Phóng to |
Cửa thoát hiểm bé tí tẹo của chợ Cầu Đông, Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) - Ảnh: Hoàng Điệp |
Ngoài hàng trăm chợ cóc, chợ tạm chỉ bày bàn, mẹt, chiếm dụng vỉa hè bán hàng tươi sống, Hà Nội còn mấy chục chợ có tuổi thọ vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm.
Mặt đường, cổng chợ bị chiếm dụng
"Hiện nay chợ không chỉ là nơi bán hàng mà đang dần biến thành kho hàng, nơi sinh hoạt" |
Cách chợ Đồng Xuân chỉ một con phố là chợ Cầu Đông. Chợ này diện tích không lớn nhưng gồm ba tầng với hàng trăm hộ kinh doanh buôn bán. Chợ nhỏ nên hàng hóa chất chật cả lối đi, chỉ chừa một cửa ra vào rất nhỏ phía phố Cầu Đông. Còn cổng chợ phía phố Nguyễn Thiện Thuật đã bị tận dụng thành nơi bán hàng. Ở tầng 1, ngoài hai cửa chính, chợ hoàn toàn bị xây bịt kín. Khu vệ sinh lại ở trong cùng và không có lối thoát ra ngoài.
Gặp chúng tôi vào nhập nhoạng tối 14-2, bác Năm - một tiểu thương kinh doanh tại chợ Cầu Đông - bảo: “Nếu chả may xảy ra cháy khu vực cầu thang hoặc cửa chợ thì không biết chạy đường nào”. Nỗi lo của bác Năm không phải là... lo xa, bởi theo quan sát của chúng tôi từ ngoài cầu thang vào cuối chợ Cầu Đông, còn hàng chục hộ kinh doanh buôn bán nhưng không hề có một lối thoát hiểm nào khác.
Tại chợ Hôm - Đức Viên (Q.Hai Bà Trưng), ngay gian phòng bảo vệ ở cổng chợ, hàng đống bình bột cứu hỏa được xếp chồng lên nhau. Chị Vân, một khách mua hàng ở chợ, nhận xét: “Tôi được xem diễn tập phòng chống cháy nổ ở một nhà cao tầng thì thấy cầu thang bộ họ xây hở đường gấp khúc đủ để lôi ống cứu hỏa lên, nhưng ở chợ này đường gấp khúc của cầu thang bộ quá hẹp. Chẳng biết nếu xảy ra cháy thì có luồn được ống cứu hỏa để đưa nước lên tầng cao hay không”.
Sau vụ cháy chợ Quảng Ngãi, hỏi bất kỳ tiểu thương hay bảo vệ chợ nào mọi người đều nói bây giờ phải đề cao cảnh giác, nhưng khoảng 18g30 ngày 14-2 chúng tôi thấy ba bảo vệ tại chợ Hôm - Đức Viên vẫn vô tư hút thuốc lá ngay trong chợ.
Ban quản lý chợ nói gì?
Theo ông Trần Ngọc Thịnh - trưởng phòng bảo vệ chợ Đồng Xuân, bài học xương máu về cháy chợ cách đây ngót 20 năm vẫn chưa thể nguôi ngoai với cả những người buôn bán và anh em bảo vệ. Ông Thịnh thừa nhận mặc dù công tác tuyên truyền về PCCC được làm thường xuyên, nhưng vấn đề an toàn cháy nổ vẫn chưa thật sự an toàn tuyệt đối.
Ông Thịnh thừa nhận những tồn tại như: các mặt tiền chợ bị chiếm dụng buôn bán, tiểu thương xếp hàng hóa lên các họng nước cứu hỏa dù chợ có quy định xử phạt hành chính đối với những hộ kinh doanh chiếm dụng vỉa hè và xâm phạm hành lang an toàn của công tác PCCC. Tuy nhiên, ông Thịnh khẳng định: “Dù kiôt bao ba bề của chợ Đồng Xuân nhưng công tác PCCC của chúng tôi rất tốt. Họng nước chữa cháy được đặt khắp nơi nên có thể đảm bảo an toàn cho công tác PCCC của chợ”.
Nói về việc bảo vệ hút thuốc lá ngay trong chợ, ông Bùi Quang Tuấn, đội phó đội phòng cháy của chợ Hôm - Đức Viên, cho biết chợ cấm hút thuốc lá tại một số nơi có nguy cơ cháy cao như sạp hàng khô, sạp vải, còn một số khu vực khác vẫn có thể hút thuốc. Đề cập việc diễn tập chữa cháy tại chợ, ông Tuấn cho biết chợ có hệ thống máy bơm nước bằng điện tại chỗ, đồng thời khi diễn tập các tình huống chữa cháy thì xe cứu hỏa từ bên ngoài phun nước qua được tầng thượng. Mặc dù tầng thượng của khu chợ này có mái che rất kín nhưng ông Tuấn khẳng định vòi rồng vẫn đưa nước vào được!
Đại tá Nguyễn Đức Thắng - công tác tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - cho rằng trong công tác PCCC, vấn đề quan trọng là ý thức của chủ chợ, chủ hàng và khách hàng đến mua bán. Tâm lý của các chủ chợ là tận thu, đáng lẽ chợ chỉ có đủ 1.000 gian hàng nhưng nếu tiểu thương có nhu cầu vẫn có thể cơi nới thêm bằng kiôt mái tôn, mái vẩy. Không chỉ chợ Đồng Xuân, chợ Hôm - Đức Viên, chợ Cầu Đông, Nghĩa Tân mà còn chợ vải Ninh Hiệp (Gia Lâm) và rất nhiều chợ khác ở Hà Nội tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận