Những tiểu thương lớn tuổi cũng rành rọt với chuyển khoản: VIDEO: N.TRÍ
Là tiểu thương hơn 20 năm tại chợ Bình Tây (Q.6) bà Nguyễn Hoàng Ngọc - chủ sạp Hoàng Ngọc - cho biết chưa lúc nào bà rành chuyển khoản như lúc này.
Theo bà Ngọc, khi nhận thấy xu hướng nhiều khách hàng bắt đầu chuyển qua chọn mua hàng bằng "ship" tận nhà, rồi thanh toán chuyển khoản để hạn chế tiếp xúc vì sợ dịch COVID-19, tôi đã mở ngay một tài khoản ngân hàng Sacombank, rồi tự tập mày mò thêm cách chuyển và nhận tiền bằng chuyển khoản.
Nhờ đó, theo bà Ngọc, thời gian qua, bà thường xuyên có đơn hàng theo dạng này, từ chỉ vài chục ngàn đồng đến tiền triệu.
"Khách chuyển tiền vào tài khoản là hàng lên đường đi ngay. Để tạo uy tín cho khách, tôi chụp thêm hình gửi qua Zalo. Ở đây không chỉ riêng tôi mà có hàng ngàn tiểu thương đã áp dụng cách này", bà Ngọc khẳng định.
Khách ít đến chợ vì sợ dịch, hiện nhiều sạp hàng tại chợ Bình Tây (Q.6) phải tăng cường đóng hàng để đi giao tận nơi, và cho khách thanh toán bằng chuyển khoản - ẢNH: N.TRÍ
Trong khi đó, ở ngành hàng bánh kẹo kế bên bà Ngọc, vừa chìa tay ra với số tiền hơn 1,5 triệu đồng bán được bữa chợ hôm nay, ông Nhã - chủ sạp Nhã - cho biết số tiền mặt trên khiêm tốn là do một phần khách chọn thanh toán bằng chuyển khoản.
Theo ông Nhã, để hỗ trợ cho khách hàng thanh toán bằng chuyển khoản online ông đã đầu điện thoại thông minh, và chủ động gửi số tài khoản, gợi ý khách cách mua bán này thêm để họ có thể mua được hàng mà không cần phải ra chợ vì ngại dịch. Nhờ đó, nhiều tháng qua số lượng đơn hàng thanh toán không tiền mặt có nhiều hơn.
Ông Nhã - tiểu thương chợ Bình Tây - kiểm đến tiền mặt bán được trong ngày. Theo ông Nhã, chợ ế, lại thêm nhiều người mua online và chuyển khoản nên tiền mặt mỗi buổi chợ hầu như khiêm tốn - ẢNH: N.TRÍ
"Cách mua bán này có lợi cho cả người bán lẫn người mua, đặc biệt trong mùa giãn cách do dịch, đó là lí do nó càng ngày càng phổ biến", ông Nhã nhận định.
Theo ông Nhã, dù có hàng ngàn sạp nhưng giờ vào chợ Bình Tây tìm được sạp hàng không xài thanh toán chuyển khoản "thì chắc hơi khó", bởi mấy tiểu thương U50, 60 cũng đã "tập tành cà thẻ, chuyển khoản không kém cạnh giới trẻ".
Ngoài để giải trí, điện thoại còn giúp nhiều tiểu thương tăng cường bán hàng online và kiểm tra thanh toán không tiền mặt - ẢNH: N.TRÍ
Trong khi đó, để "chơi lớn", sạp Minh Hưng gần chợ Bình Tây mới đây còn đầu tư hẳn máy cà thẻ của ngân hàng HD Bank, và ví điện tử MoMo để hỗ trợ khách thanh toán.
Theo đại diện sạp này, do bán sỉ khá nhiều nên giá trị thanh toán thường lớn, khách hàng lại ngại để tiền mặt nhiều trong người nên đòi hỏi thanh toán bằng cà thẻ, chuyển khoản, do đó, sạp đã "đầu tư cái này cho tiện".
"Ban đầu quen xài tiền mặt nên không để ý máy cà thẻ, nhưng nay xài thời gian thấy tiện, nhanh gọn và quan trọng không sợ mất tiền, lẫn lộn nhờ không phải phờ đầu thối tiền", vị đại diện này dí dỏm.
Không chỉ những chợ qui mô lớn như Bình Tây, hiện đi bất cứ chợ lẻ nào như Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Tân Định (Q.1)… cũng không khó để thấy hình ảnh tiểu thương lướt smartphone để thực hiện chuyển khoản một cách rành rọt, thậm chí cả những người lớn tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận