Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) tham dự lễ khai giảng năm học 2017-2018 và kỷ niêm 90 năm ngày thành lập Trường Petrus Ký - Lê Hồng Phong sáng 5-9 - Ảnh: TỰ TRUNG
Năm học 2020-2021, giáo dục Việt Nam tiếp tục thực hiện đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được Hội nghị trung ương 8 (khóa XI) thông qua. Đề án có nhiều nội dung, trong đó có nội dung quan trọng bậc nhất là giáo dục thay đổi từ việc giáo viên cung cấp, truyền thụ kiến thức sang việc giáo viên dạy học sinh cách học.
Đừng tự đóng cửa
Một trong những kho tàng kiến thức của nhân loại, hiện nay chủ yếu nằm trên mạng Internet. Có thể nói kiến thức trên hệ thống mạng chính là nguồn tài nguyên vô tận, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật - công nghệ mà nhân loại mới có được.
Chúng ta không nên và không thể cấm đoán HS khai thác nguồn tài nguyên này. Cấm đoán là bảo thủ, lạc hậu, là đi ngược lại xu thế, là tự đóng cửa tương lai của mình, tương lai thế hệ trẻ, tiền đồ đất nước.
Thực tế hơn chục năm trở lại đây, phụ huynh ở các TP, trong đó có TP.HCM, hầu hết HS đã được bố mẹ sắm cho điện thoại di động để tiện liên lạc, nhiều học sinh dùng smartphone. Việc dạy - học diễn ra bình thường, không có vấn đề gì.
Cá biệt có học sinh mở điện thoại trong giờ học, giáo viên nhắc nhở, nếu học sinh tiếp tục sử dụng, giáo viên có thể tạm giữ, cuối giờ trả lại cho trò. Kết quả cuối cùng của lớp học vẫn tốt. Và trong các cuộc họp hội đồng sư phạm mà tôi được dự, giáo viên cũng không hề phàn nàn tình trạng học sinh dùng điện thoại trong giờ.
Trong thông tư 32 ban hành lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh "sử dụng điện thoại di động", kèm theo "phải được giáo viên đồng ý". Như vậy giáo viên và phụ huynh không có gì phải lo ngại. Quyền vẫn thuộc về giáo viên!
Sử dụng thế nào?
Có thêm phương tiện hiện đại cho việc dạy - học là rất tốt cho cả người dạy và người học. Người dạy bớt nói những gì mà trên mạng đã đầy rẫy. Thay vào đó, giáo viên hãy hướng dẫn học sinh cách đọc, cách tìm kiếm, sàng lọc kiến thức, đánh giá, phân tích, lý giải kiến thức mà HS tìm được, từ đó kích thích, khuyến khích học sinh sáng tạo.
Giáo viên trở thành người tổ chức và hướng dẫn học sinh học, giải đáp thắc mắc của học sinh, có lúc làm vai trò "trọng tài" cho các ý kiến đối lập của học sinh. Càng tốt, nếu giáo viên trở thành người truyền cảm hứng cho học sinh.
Người học có thêm phương tiện hiện đại, được giáo viên hướng dẫn sẽ nắm được cách học: nên đọc/học cái gì, ở ai, ở đâu; cách tìm nguồn tin thật/giả thế nào; sử dụng tiếng Việt và tiếng Anh ra sao?... Thậm chí, khi có một smartphone trong tay, học sinh có thể biết thầy/cô giáo mình đang giảng sai hay đúng. Giáo viên không phải bao giờ cũng đúng hết, thực tế là thế.
Giáo viên cho phép học sinh sử dụng lúc cần thiết, còn lại điện thoại vẫn sẽ nằm im trong cặp hoặc trong túi học sinh như hàng chục năm nay. Việc sử dụng nhiều phương tiện, nhiều kênh nghe nhìn đúng lúc, đúng chỗ, giờ dạy - học sẽ hấp dẫn hơn.
Hi vọng sẽ có những thay đổi
Ba chục năm dạy phổ thông ở quận 1, TP.HCM, một trong những bức xúc của tôi là các lớp học hầu hết vẫn bảng đen, phấn trắng. Gần đây một số trường có sắm thêm màn hình chiếu slide. Như vậy vẫn chưa đủ. Tôi mong lớp học khoảng 25 - 30 HS, được trang bị nhiều phương tiện dạy học hiện đại, mong có máy chiếu đa phương tiện (multimedia projector) để GV và HS có thể tương tác nhiều hơn, mong có màn hình kết nối Internet để khi cần có thể không cần giảng mà chỉ cần mở trang có thông tin cho HS xem, mong mỗi HS có một laptop...
Trong điều kiện hiện nay, lớp học chưa có Internet, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức cho phép HS sử dụng smartphone để phục vụ việc học là tin tốt, chứng tỏ sự chỉ đạo hợp thời của bộ.
Mục tiêu dạy - học thay đổi, phương pháp và phương tiện thay đổi, cách kiểm tra, đánh giá thay đổi... hi vọng nền giáo dục Việt Nam sẽ có những thay đổi trong tương lai gần.
Đa số bạn đọc Tuổi Trẻ phản đối
Phản hồi về bài báo "Cho HS dùng điện thoại trong lớp: nên không?", đa số bạn đọc Tuổi Trẻ phản đối chủ trương này. Họ lo sợ mặt trái của điện thoại di động sẽ gây ra những hậu quả xấu cho HS.
* Sự việc gì cũng có tính chất 2 mặt. Được mặt này mất đi mặt khác. Lơ là, sơ hở là các em chơi game, chơi nhiều và thường xuyên dẫn đến nghiện game, mất tập trung học tập, rồi mất hết tương lai. (thanhhieu081@...)
* Xin thưa với ông bộ trưởng Bộ GD-ĐT, HS vùng sâu vùng xa lấy đâu điện thoại mà dùng? (vanbinh59@...)
* Hoàn toàn không đồng ý và cực lực phản đối. Bọn trẻ ở nhà cắm mặt vào cái điện thoại chưa đủ à? Giờ vào lớp cũng lại xài điện thoại? Rồi ai quản lý được bọn trẻ tìm gì, làm gì trên đó? Đừng viện dẫn việc tra cứu từ điển, vì xưa nay giáo viên đều cung cấp từ mới trước khi học. Đừng cho rằng điện thoại giúp giải toán, vì vào phòng thi ai cho đem điện thoại làm giúp? Đừng nói việc có điện thoại sẽ giúp HS an toàn hơn, vì ngồi giữa lớp ai đe dọa các em? Làm ơn, thời đại công nghệ nhưng không phải cứ áp dụng công nghệ vào tất cả mọi thứ là đều đúng. (hnnguyenkhanh@...)
* Đi học mà mang theo điện thoại là tối ngày chơi điện tử, chụp hình đưa lên mạng, rồi chụp tài liệu quay cóp, khỏi học bài... Rồi sau này phụ thuộc vào điện thoại không làm được cái gì, lại còn bị cận. Nói tóm lại là sẽ làm hư, hư hết. (vinhtuan.cao@...)
* Kiểm soát HS sử dụng điện thoại kể cũng hơi khó. Nhưng sẽ dễ hơn khi thầy và trò có cách dạy học tương tác gợi mở, để HS tìm cách trả lời còn người thầy chỉ là người tóm gọn và định hướng. Thay vì cứ lên bảng là thao thao giảng bài, HS có em chẳng hiểu gì rồi quay ra xem phim. Tức là phải thay đổi toàn bộ cách giảng dạy. (tranminhtuan9966@...)
* Con tôi học trường chuẩn quốc gia mà còn chưa có phòng máy tính, giờ lại yêu cầu trang bị đồng bộ smartphone để học ư? Có smartphone sẽ rất phân tâm, học thì ít chơi thì nhiều. (minh2phuong@...)
* Nếu ai trong nghề sẽ hiểu rõ hơn. Mọi người toàn phán theo cảm tính. Để biết rõ hiệu quả của việc sử dụng điện thoại thì cứ xin vào ngồi dự giờ sẽ thấy nỗi khổ của GV đối với việc HS sử dụng điện thoại hoặc máy tính. Tôi là giáo viên tin học nên hiểu rõ tại sao không nên cho HS sử dụng điện thoại trong giờ học. (cuneo@...)
* Dùng điện thoại thông minh trong giờ học thì dám chắc quá nửa HS không cần học bài, ghi âm, tra đáp án, trả lời... mà chơi game và chat chít, lên "phây". Ai quản lý, quản lý kiểu gì? Ghi chép bằng bút và vở là cách để HS có thể ghi nhớ, hiểu bài tại lớp và về nhà xem lại, làm các nội dung chưa hiểu. Dùng điện thoại thì không chỉ GV mà cha mẹ cũng sẽ mất khả năng kiểm soát và HS sẽ lười tư duy, lười nghe giảng, chỉ chăm chăm tìm đáp án, copy, cắt dán... (thanhcongdnvn@...)
Thông tư số 32 ban hành điều lệ trường THCS, THPT cho phép học sinh (HS) từ ngày 1-11 được sử dụng điện thoại trong lớp phục vụ việc học tập nhưng phải được giáo viên (GV) đồng ý. Ngay lập tức, nội dung này thu hút sự quan tâm của bạn đọc, nhiều người cho rằng đó là một sự tiến bộ nhưng cũng không ít người bày tỏ quan ngại, âu lo.
Tuổi Trẻ mở diễn đàn "Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp: nên không?", kính mời quý bạn đọc, phụ huynh, học sinh lên tiếng về vấn đề tranh cãi này. Bài cộng tác xin gửi tới [email protected].
Thăm dò ý kiến
Một trong những điểm mới được quy định trong Thông tư 32 ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học... là cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận