Anh Nguyễn Văn Thành và vợ - Ảnh: Lê Vân |
Có những bệnh nhân phải nhập viện cận Tết cũng nóng lòng mong bác sĩ chữa bệnh để kịp về Tết. Hối hả, tất bật trong hồi hộp, lo âu và mong ngóng cái Tết trọn vẹn cùng gia đình là những câu chuyện mà chúng tôi ghi nhận được ở nhiều bệnh viện tại TPHCM, khi chỉ còn vài ngày nữa là Tết.
“Con chờ ba mua áo mới!”
Trưa ngày 25 Tết, chúng tôi chứng kiến một câu chuyện cảm động của bệnh nhân Nguyễn Văn Thành tại khoa Lồng ngực mạch máu – BV nhân dân 115, TPHCM. Nằm trên giường bệnh, anh thợ rừng ở Đắc Nông tên Nguyễn Văn Thành cười trong nước mắt kể: “Ba ngày trước vợ chồng tôi bắt xe đò từ Đắc Nông lên đây trong tâm trạng lo lắng vô cùng. Cứ ngỡ tết này không chỉ mất vui mà còn mất luôn cả cái chân này. May mắn là các bác sĩ kịp thời chữa trị, nay tôi đỡ nhiều rồi, bác sĩ còn nói thứ 2 này được xuất viện. Mừng quá trời luôn”.
Không vui sao được khi chỉ nửa tháng trước thôi, anh Thành bị tai nạn trong lúc làm rừng khiến chân trái bị tê liệt không đi đứng được. Vậy mà anh thợ rừng ráng chịu đau, cố đi làm để kiếm thêm đồng ra đồng vào cho cái Tết sắp đến. Chúng tôi cũng không khỏi xúc động khi nghe vợ anh, chị Nguyễn Thị Hải Yến kể về tình cảnh gia đình khó khăn với hai con nhỏ, anh chị đều làm rừng mướn cho người ta.
Gần tháng trước, anh Thành bị một cây gỗ đè ngang chân. Do chủ quan khi thấy vết thương chỉ bị bầm, anh không đi khám bác sĩ. Tới khi chân sưng to và bị tê cứng, anh mới đi khám thì được biết bị tắc mạch máu phải phẫu thuật gấp nếu không sẽ mất chân. Yến, vợ Thành bùi ngùi nói: “Nghe tin hai vợ chồng tui mất hồn. Lỡ phải cưa chân thì ảnh sao làm ăn để nuôi con? Thôi thì cuối năm tai bay vạ gió nên vợ chồng cố gom góp vay mượn cho ảnh chữa trị. May mà đã ổn rồi.”.
Niềm vui xen lẫn bồn chồn mong về Tết, vợ chồng anh thợ rừng bộc bạch: Tết gần quá rồi mà chưa mua sắm gì. Hôm rồi thằng nhỏ con tui ở nhà gọi điện lên hỏi thăm cha còn nhắc ba mẹ đi Sài Gòn mau về mua cho con áo mới nhé! Nghe con nói mà vừa mừng vừa lo, hai vợ chồng tui tính sau khi ra viện ghé chỗ đâu đó mua tấm áo tết cho trẻ con nó mừng.
Hiện tại, khoa Lồng ngực mạch máu BV nhân dân 115 chỉ còn khoảng 1/3 bệnh nhân buộc phải ở lại ăn Tết trong bệnh viện. Hầu hết các bệnh nhân ở các tỉnh khác vào trị bệnh đều chuẩn bị tâm lí trước nhưng cũng không khỏi nôn nao khi nhìn thấy các bệnh nhân nhẹ hơn được về Tết. Bác sĩ Cao Văn Thịnh, trưởng khoa Ngoại Lồng ngực mạch máu BV nhân dân 115 cho biết: “Biết tâm lí muốn vui Xuân đoàn tụ nên các y bác sĩ trong khoa đều cố gắng hết sức tạo điều kiện cho những bệnh nhân tạm thời ổn định phác đồ điều trị về Tết.”.
Có bệnh nhân vốn là một giám đốc, cuối năm bận rộn gấp rút nhưng buộc phải nhập viện vì chứng tắc huyết khối có thể gây tử vong đột xuất. Đó là anh Nguyễn Sanh, giám đốc công ty vận tải ở Bình Dương, mới nhập viện sáng 25 Tết vì bác sĩ cảnh báo nếu không điều trị sớm anh có thể “đi” bất cứ lúc nào. “Nằm trên giường bệnh như nằm trên đống lửa, bao nhiêu cuộc hẹn quan trọng cuối năm phải hủy. Thần chết lơ lửng trên đầu khi Tết nhất cận kề rồi. May bác sĩ nói nếu điều trị tích cực có thể khỏi ăn Tết trong bệnh viện.”, anh Sanh dí dỏm nói.
“Bắc cầu vượt tuyến” cuối năm
Đi một lượt các buồng bệnh tại bệnh viện nhân dân 115, chúng tôi nhận thấy nhiều giường bệnh trống hơn ngày thường. Hầu hết các bệnh nhân ở lại đều nài nỉ bác sĩ xem có cách nào được ra viện về Tết. Chính vì tâm lý đó, những ngày cuối năm, ê kíp y bác sĩ tại đây phải căng thẳng hơn khi làm việc. Có những ca bệnh hy hữu với nguy cơ lớn các bác sĩ càng phải tiên lượng và xử trí sao cho vẹn toàn để tặng món quà tết sớm cho người bệnh của mình. Đó là trường hợp một sinh viên trường ĐH công nghệ TPHCM bị tai nạn giao thông đa chấn thương cách đây 1 tháng. Sau khi trải qua nhiều ca phẫu thuật, anh này lại rơi vào tình trạng hẹp khí quản, điều trị nội khoa không khỏi, cần phẫu thuật gấp.
Tết đến gần, nỗi buồn như gấp đôi khi suốt thời gian dài điều trị mà cậu sinh viên quê Bình Thuận Phạm Viết Chương vẫn trong tình trạng nguy kịch. Ca mổ nối khí quản 4 ngày trước như cuộc chiến sống còn với thần chết, Chương đã chiến thắng. Bác sĩ nói nếu tiếp tục hồi sức tốt như hiện nay, Chương sẽ được xuất viện tạm thời về quê đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết này.
Niềm vui của bà Trần Thị Ngọc Liên tại khoa Lồng ngực mạch máu có lẽ là đặc biệt nhất trong khoa. Bởi lẽ ở tuổi 56, bà vừa trải qua cuộc phẫu thuật “bắc cầu” vượt cửa tử. Đó là ca mổ nối mạch máu vùng ngực – đùi hai bên rất phức tạp. Bà Liên nhập viện trong tình trạng tắc động mạch chủ vùng cao gây tắc mạch máu xuống bụng và chân. Các bác sĩ trong khoa ví von đây là ca mổ “bắc cầu vượt tuyến” ngực - bụng cuối năm để bệnh nhân kịp về ăn Tết. Suốt mấy ngày sau phẫu thuật, bà Liên và gia đình rất hoang mang vì không biết kết quả điều trị thế nào. Chồng bà Liên đến giờ mới hoàn hồn để nói giỡn: “Thiệt chứ mấy ngày trước tuy tui nói ổn cho con cái đỡ lo mà trong lòng như lửa đốt. Giờ ổn rồi mới thở nhẹ được. Tui còn giữ lại phim chụp bác sĩ phân tích trước ca mổ “bắc cầu vượt tuyến” này là kỷ niệm đó!”. Niềm vui tết năm nay của gia đình bà Liên dường như lan tỏa với các bệnh nhân cùng phòng. Họ đã chúc Tết sớm râm ran khắp phòng lưu bệnh với nhiều khấp khởi, hy vọng cho một năm mới mạnh khỏe, an lành và vui vầy bên gia đình.
Tại khoa Khớp bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, nhiều căn phòng bệnh ngày thường đầy ắp bệnh nhân nay cũng trống trơn. Những chiếc giường sắt đang được lau rửa vệ sinh. Chỉ còn khoảng 2 phòng có bệnh nhân sau mổ. Anh Tô Văn Thanh (40 tuổi, quê Tp.Cam Ranh – tỉnh Khánh Hòa) cười tươi rói bảo: “Hai ngày trước bác sĩ thông báo thứ hai này cho tui xuất viện. Mừng quá trời luôn. Tui nhớ mấy đứa nhỏ quá. Mấy bữa rày ngủ không nổi vì mừng, trông cho mau qua ngày để về nhà chớ ở ngoài đó có ba mẹ con chuẩn bị sắm sửa đón Tết thấy tội quá”. Anh Thanh là trường hợp khá đặc biệt. Đi biển từ năm 19 tuổi, rong ruổi tung hoành vùng biển suốt từ Cam Ranh đến Bình Thuận nhưng phải nằm im một chỗ, đôi chân bị liệt khiến anh suy sụp, gầy sọp đi. Vì gia cảnh khó khăn, bị liệt hai chân nhưng sau hai tháng anh Thanh mới nhập viện. Hồ sơ bệnh án cho biết anh Thanh bị sarcom sụn N-4-5 chèn ép tủy, nhập viện trong tình trạng liệt hai chân, bí tiểu.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thành đang thăm hỏi bệnh nhân Tô Văn Thanh. Tâm trạng anh Thanh rất tốt khi được bác sĩ thông báo tình hình sức khỏe tốt và xuất viện vào thứ hai tuần tới - Ảnh: My Lăng |
Ca mổ kéo dài 14 tiếng đồng hồ ngày 16-1 đã thành công. “Bệnh nhân bị tái phát nặng mới vô nên nếu mổ sẽ có nguy cơ nhưng may mắn đã phục hồi được. Chúng tôi sẽ hội chẩn để xạ trị hỗ trợ cho bệnh nhân. Hiều được tâm lý bệnh nhân ngày Tết ai cũng muốn được về nhà nên chúng tôi linh động chuyển những ca bán khẩn bình thường làm chương trình thì bây giờ đưa vào mổ cấp cứu để bệnh nhân về nhà sớm, trừ những trường hợp có thể trì hoãn thì nẹp tác động rồi cho bệnh nhân về. Chúng tôi sẽ tiếp tục mổ tới ngày 27 mới nghỉ. Những ngày cận Tết này, trung bình một ngày chúng tôi thực hiện 30 – 40 ca mổ cấp cứu. Anh em phải làm thêm 20 – 30% công suất”, bác sĩ Võ Quang Đình Nam – phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình – cho biết.
“Tui không biết mình có được mổ trước Tết hay không – anh Thanh nói – Mổ rồi thì không biết mình có kịp về nhà đón Tết với vợ con không. Mổ xong, 4 bác sĩ trong kíp mổ cho tui là bác Chính, bác Nam, bác Tuấn, bác Dũng…tới thăm, kêu tui ngo ngoe thử coi ngón chân nhúc nhích được không. Nhìn mấy ngón chân tui nhúc nhích, ngo ngoe được, bác sĩ vui lắm. Tui còn vui hơn. Hồi trước khi mổ, chân không có cảm giác, giờ ông anh tui bóp thử, đau la làng luôn. Các bác sĩ hay xuống phòng hỏi thăm bệnh nhân lắm rồi chỉ tui cách tập luyện vật lý trị liệu. Hôm bữa bác sĩ nói vết thương đang lành dần, tiến triển tốt. Giờ chỉ đợi tới ngày xuất viện thôi. Anh họ tui đã gọi điện đặt nhà xe ở ngoài đó chạy vô này trả khách rồi đón ra luôn”.
Còn TS.BS Phạm Hữu Thiện Chí (phó khoa ngoại Gan Mật Tụy bệnh viện Chợ Rẫy) thì cho hay: “Sáng nay chúng tôi vừa mổ một ca bệnh nhân nghèo ở Bình Phước, không có ai chăm sóc, chuyển theo đường cấp cứu. Đây cũng là một trong 10 ca mổ cấp cứu trong sáng nay. Gần Tết, chúng tôi giảm dần những ca mổ chương trình mà chuyển qua mổ cấp cứu để linh hoạt giải quyết những ca bệnh nhân dưới tỉnh xa như Cà Mau, Kiên Giang, Đắc Lắc, Đắc Nông…chuyển lên. Nếu không linh hoạt mổ cho bệnh nhân kịp về quê ăn Tết thì rất tội nghiệp, vất vả cho bà con. Đa số bệnh nhân bị sỏi mật là người nghèo, tỉnh xa nên chúng tôi phải “chạy” hết công suất, phải rất cố gắng để bệnh nhân được về trước Tết. Hai ngày nay chúng tôi toàn mổ cấp cứu, trung bình 15 ca cấp cứu một ngày, suốt từ sáng tới chiều. Hiện khoa còn trên 80 ca, hy vọng ngày mai sẽ về thêm 20 ca nữa. Mình chịu áp lực, chịu vất vả hơn ngày thường một chút nhưng bà con khỏe mạnh, về nhà sum họp, vui vầy mình cũng vui lây…”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận