Phóng to |
BS Vũ Đăng Quyền kiểm tra, đánh giá hô hấp của bệnh nhân Nguyễn Quế sau khi đặt nội khí quản tại bệnh xá đảo Trường Sa Lớn ngày 6-5 - Ảnh: SONG SƠN |
Sáng 16-5, khi đến thăm hai bệnh nhân Nguyễn Mỹ và Nguyễn Quế, nhìn nụ cười gắng gượng trên gương mặt của người vừa từ cõi chết trở về, một người đàn ông sương gió, một bác sĩ lâu năm như tôi cũng thấy rưng rưng nước mắt. Cơ duyên tình cờ đã khiến tôi gặp họ trong ca cấp cứu thập tử nhất sinh ở bệnh xá đảo Trường Sa Lớn ngày 6-5, bỏ ngay vai trò của một khách thăm đảo, tôi bắt tay vào việc.
Lặn quá sâu, hai ngư dân cùng rơi vào hôn mê, một người còn bị tổn thương não, tủy, phổi. May mà bệnh xá Trường Sa Lớn đã được trang bị máy điện tim, máy hút, máy thở và có bác sĩ đa khoa giàu kinh nghiệm. Nếu không có những máy móc sẵn, chúng tôi không thể có cơ hội cứu người. Tất cả các thiết bị điện trên đảo buộc phải tắt để dành chạy máy thở.
Họ đã được cứu
"Góp đá xây Trường Sa là một cách nói vừa cụ thể, vừa hình tượng. Viên đá ấy ở trong khả năng và tầm tay của mỗi người, để Trường Sa không còn xa nữa, như chúng ta thường hát “Không xa đâu Trường Sa ơi...”" |
Nỗ lực của chúng tôi không chỉ được đền đáp bằng hai con người tưởng chết mà đã sống, hai gia đình còn nguyên vẹn, đủ đầy, mà còn là sự yên tâm, tin tưởng của người dân với một chỗ dựa giữa mênh mông trùng khơi.
Và như thế, Trường Sa phải được tiếp tục đầu tư
Nhiều lần ra Trường Sa, nhiều ngày lênh đênh trên tàu nhìn biển vô tận, nhiều bước chân lang thang trên đảo khát, tôi mơ một ngày mỗi đảo ở Trường Sa có thể trở thành một điểm đến, một điểm dừng chân, tiếp tế cho ngư dân. Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Nam Yết có thể là nơi ngư dân đến tiếp nước ngọt, rau xanh, khám chữa bệnh trong chuyến đi biển dài ngày. Các đảo chìm có thể là nơi sửa chữa ngư cụ, tiếp nhiên liệu, năng lượng. Tại sao không? Và như thế, chúng ta sẽ có nhiều làng chài trên biển hơn, biển Đông rất đẹp và rất giàu của chúng ta sẽ được khai thác tốt hơn.
Các hệ thống năng lượng sạch hiện Trường Sa đã có nhưng chưa đủ để dự trữ, mây che mặt trời, biển đứng gió, lập tức thiếu điện, cần được đầu tư mạnh hơn nữa. Việc tính toán công suất tiêu hao năng lượng của từng đảo để lắp đặt hệ thống thu và tích dự phòng cũng là bài toán cần được tính. Bên cạnh việc chở nước ngọt từ đất liền ra, các giải pháp hứng nước mưa đã có cũng chỉ là tạm thời.
Để có nước ngọt, giải pháp lâu dài và chủ động nhất là xây dựng hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt, hiện ở VN mới chỉ có khu Vinpearl áp dụng thành công. Rồi vấn đề cây xanh, rau xanh? Cần nghiên cứu từ thổ nhưỡng, khí hậu để tìm ra những loại cây xanh phù hợp cho đảo, che chắn sóng, gió và giữ được đất.
Mưa với đảo thật là quý nhưng nhiều khi một trận mưa to đã cướp đi những luống rau xanh mất bao nhiêu công sức chăm bón của người chiến sĩ. Rồi công nghệ nào xử lý chất thải, bảo vệ môi trường trên đảo khi không có chỗ chôn lấp? Công nghệ nào lọc khí mặn nhằm bảo quản thuốc men, thiết bị y tế? Làm sao để khắc phục tình trạng thiếu y bác sĩ, thiếu giáo viên?... Rất nhiều đề bài được đặt ra cần sự hiến kế, góp sức của cả nước, nhất là thanh niên, trí thức trẻ.
Công tác trong ngành y, tôi biết việc xây dựng những bệnh xá trung tâm (theo cụm đảo) có đủ năng lực cả về trang thiết bị lẫn con người là hết sức cần thiết và nằm trong tầm tay của ngành y tế. Có thể phát động “mỗi bệnh viện một món quà” là sẽ có đủ khả năng để xây dựng bệnh xá Trường Sa lên quy mô một bệnh viện cấp quận (hiện đã giải quyết được cơ bản các vấn đề cấp cứu nội ngoại khoa, đã có thể tiến hành phẫu thuật trên đảo cả trung và đại phẫu, hội chẩn qua truyền hình).
Và nhất thiết cơ sở hạ tầng phải đảm bảo được việc bảo vệ trang thiết bị (tránh hơi mặn của biển), Sở Khoa học - công nghệ hẳn sẽ giúp được việc này. Bên cạnh đó hệ thống chuyển tải bằng những xuồng đặc chủng giữa các đảo cách xa nhau hàng chục hải lý cũng hết sức cần thiết.
Khi đó, Trường Sa sẽ thật sự là chỗ dựa vững chắc của ngư dân trên biển Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận