Tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn (Bình Dương) vừa được đầu tư sẵn sàng kết nối với đường vành đai 3 từ Đồng Nai và TP.HCM giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa do kẹt xe ở khu vực ba tỉnh, thành phố - Ảnh: TỰ TRUNG
Trong khi dự án đang được trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư, phóng viên Tuổi Trẻ có hành trình khám phá cung đường này khi đường vành đai chưa được khép kín. Có đi mới thấy rằng không có đường vành đai 3 TP.HCM, kinh tế trong vùng khó bật lên được.
Tài xế mệt mỏi vì kẹt xe
Từ cảng Cát Lái, chúng tôi theo xe container của tài xế Lâm Phương Châu Toàn (29 tuổi, quê Tây Ninh) lên Bình Dương chở hàng. Mờ sáng, xe chạy ra một đoạn đã thấy cả ngàn xe container nối đuôi nhau trên đường Võ Chí Công tới vòng xoay Mỹ Thủy (TP Thủ Đức, TP.HCM).
Đây là tuyến đường luôn căng thẳng bởi có khoảng 20.000 xe ra vào khu cảng Cát Lái mỗi ngày. Thêm vào đó là dòng xe từ các tỉnh miền Tây, Tây Ninh dồn vào từ Nguyễn Văn Linh quá cảnh lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi Đồng Nai.
Vượt qua cửa ải đầu tiên, Toàn nói cánh tài xế phải dậy từ 3h sáng để đi lấy hàng sớm, bởi nhiều tuyến đường huyết mạch qua Bình Dương đang cấm xe tải nặng giờ cao điểm.
Đúng 8h hết giờ cấm, hàng loạt chiếc xe container chạy vào đường ĐT743 hướng về vòng xoay ngã tư 550, vòng xoay An Phú. Xe container nhích từng chút... Phải tới gần 11h mới đến bãi để chất container hàng lên xe.
Một giờ sau, tài xế Toàn không kịp ăn trưa, phải đánh xe nhanh về cảng Cát Lái. Khi xe đi qua quốc lộ 1 đoạn cầu vượt Sóng Thần, từ trên cao một hàng dài xe tải, xe container nối đuôi dài hàng trăm mét.
Theo tài xế Toàn, mỗi ngày anh chỉ chạy một chuyến vì đường ùn tắc, lại cấm giờ. Nếu có con đường bao quanh TP liền mạch với các tỉnh lân cận, ngày có thể chạy 2, 3 chuyến, thu nhập cũng đỡ hơn.
Dữ liệu: Đức Phú - Đồ họa: N.KH.
Có đường, thêm nhiều cơ hội
17 năm cầm vôlăng, anh Tô Công Hà (39 tuổi, ngụ Bình Dương) khi nhìn bản đồ tuyến đường vành đai 3 đã tấm tắc khen: nếu có con đường như thế hành trình chở hàng sẽ rút ngắn rất nhiều.
Chẳng hạn như từ Bình Dương, Đồng Nai có thể từ nút giao Tân Vạn đi đường vành đai 3 lên cao tốc Bến Lức - Long Thành rồi qua TP.HCM - Trung Lương để về các tỉnh miền Tây. Từ miền Tây luồng xe chở lúa gạo, hoa củ quả... có thể rẽ vào đường vành đai 3 tại huyện Bến Lức để "bon bon" đến các khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ như Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu công nghiệp Nhơn Trạch, sân bay Long Thành...
Hoặc xa hơn là xe về các tỉnh miền Trung và phía Bắc mà không cần phụ thuộc quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...
Còn ông Nguyễn Hiền Vũ, giám đốc Công ty Đại Dương Xanh (TP Thủ Đức), cho biết doanh nghiệp đã đầu tư gần 10 xe container, mỗi xe hơn 1,6 tỉ đồng. Nhưng các tuyến đường đi từ TP.HCM đến các tỉnh lân cận quá tải nghiêm trọng, kèm theo đó là một số địa phương cấm giờ xe tải nặng. Vì thế, dù đã được đầu tư xe bài bản để tận dụng tối đa chuyến đi nhưng mỗi ngày rất khó xoay vòng hai chuyến.
"Hiện các tuyến đường xe container di chuyển đều là đường đô thị đi chung với xe máy, nguy cơ tai nạn rất cao", ông Vũ nói và cho hay rất cần một tuyến đường cho xe chạy thông suốt để tiết kiệm chi phí, thời gian. Khi doanh nghiệp vận tải giảm chi phí, các doanh nghiệp sản xuất cũng giảm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Dữ liệu: Đức Phú - Đồ họa: N.KH.
Cần một tuyến đường cho xe chạy thông suốt để tiết kiệm chi phí, thời gian. Khi doanh nghiệp vận tải giảm chi phí, các doanh nghiệp sản xuất cũng giảm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ông Nguyễn Hiền Vũ (giám đốc Công ty Đại Dương Xanh)
Đường vành đai 3, giờ ra sao?
Đường vành đai 3 TP.HCM dài tới 92km, trong đó đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn qua tỉnh Bình Dương dài 15,3km đi trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã đưa vào khai thác. Dự án đường vành đai 3 giai đoạn 1 sẽ đầu tư hơn 76km còn lại và cùng với đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành (đang xây dựng đạt 80%) tạo nên một vòng tròn khép kín, bao quanh ngoại thành.
Từ cửa ngõ phía Tây, chúng tôi xuôi về kilômet đầu tiên của đường vành đai 3 ở xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Nơi này sẽ là nút giao của đường vành đai 3 và hai tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Trung Lương.
Đứng bên đường, ông Nguyễn Văn Liêm - ngụ ấp 6b, xã Mỹ Yên - nhớ lại nhà ông từng hai lần giải tỏa để làm đường. Lúc ấy, gia đình có gần 2.000m2, lần đầu giải tỏa một phần làm cao tốc TP.HCM - Trung Lương, lần hai làm cao tốc Bến Lức - Long Thành. Hiện nhà ông còn 115m2.
Chỉ tay về nhánh rẽ xuống của cao tốc Bến Lức - Long Thành đang còn dang dở, ông Liêm nói hai năm trở lại không thấy họ làm tiếp dù cao tốc đã lộ rõ hình hài. Người dân hằng ngày vẫn chạy xe máy lên đó để băng từ Bến Lức qua huyện Bình Chánh.
Băng qua cánh đồng lúa, chúng tôi tìm vị trí mà đường vành đai đi qua. Nhìn vào bản đồ hướng tuyến đường vành đai 3, ông Phạm Văn Bạc - ngụ ở ấp 6, xã Mỹ Yên - tấm tắc nói đây là một con đường "hoành tráng" nối nhiều tỉnh thành và người dân rất ủng hộ. Đoạn qua Long An cũng ngắn, chủ yếu qua xã Mỹ Yên và Tân Bửu. Riêng gia đình ông vướng giải tỏa một phần đất.
Đi dọc cao tốc Bến Lức - Long Thành xuôi theo về hướng TP.HCM, cung đường cao tốc gần như đã hình thành, chỉ có một số đoạn chưa liền mạch.
Tại khu vực đường cao tốc Bến Lức - Long Thành ở xã Vĩnh Thanh, địa bàn huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) một con đường thẳng tắp được san lấp cát vàng. Một vài công nhân đang đo đạc cắm mốc hành lang an toàn kết nối tuyến đường 25B.
Tại điểm kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành ở huyện Nhơn Trạch, đường vành đai 3 vươn về nút giao Tân Vạn. Đường vành đai 3 hầu hết đi dưới thấp, riêng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao Tân Vạn thuộc TP Thủ Đức đi trên cao với chiều dài gần 13km.
Tân Vạn là nút giao ba tầng, khá phức tạp vì giao thoa nhiều dòng xe và cũng là trung tâm trung chuyển cảng Long Bình. Tương lai, cảng Trường Thọ (TP Thủ Đức) cũng được dời về đây.
Đường vành đai 3 tiếp tục đi trên nền cũ đường Mỹ Phước - Tân Vạn 15,3km tới nút giao Bình Chuẩn. Ông Nguyễn Minh Tân (64 tuổi, TP Dĩ An, Bình Dương) nói trước khi có Mỹ Phước - Tân Vạn, đường ĐT743A kẹt triền miên, ngồi trong nhà vẫn hít bụi "nóng cả ruột". Khi có Mỹ Phước - Tân Vạn, hàng hóa thông thương, nhà ông cũng vì thế tăng giá lên nhiều.
Tới nút giao Bình Chuẩn là nơi đường vành đai 3 rẽ về hướng quốc lộ 13 rồi vượt sông Sài Gòn tại đoạn cầu Bình Gửi để vươn về huyện Củ Chi. Từ trên cao, con đường băng nhiều qua đồng ruộng, đầm lầy, sông rạch tránh khu dân cư. Đó cũng là phương án tối ưu để giảm đáng kể kinh phí đền bù giải tỏa, quỹ đất tái định cư.
Qua phía Củ Chi, con đường đi qua tỉnh lộ 15, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (chuẩn bị xây dựng)... rồi hướng về Long An nối vào nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Trung Lương.
Bớt đi đường vòng
Ở Mỹ Tho, Tiền Giang, chị Nguyễn Thị Thanh Hương cho hay đường vành đai 3 cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại rất nhiều khi không còn phải đi đường vòng.
"Ngày nghỉ cuối tuần, từ cao tốc TP.HCM - Trung Lương tôi lên Bến Lức rồi qua cao tốc Bến Lức - Long Thành để đi Dầu Giây ra Vũng Tàu, Phan Thiết tắm biển. Sau này, tôi có thể chọn đi sân bay Long Thành thay vì phải lên sân bay Tân Sơn Nhất", chị Hương nói.
Phương pháp làm mới để thúc tiến độ
Ông Trần Quang Lâm, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết TP và các tỉnh đã chuẩn bị nhân lực để ngay sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư sẽ bắt tay làm ngay.
Ông Trần Quang Lâm
Hiện các địa phương đang quyết tâm cao và đã cam kết với Chính phủ, Quốc hội về tiến độ dự án, trong đó có các mốc chính là khởi công dự án đường vành đai 3 trong năm 2023 và hoàn thành trong năm 2026. Đây là một dự án có quy mô lớn, vì thế phương cách, cơ chế tổ chức triển khai điều hành dự án phải có sự đổi mới, khác biệt.
* Thưa ông, đường vành đai 3 TP.HCM là dự án lớn nhất ở các tỉnh phía Nam từ trước đến nay so về cả quy mô và tổng mức đầu tư. Vậy cách làm có gì mới để tạo sự đột phá?
- TP.HCM được giao là cơ quan đầu mối, điều hành tổng thể trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Trước tiên, TP cùng các địa phương sẽ xây dựng một quy chế phối hợp rõ ràng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Trong đó, xây dựng các vấn đề về cơ chế chính sách (vật tư, vật liệu, cơ chế lựa chọn nhà thầu, áp dụng công nghệ vào thi công...) và các tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo toàn tuyến đường khi xây dựng đúng theo thiết kế, chất lượng tốt nhất.
Trước đó Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác dự án đường vành đai 3 gồm: chủ tịch UBND TP, các tỉnh và lãnh đạo bộ ngành, trung ương... để kịp thời hỗ trợ các địa phương về kỹ thuật, cơ chế chính sách về giải phóng mặt bằng, vật liệu...
Bên cạnh đó, cũng sẽ có ban chỉ đạo chung do lãnh đạo TP làm trưởng ban.
Về cơ chế chỉ đạo điều hành, dự kiến tại Văn phòng UBND TP sẽ có ban chỉ huy dự án có các thành viên đều là người có đủ thẩm quyền, năng lực để giải quyết ngay các khó khăn vướng mắc kịp thời.
Cùng với đó, sẽ lập hội đồng cố vấn gồm các chuyên gia giàu kinh nghiệm tham gia hỗ trợ trong suốt quá trình thực hiện dự án, bắt đầu từ khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, đến các bước công việc thiết kế, kiểm soát chất lượng vật liệu, lựa chọn công nghệ thi công (xử lý nền đất yếu, công trình cầu lớn, hệ thống giao thông thông minh...).
Ngã tư đường 743 - Mỹ Phước Tân Vạn (Bình Dương) vừa được đầu tư sẵn sàng kết nối với tuyến đường vành đai 3 TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
* Làm sao để xử lý trách nhiệm những cá nhân, đơn vị làm ì ạch, ảnh hưởng đến tiến độ chung?
- Như đã nói, dự án đường vành đai 3 phải có cách làm mới và việc tuyển chọn, lựa chọn nhà thầu tham gia vào dự án cũng phải đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn; không có chỗ cho nhà thầu yếu năng lực.
Hiện TP đang xây dựng các tiêu chí đánh giá năng lực kinh nghiệm của nhà thầu và áp dụng chung cho toàn dự án. Trong đó, sẽ áp dụng cơ chế thưởng phạt đối với các nhà thầu.
Trong quá trình xây dựng tiêu chí và đánh giá lựa chọn nhà thầu, yêu cầu các nhà thầu phải có nhân lực, thiết bị khi tham gia phải cam kết chỉ huy động cho dự án. Việc này để tránh tình trạng nhà thầu vừa làm đường vành đai 3 vừa thực hiện dự án khác làm ảnh hưởng đến tiến độ.
Bên cạnh đó, sẽ áp dụng tài khoản riêng cho dự án. Kinh phí tạm ứng, thanh toán cho công trình đường vành đai 3, nhà thầu chỉ được sử dụng nguồn vốn này để làm đường vành đai 3, không được chi cho dự án khác.
* Cơ chế thưởng phạt có nên áp dụng cho cả sở ngành, quận huyện liên quan?
- Trên cơ sở tiến độ đề ra, các sở ngành, quận huyện phải góp ý tiến độ, các mốc và đề xuất nhân sự trực tiếp tham gia. TP đã yêu cầu các đơn vị phải rà soát lại nhân sự tham gia dự án. Đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng là vấn đề khó. Thời gian qua, các ban bồi thường giải phóng mặt bằng đã triển khai rà soát để kiện toàn nâng cao năng lực đội ngũ.
Không như các dự án khác đã triển khai, với đường vành đai 3, các sở ngành, đơn vị liên quan phải cử cán bộ chuyên trách để sau này không ai có thể nói đang bận giải quyết hồ sơ dự án này hay bận việc khác.
* Các chuyên gia nói rằng hoàn thành dự án đường vành đai 3 sẽ tạo cảm hứng cho TP và các địa phương trong vùng thực hiện các dự án tầm cỡ trong giai đoạn tới?
- Qua đường vành đai 3 có thể thấy rằng khi đã quyết tâm, khi muốn thì ắt sẽ có cách. Cơ chế kết hợp nguồn vốn ngân sách địa phương và trung ương được các tỉnh thành và bộ ngành thống nhất báo cáo Chính phủ xem xét, chấp thuận.
Phương án này được Hội đồng thẩm định dự án trọng điểm quốc gia thông qua. Luận cứ là nguồn lực ở các địa phương vẫn còn, nguồn thu sẽ tăng lên sau giai đoạn phục hồi kinh tế, sẽ khai thác quỹ đất tiềm năng dọc tuyến...
Dự kiến trong phòng làm việc của ban chỉ huy dự án sẽ bố trí hai đồng hồ đếm ngược thời gian. Một đồng hồ có mốc thời gian hoàn thành dự án, một đồng hồ về mốc tiến độ công việc từng chặng để thôi thúc và nỗ lực thực hiện.
ĐỨC PHÚ
Ước mơ 3 đường vành đai hoàn chỉnh không còn quá xa
Ông Trần Quang Lâm: Đến thời điểm này, các địa phương đã sẵn sàng, tập trung toàn bộ tâm huyết để thực hiện nhằm hoàn thành ước mơ có đường vành đai 3 trong năm 2026.
Từ kinh nghiệm khi thực hiện dự án đường vành đai 3, hiện các địa phương cũng đang gấp rút lên kế hoạch chi tiết để đầu tư khép kín đường vành đai 4 dài hơn 200km. Riêng ở thành phố cũng đang tập trung các nguồn lực để khép kín đường vành đai 2. Việc hiện thực hóa ước mơ về 3 đường vành đai 2, 3, 4 hoàn chỉnh của TP.HCM sẽ không còn xa.
Dự án đột phá về hạ tầng giao thông
Khu vực ngã ba Tân Vạn giáp ranh Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM có nhiều bến bãi, cảng, là điểm nóng kẹt xe sẽ được giải tỏa nếu có đường vành đai 3 TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Hà Ngọc Trường, phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, cho rằng việc xây dựng quy chế thưởng phạt nhà thầu, các sở ngành, đơn vị liên quan khi thực hiện dự án đường vành đai 3 là rất hay và cần thiết.
Nếu cứ làm theo nếp cũ, làm không tốt cũng không bị gì và điều này dễ làm chậm tiến độ dự án. Việc xây dựng quy chế cũng sẽ gắn trách nhiệm và đốc thúc từng nhà thầu, đơn vị, cán bộ liên quan phải hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Việc hoàn thành đường vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo đột phá về hạ tầng giao thông vừa mở đường cho cách triển khai các dự án liên vùng như đường vành đai 4, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ hoặc đường trên cao trong thời gian tới đây.
Hiện các nhà khoa học, chuyên gia đang xây dựng đề án hệ thống giao thông tích hợp của 7 tỉnh lân cận TP.HCM. Quá trình đô thị hóa cùng với tốc độ gia tăng dân số của TP ngày càng cao. Việc nghiên cứu các đoàn tàu chở hàng, tàu liên vùng cho mạng lưới giao thông của TP trong tương lai là rất cần thiết.
Đ.PHÚ
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM): Kéo giảm chi phí xã hội
Nếu như được thông qua đầu tư, đường vành đai 3 TP.HCM sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đường vành đai 3 TP.HCM càng có ý nghĩa quan trọng hơn vì đặt trong khu vực Đông Nam Bộ với dân số khoảng 18 triệu dân nhưng đóng góp tới 40% GDP cả nước và trên 40% tổng thu ngân sách.
Cụ thể năm 2022, vùng Đông Nam Bộ có 6 tỉnh nhưng được giao thu ngân sách lên tới 600.000 tỉ đồng trong tổng thu ngân sách cả nước khoảng 1.400.000 tỉ đồng.
Như vậy, khi đầu tư cho đường vành đai 3 thúc đẩy kết nối vùng sẽ thúc đẩy vùng này đóng góp nhiều hơn cho cả nước cả về GDP và thu ngân sách, đồng thời phát huy lợi thế tiềm năng trong vùng.
Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt với tình hình giá cả, xăng dầu tăng cao, việc kết nối hạ tầng sẽ giúp chi phí lưu thông hàng hóa, chi phí vận chuyển sẽ giảm và góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, góp phần kiểm soát giá. Do đó, việc đầu tư đường vành đai 3 trong giai đoạn hiện nay không phải là cấp thiết mà là cấp bách và rất quan trọng.
TIẾN LONG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận