Balô du lịch
Phóng to |
Chơi bài chòi ở Hội xuân Chợ Gò |
Để khuây khỏa nỗi nhớ nhà trong dịp tết, các tướng Tây Sơn tổ chức cuộc vui ngay trên bãi thao trường vào sáng mồng 1 và mồng 2 tết, nhưng khi trời vừa xế bóng thân nhân phải ra về để binh sĩ chuẩn bị canh phòng nghiêm ngặt về đêm. Vì vậy, hằng năm các gia đình binh sĩ theo lệ đến nơi đây thăm chồng con. Dân địa phương mang hoa quả, thức ăn, nước uống ra bán, lâu năm thành lệ. Khi quân Tây Sơn tan rã, nơi đây trở thành Hội Tết Chợ Gò, mỗi năm chỉ hội hai ngày mồng 1 và mồng 2 tháng giêng và cũng quen lệ tan chợ vào lúc xế chiều.
Từ lúc tinh mơ, người người từ khắp các nẻo đường lục tục kéo đến chợ. Người đến chợ để bày bán các sản vật, người đến chợ để “mua may mắn”, ai ai cũng hớn hở vui tươi. Gần đến chợ, xe chúng tôi cứ phải nhích từng chút một. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng kèn xe bin bin... nhưng ai nấy vẻ mặt tươi cười “từ bi hỉ xả” chứ không nhăn nhó, cáu gắt như chợ chiều cuối năm. Chúng tôi đến Chợ Gò (thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, Bình Định) khi trời còn mờ hơi sương, thế nhưng đã thấy đông đảo các bà, các chị ngồi xếp hàng dài bày bán trầu cau, hoa trái vườn nhà. Ghé vào mua trầu cau lấy lộc đầu năm, mới hay nhiều người đã thức dậy chuẩn bị đi chợ từ 2 - 3 giờ sáng.
Hai bên đường các bà, các chị bày bán trầu cau, vôi, muối... Những gì theo quan niệm dân gian là mang may mắn, no ấm cho năm mới. Đến với Chợ Gò, người mua kẻ bán đều vui vẻ vì ít khi phải nói thách, phải trả giá... Người bán nhỏ nhẹ, khoan thai, người mua từ tốn xởi lởi, cứ như cả hai đang trao và nhận những điều tốt đẹp nhất đầu năm. Không một lời qua tiếng lại ì xèo như những phiên chợ khác. Là phiên chợ đậm bản sắc văn hóa truyền thống gắn liền với phong trào Tây Sơn hào hùng, người dự hội Chợ Gò có thể mua trầu cau, các loại cây trái “lấy lộc”ở vườn nhà, hoặc mua đủ thứ đồ ăn tươi, từ các loại rau xanh mơn mởn, đến các loại tôm tươi rói còn nhảy tanh tách, cá đồng quẫy đuôi trong chậu mời gọi... Vì vậy, Chợ Gò mới xứng đáng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xếp vào trong “100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam” giữa hàng ngàn, hàng vạn... các loại chợ trong cả nước.
Phóng to |
Dàn trống Hội xuân Chợ Gò |
Người ta có thể tìm mua ở Chợ Gò từ đồ chơi cho con trẻ đến các loại đồ ăn thức uống... Đặc biệt là các món ăn đặc sản: nem Chợ Huyện, chim mía ở Lộc Lễ, rượu nếp và rượu gạo ở Trường Thuế (dân địa phương quen gọi là Trường Úc)... đã mãi mãi đi vào ca dao của dân tộc: “Rượu ngon Trường Úc mê ly - Gặp nem Chợ Huyện bỏ đi không đành”. Nhưng người ta đến với Chợ Gò không chỉ để thưởng thức các món đặc sản ẩm thực địa phương, mua rau quả để lấy lộc, hoặc để thưởng thức tài viết chữ “phượng múa rồng bay” trên liễn đối, mà đến với Chợ Gò còn có đủ các trò vui chơi mang màu sắc dân gian như: đánh bài chòi, thi đánh cờ người, chơi lô tô, đánh cờ tướng, đá gà... Phần lớn họ đến đây còn để gặp gỡ bạn bè, trao nhau những lời chúc tụng, kéo nhau đi xem chợ và khi mặt trời đứng bóng thì chia tay ra về.
Năm nay, khai mạc lễ hội Chợ Gò hoành tráng hơn vì có sự góp mặt của dàn trống hội và đội lân của võ sư Lê Xuân Cảnh (Nhơn Hưng, An Nhơn) biểu diễn góp vui. Nhiều người dân khen ngợi khi thấy dàn nữ võ sinh trong bộ võ phục màu đỏ đánh trống rất điêu luyện, tạo hứng khởi cho “võ sĩ Tề Thiên” biểu diễn múa gậy, nhào lộn rất đẹp mắt hòa cùng hai lân múa bằng các động tác võ thuật khuấy động không khí lễ hội. Gây ấn tượng không kém là màn biểu diễn của lão võ sư Phi Long Vịnh (Phước Thuận, Tuy Phước) với bài Ngọc Trản Quyền vang danh, từng được mời đi biểu diễn nhiều nước châu Âu. Nhìn lão võ sư 77 tuổi biểu diễn những đường quyền “sắc và uy lực”, mới cảm nhận sức khỏe, sự tươi trẻ mới là điều quan trọng nhất trong dịp đầu năm mới... Tiếp nối truyền thống, các võ sinh của CLB võ thuật chùa Long Phước, võ đường Nguyễn Thị Kim Huệ biểu diễn những bài binh khí, quyền, đối luyện vô cùng đẹp mắt...
Biết tin về Hội bài chòi cổ dân gian Bình Định tham gia phiên chợ, nhiều người dân đã đến sớm để “xí chòi” trước từ khi chưa khai hội. Đến khi bắt đầu trò chơi dân gian độc đáo này, mọi người chen nhau mua thẻ bài để lên chòi, thưởng thức những điệu hô bài chòi, trích đoạn bài chòi cổ, hay, sinh động do các nghệ nhân dân gian, cán bộ giỏi của Trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao huyện Tuy Phước biểu diễn. Ngày đầu năm, mặc dù nắng lên cao phả nhiều hơi nóng hơn, nhưng sự tươi mới của hội bài chòi đã đem đến sự “mát lành tâm hồn” cho người chơi, để cảm nhận sự cuốn hút khó cưỡng trong câu ca xưa: “Rủ nhau đi đánh bài chòi. Để cho con khóc đến lòi rốn ra!”.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, Hội xuân Chợ Gò ngày nay đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, hội tụ tinh hoa sản vật và cũng là nơi đón chuyến xuất hành đầu năm của người dân Bình Định và khách thập phương về “mua may bán rủi”. Đến khi những tia nắng gắt chiếu thẳng xuống mái tranh dựng bên hiên chợ xói vào da thịt báo hiệu phiên chợ sắp tan, mà sao ai đó cứ dùng dằng lưu luyến chưa muốn về. Chúng tôi cứ đi chầm chậm như muốn níu lại chút gì đó thiêng liêng da diết, muốn ở mãi với mùa xuân với lòng người, nhưng rồi đành phải nén lòng chờ đợi một phiên chợ tinh mơ sáng xuân sau...
Áo Trắng số 5 ra ngày 15/03/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận