kg, cước tính tiền tùy theo đoạn đường dài hay ngắn.
Một xe hàng nặng mười tấn, nếu giao ước giá cả thành công, những lao động ngoại tỉnh vào việc như dây chuyền lắp rắp sẵn, ai chuyển hàng từ ô tô xuống đất, người xếp vào quang gánh chuyển trong chợ và xếp lên xe kéo nếu phải vận chuyển đến một nơi khác xa hơn. Mỗi chiếc xe đẩy được kéo đi có 30-40 thùng hoa quả, khoảng 1,5-2 tấn và chỉ có một người kéo xe, một người đẩy, xe nào nặng có tất cả 3 người.
Qua từng con dốc, vẻ mặt của những người phu xe lại hằn lên những tia đỏ vì phải lấy sức, một bên vai xệ xuống vì sợi dây thừng khoắc trên vai siết chặt đến nghẹn thở. Người phụ nữ đẩy xe cũng oằn lưng vì sức nặng, thậm chí có sẵn sàng để xe chèn vào chân chứ không được để xe lùi xuống hay đổ hàng. Toàn thân họ ướt đẫm mồ hôi.
4g sáng, toàn chợ Long Biên giống như một khu triển lãm các loại hoa quả, những người lao động trong đêm bắt đầu có những phút nghỉ ngơi bên những chén trà đá. Họ bắt đầu nhận những phần tiền qua một đêm bán sức lao động, 50.000 đồng, 70.000 đồng, 90.000 đồng tùytheo lượng hàng nhiều hay ít.
Chị Nguyễn Thị Quyên, quê Nam Định bảo: “Qua một đêm gánh 60 chuyến hàng khiến toàn thân mỏi nhừ, nhưng gần đến sáng nhận những phần tiền công là quên hết mệt mỏi”.
Chỉ mong đời con sáng chữ
Phóng to |
Từng đoàn xe đưa hàng về chợ Long Biên trong đêm |
Anh Tuấn than thở: "Ai cũng biết sức người cũng chỉ có hạn, có vào nghề kéo xe hay ghánh thuê ở đây mới thấy quý sức mình, còn trẻ thì còn sức để bán kiếm sống nhưng rồi nhiều lúc nghĩ cũng thấy tiếc. Trọng lượng cơ thể hơn 50 kg nhưng vẫn thường xuyên kéo xe 1,5 tấn, những ngày đầu vào nghề, hai bàn tay rộp lên đở hỏn còn hai bên vai thì bật máu đào, bây giờ quen rồi nhưng khi vượt dốc vẫn cực lắm, mình kéo xe ra…ô tô chở hàng vào ngược chiều vậy là tụt dốc, nếu không kịp quay ngang xe thì chẳng sức nào giữ nổi".
Tại khu chợ Long Biên, thường ngày có khoảng gần 200 lao động ngoại tỉnh bán sức lao động tại đây. Họ chủ yếu là những lao động ngoại tỉnh đến từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tây, Vĩnh Phúc…và chủ yếu trọ tại những khu nhà trọ rẻ tiền tại hai phường Phúc Tân, Phúc Xá, quận Hoàn Kiếm.
Công việc chính của họ là khuân vác hàng tại hai tuyến chợ Long Biên và chợ Đồng Xuân. Ban ngày chia nhau đi bán sức, vác thuê, ai thuê gì làm nấy, đêm về họ tiếp tục bán sức tại khu chợ hoa quả đêm Long Biên.
Chị Nguyễn Thị Mây, quê Thái Bình vào nghề 5 năm khẳng định: trong một ngày, một đêm có thể gánh được hơn một trăm gánh hàng, nếu đẩy xe chia bình quân mỗi người phải đẩy trọng lượng 5 tạ, một đêm phải đẩy 30-40 tấn hàng là chuyện bình thường.
Chị Mây cho biết thêm, làm việc suốt từ 9g tối đến khoảng 4-5g sáng có thể kiếm được 60-80.000 đồng, nếu tính cả tiền công làm ban ngày thu nhập khoảng hơn 100.000 đồng/ngày, đó là những ngày giáp Tết nhiều việc còn những ngày bình thường chỉ 30-50.000 đồng.
Chị Mây bảo, với số tiền bình quân hơn một triệu đồng/tháng gửi về quê có thể trang trải được nhiều thứ, mua sắm các vật dụng trong gia đình và quan trọng hơn là có tiền để nuôi các con được ăn học có cái chữ.
Theo những người lao động ngoại tỉnh đang bán sức lao động tại chợ Long Biên, một người bình thường có thể bán sức vài năm rồi phải chuyển nghề vì tuổi tác không đáp ứng được công việc. Các triệu trứng suy giảm sức khoẻ thường thấy là đau lưng và đau đầu gối. Cũng có những trường hợp phải bỏ nghề vì trong quá trình ghánh thuê từ chợ Long Biên qua chợ Đồng Xuân phải băng qua đường quốc lộ nên rủi ro gặp tai nạn dẫn đến chấn thương phải nghỉ hẳn, còn va chạm nhẹ thì thường xuyên.
Một lao đông ngoại tỉnh khẳng định, những ngày giáp Tết, nhiều việc nên ai cũng ham tiền nhận việc làm cả ngày lẫn đêm, một ngày ngủ có 3-5 tiếng nhưng vì ai cũng muốn có một chút vốn để tạo lập nghề khác nên cứ thấy việc là nhận làm, vậy mà cũng không ít trường hợp về quê lập nghiệp trở nên khấm khá nhờ lưng vốn qua những năm đi bán sức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận