Tổng cục Thuế đã nhận email đăng ký nộp thuế của Microsoft từ Singapore và đang chờ các “ông lớn” khác như Facebook, Google... đăng ký nộp thuế - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong khi đó về phía người dùng trong nước vẫn còn nhiều băn khoăn nếu nhà cung cấp nước ngoài không tự nguyện nộp từ đó buộc ngân hàng phải chặn trừ, ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ liên tục cho người dùng.
Người dùng lo bị gián đoạn dịch vụ
Nhiều người sử dụng dịch vụ của các nhà thầu nước ngoài tại VN đang rất lo lắng có nguy cơ bị cắt dịch vụ một cách oan uổng, nếu nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài không đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế VN.
Bởi theo quy định tại thông tư 80 của Bộ Tài chính, nếu những nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài không đăng ký, khai và nộp thuế tại VN, ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay theo quy định.
Tại buổi làm việc với 64 nhà cung cấp thuộc diện này mới đây, Tổng cục Thuế đưa ra hai chọn lựa: nhà cung cấp đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế VN hoặc ngân hàng thương mại sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp thuế thay nếu nhà cung cấp nước ngoài không kê khai và nộp thuế kịp thời và đầy đủ.
Chị Trà (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết để phục vụ công việc, chị đăng ký mua dung lượng Gmail trả tiền theo năm, đăng ký mua dung lượng iCloud và trừ tiền định kỳ từ thẻ tín dụng. Đến kỳ, ngân hàng sẽ trừ tự động thẻ ghi nợ. Mấy năm qua việc thanh toán theo hình thức này khá suôn sẻ.
"Nhưng với quy định mới, tôi lo nếu nhà cung cấp không đăng ký nộp thuế, cơ quan thuế sẽ truy và ngân hàng chặn lại khoản thanh toán của tôi để trừ thuế. Khi đó số tiền còn lại mà ngân hàng chuyển cho nhà thầu không đủ số tiền quy định, tôi không được cung cấp dịch vụ nữa thì sao?", chị Trà băn khoăn.
Anh N.V.K. (Hà Nội) cũng cho biết đã sử dụng dịch vụ xem phim, nghe nhạc, lưu trữ dữ liệu trực tuyến... của nhà cung cấp nước ngoài được khoảng 5 năm. Như dịch vụ lưu trữ dữ liệu có 59.000 đồng/tháng và anh thanh toán qua tài khoản ngân hàng.
Như vậy, nhiều khả năng ngân hàng sẽ khấu trừ tiền thuế từ số tiền anh chuyển khoản để thanh toán dịch vụ."Theo mức tiền mà nhà cung cấp đưa ra, tôi đã nộp đủ và sẽ thanh toán qua ngân hàng. Nhưng trường hợp ngân hàng giữ lại phần thuế, người sử dụng dịch vụ có được cung cấp dịch vụ hay phải nộp thêm tiền thuế?", anh K. đặt vấn đề.
Ngân hàng cũng sợ bị kiện
Các ngân hàng cũng rối không kém. Phó giám đốc phụ trách kế toán của một ngân hàng TMCP có trụ sở tại Hà Nội cho rằng quy định quá mới này khiến ngân hàng khá bối rối. Bởi dịch vụ số rất đa dạng, thậm chí chỉ có tên tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ khác. Việc ngân hàng buộc xác định chính xác tên dịch vụ để có trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thay tiền thuế cho các giao dịch với nhà cung cấp ở nước ngoài là một thách thức.
Bởi theo quy định, ngân hàng trích trừ tiền của khách hàng chỉ khi có quyết định cưỡng chế thuế của cơ quan thuế với thông tin cụ thể tên doanh nghiệp kèm địa chỉ, mã số thuế, tài khoản ngân hàng, lý do bị cưỡng chế, số tiền đề nghị trích trừ... và yêu cầu ngân hàng thực hiện.
"Còn nay, một khách hàng đề nghị chuyển 100 USD cho nhà cung cấp nước ngoài để thanh toán dịch vụ số. Có lẽ chúng tôi sẽ phải giải thích với khách về việc sẽ phải trích 0,5 USD để kê khai và nộp thuế. Nên số tiền chuyển ra nước ngoài chỉ còn 99,5 USD thôi. Trường hợp khách đồng ý, ngân hàng mới nhận dịch vụ này", vị này nói.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM cũng cho hay dịch vụ số rất đa dạng, số lượng doanh nghiệp tham gia cũng rất đông đảo. Các công ty lớn sẽ làm nghiêm túc nhưng với các công ty nhỏ và nhà cung cấp nhỏ của công ty lớn, có thể có nhiều hình thức thanh toán khác nhau và chuyển từng lần với số tiền nhỏ ngân hàng rất khó quản lý.
Do vậy, theo vị này, "chỉ nên bắt con cá to, còn con cá nhỏ nên bắt theo kiểu khác". Mặt khác, do khách hàng chuyển tiền ở khắp chi nhánh trong cả nước, nếu cơ quan thuế muốn thu qua "cổng ngân hàng" phải có hướng dẫn rất cụ thể để ngân hàng có kiểm soát đúng mà không ảnh hưởng đến dịch vụ khách hàng.
"Trên thực tế, ngân hàng đã từng nhiều lần rơi vào tình huống dở khóc dở cười khi cơ quan thuế, hải quan yêu cầu phong tỏa tài khoản để truy thu thuế trong khi thực tế doanh nghiệp đã nộp thuế nhưng cơ quan thuế, hải quan chưa cập nhật dẫn đến khách hàng kiện ngân hàng", vị này nói.
Người dùng lo bị gián đoạn dịch vụ trong khi ngân hàng lo sẽ bị khách hàng khiếu nại nếu chặn trừ theo yêu cầu của cơ quan thuế - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhà cung cấp nước ngoài phải nộp thuế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Phụng, cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), khẳng định nghĩa vụ nộp thuế là của nhà cung cấp nước ngoài. Tuy nhiên, do VN thiếu cơ chế nên nhiều nhà cung cấp nước ngoài đã thu tiền sử dụng dịch vụ của khách hàng cá nhân ở VN nhưng không nộp thuế đối với phần doanh thu bán dịch vụ, sản phẩm bán cho cá nhân.
Đến nay, VN đã có chính sách đầy đủ và phương tiện là cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài để có thể kê khai và nộp thuế trực tiếp, ủy quyền cho đại lý thuế ở VN kê khai và nộp thay... Tổng cục Thuế vừa mới nhận email đăng ký thuế của Microsoft từ Singapore.
Trả lời câu hỏi công cụ nào để quản lý, giám sát doanh thu và thu đúng, thu đủ tiền thuế, ông Phụng cho rằng bằng công cụ thanh toán, dữ liệu liên thông giữa cơ quan quản lý. Theo quy định của Luật quản lý thuế, ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan thuế. Tương tự là hạ tầng mạng, nếu nhà cung cấp nước ngoài không nộp thuế đầy đủ cũng không thể tiếp cận hạ tầng mạng dễ dàng như lâu nay.
"Cơ quan thuế sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan gồm ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các đơn vị cung cấp hạ tầng mạng để giám sát doanh thu cũng như việc tuân thủ nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp nước ngoài. Có thể nói, chúng ta đã có công cụ để nhà cung cấp nước ngoài không thể trốn thuế", ông Phụng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại VN, cho biết các doanh nghiệp nước ngoài luôn mong muốn có hành lang pháp lý rõ ràng và công cụ thuận tiện nộp thuế. "Việc có một ứng dụng riêng để kê khai nộp và kiểm tra về thuế dành cho nhà cung cấp nước ngoài sẽ giúp các tập đoàn đa quốc gia thực hiện nghĩa vụ thuế đối với doanh thu phát sinh ở VN", ông Thanh nói.
Cần sửa luật
Các chuyên gia ngân hàng cho biết theo quy định hiện nay, ngân hàng không có quyền khấu trừ bất kỳ một đồng nào trên tài khoản khách hàng nếu không có sự đồng thuận. Nếu khấu trừ khi chưa được sự đồng thuận của khách hàng, ngân hàng sẽ đối mặt nguy cơ bị khách hàng kiện.
Do đó, theo các chuyên gia, trường hợp khách hàng không có chứng từ, cơ quan thuế buộc ngân hàng khấu trừ hoặc giữ lại tiền để thực hiện nghĩa vụ thuế, Quốc hội phải ban hành luật, trong đó cho phép cơ quan thuế có quyền khấu trừ tài khoản ngân hàng và ủy quyền cho ngân hàng làm việc đó thì ngân hàng mới dám làm.
Sẽ áp tỉ lệ phần trăm để tính thuế
Theo thông tư 80 năm 2021 của Bộ Tài chính, các cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài mà nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại VN, ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay theo quy định.
Tổng cục Thuế thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa có đăng ký, kê khai, nộp thuế cho ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để kê khai và nộp thuế thay. Số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai, khấu trừ, nộp thay được xác định tỉ lệ trên cơ sở doanh thu mà nhà cung cấp ở nước ngoài nhận được.
Trường hợp không xác định được loại hàng hóa, dịch vụ của từng giao dịch thì áp dụng tỉ lệ phần trăm để tính thuế theo tỉ lệ cao nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận