Mặc đẹp, ăn diện với đồ cũ
Tại cửa hàng Give Away ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, từ tối cho tới khi cửa hàng phát thông báo đóng cửa, khách ra vào liên tục, đông đúc, trái ngược với không khí ảm đạm tại các gian hàng kinh doanh thời trang ở các chợ sỉ, chợ lẻ...
Khách đông, hai nhân viên thu ngân cùng ba nhân viên bán hàng bận bịu liên tục phục vụ khách thay và thử đồ, sắp xếp lại đồ cho ngay ngắn, tính tiền... Nhiều thời điểm, khách phải xếp hàng để thanh toán và thử đồ vì quá đông.
Theo khảo sát, mỗi món đồ đã qua sử dụng tại đây có giá từ 30.000 - 150.000 đồng. Tuy đồ đã qua sử dụng nhưng nhìn còn mới, mẫu mã đa dạng nên được nhiều người - đặc biệt các bạn trẻ - ưa chuộng.
Ôm trên tay chừng năm chiếc áo kiểu và ba chiếc váy liền, váy dài họa tiết sặc sỡ, Vũ Thu Hương (23 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết đang muốn tìm mua đồ cho chuyến du lịch Đà Lạt sắp tới.
Hương cho biết cô bắt đầu dùng đồ cũ nửa năm trở lại đây. "Lương thưởng giảm, kinh tế eo hẹp nhưng vẫn muốn mặc đẹp, có đồ mới khi đi du lịch nên mình nghĩ tới đồ cũ", Hương nói.
Theo Hương, đồ đi du lịch chụp hình một lần là chán, mua đồ mới mắc tiền rất phí, trong khi đồ cũ cũng đẹp, độc, lạ. Bên cạnh đó, mua đồ cũ giúp tăng vòng đời của quần áo, giúp bảo vệ môi trường nên cô thấy không có gì phải ngại.
Tương tự, Linh Chi (nhân viên văn phòng tại Gò Vấp) cho biết ngoại trừ đồ cá nhân như vớ, đồ lót, cô đều mua đồ cũ. "Cũ người mới ta, vừa tiết kiệm lại vẫn được mặc đẹp", Chi nói.
Bên cạnh mua mới, Chi cho biết cô cũng thanh lý bớt những món đồ không còn sử dụng, vừa có thêm tiền lại không thải bỏ đồ ra môi trường.
Cách đó 500m, cửa hàng đồ cũ Labb cũng đông khách mua cùng thời điểm, các phòng thử chật kín, khách xếp hàng từ 3 - 5 phút mới tới lượt.
Theo quan sát, cửa hàng này có nhiều mẫu "hot" từ các thương hiệu Việt, dù đồ cũ nhưng trông mới tới 80 - 90% với giá chỉ từ 30.000 - 120.000 đồng/món.
Theo bà Nguyễn Thúy Châu - chủ chuỗi cửa hàng Labb, ngày cao điểm cửa hàng có thể bán từ 300 - 400 món.
"Sắp tới mùa du lịch hè nên nhu cầu mua sắm, làm đẹp cao, doanh thu cửa hàng tăng 20% so với tháng bình thường", bà Châu cho biết.
Nhộn nhịp mua sắm online
Trên các nhóm trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử thanh lý đồ cũ cũng thu hút hàng trăm ngàn thành viên. Nhiều nhóm hoạt động sôi nổi rao bán mỗi ngày như "hội thanh lý đồ cũ", "nghiện đồ cũ"...
Thay vì đến các cửa hàng, Nguyễn Thanh Hải (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chọn "chốt đơn" trên sóng livestream của các shop đồ cũ. "Mỗi món thường chỉ có giá từ 50.000 - 100.000 đồng, vừa "hạt dẻ" lại vừa với túi tiền, dạo gần đây mình gần như chuyển hẳn sang dùng đồ si", Hải nói.
Theo số liệu từ Chợ Tốt - sàn giao dịch đồ cũ hàng đầu Việt Nam, sức mua trên sàn tăng nhẹ trong những tháng đầu năm.
Cụ thể, lưu lượng truy cập tìm mua đồ dùng đã qua sử dụng tăng trưởng 13,1% so với quý 4-2022. Bà Hoàng Thị Minh Ngọc - giám đốc chiến lược và tăng trưởng của Chợ Tốt - cho biết người tiêu dùng thường tìm mua các sản phẩm trong phân khúc giá tầm trung.
Họ cũng ưu tiên dành tiền các món đồ thiết yếu và ngày càng "miễn nhiễm" với các chương trình khuyến mãi, ưu đãi kích cầu từ những sản phẩm, dịch vụ không cần thiết.
"Bên cạnh đó, khách mua ngày càng cởi mở hơn với việc mua đồ đã qua sử dụng những năm gần đây. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn năm nay, việc sử dụng đồ cũ cũng giúp các hộ gia đình tiết kiệm chi phí và trang trải được nhiều nhu cầu thiết yếu", bà Ngọc nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận