Từng gian hàng bé xíu chất đầy giày dép, quần áo, ví bóp, thắt lưng... mời chào khách. Đây là lần đầu tiên những phiên chợ như thế này được tổ chức phục vụ nhu cầu tết và giải quyết khối lượng hàng tồn quá lớn của tiểu thương.
Phóng to |
Các bạn trẻ lựa mua quần áo ở chợ Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TP.HCM vào ban đêm - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Chị Thạch Thị Đông, quê Long An, vừa biết chợ đêm ghé qua đã kịp sắm được hai bộ quần áo tết cho con chỉ đúng 100.000 đồng. “Công nhân chúng tôi tối mắt tối mũi cả ngày, tranh thủ buổi tối đi ngang qua mới biết nên ghé vào mua dành làm quà cho con vui ba ngày tết” - chị Đông nói.
Theo chị Trần Thị Thanh Tâm - tiểu thương ngành hàng quần áo tại chợ này, tình hình buôn bán năm nay không cần nói ra ai cũng biết là rất chậm. Nếu như cách đây một năm, mỗi ngày chị có thể thu được 3-4 triệu đồng cả vốn lẫn lời tiền bán hàng, thậm chí những tháng cao điểm tết thu được 5 triệu đồng/ngày cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, năm nay con số ấy đã teo tóp xuống dưới mức 2 triệu đồng/ngày. Không riêng gì chị Tâm, chị Mai - tiểu thương ngành hàng giày dép - nhận xét: “Thời điểm này bán được cả triệu đồng tiền lời là quá hên”.
Trước tình hình hàng tồn còn quá nhiều trong sạp, chị Trần Thị Thanh Tâm nảy sinh ý tưởng đề xuất với ban quản lý chợ bán thêm buổi tối ở sảnh trước để phục vụ công nhân, người dân. Ngay sau khi nhận được đề xuất của chị Tâm, ban quản lý chợ đã họp và thảo luận rất kỹ vì tình hình an ninh buổi tối rất phức tạp, tuy nhiên nhu cầu bán hàng của tiểu thương lại rất lớn.
“Với ngành hàng thời trang, chưa năm nào chúng tôi có chủ trương bán buổi tối phục vụ tết, nhưng năm nay phải thực hiện vì chưa bao giờ tiểu thương kêu ế dữ như bây giờ” - bà Trần Thị Thái Thanh, phó ban quản lý chợ Phạm Văn Hai, kể lại. Theo bà Thanh, nếu như mọi năm phải đến đầu tháng 12 âm lịch các tiểu thương ngành hàng bánh mứt, đồ khô mới đề xuất bán hàng phục vụ tết, thì năm nay nhiều tiểu thương ngành hàng thời trang đã sốt sắng muốn bán từ cuối tháng 10 để có đủ thời gian phục vụ công nhân, sinh viên trước khi về quê ăn tết.
“Mới chỉ làm đơn xin phép thôi nhưng chị em nào cũng phấn khởi về làm sạp, làm kệ chuẩn bị đem ra bán liền” - chị Thanh Tâm kể.
Sau khi được UBND Q.Tân Bình chấp thuận cho bán hàng đêm phục vụ tết, ban quản lý chợ nhanh chóng lên kế hoạch, xây dựng phương án đảm bảo an ninh một cách nhanh chóng. Chỉ một tuần sau khi có ý tưởng của tiểu thương, chợ phiên buổi tối bắt đầu được mở cửa. Cứ 7g30 tối, tiểu thương đã có mặt tại sảnh bắt đầu đua nhau dựng sạp, dựng kệ ngay ngắn, đèn điện, âm thanh khuấy động cũng được chuẩn bị kỹ càng để thu hút khách.
Mặc dù mới chỉ bán hàng được ít ngày, nhưng nhiều tiểu thương cho biết rất phấn khởi. Phấn khởi vì buổi tối người dân có thời gian đi mua sắm nhiều nên bán được nhiều hàng hơn. Sạp của chị Thanh Tâm sau hai ngày bán hàng tổng kết đã thu được gần 6 triệu đồng cả vốn lẫn lời, trong khi sạp của chị Thùy bán mặt hàng giày dép qua hai ngày số tiền lời thu về cũng từ 500.000-700.000 đồng/tối.
Theo bà Trần Thị Thái Thanh, đến nay đã có 56 gian hàng bán hàng buổi tối, mỗi gian chỉ được cấp vỏn vẹn 4m2 nhưng tất cả đều phải sắp xếp chỉn chu, ngăn nắp.
Rõ ràng tất cả mới chỉ là bắt đầu, nhưng lạc quan là điều ai cũng thấy được khi tiểu thương tích cực “tăng gia” bán hàng buổi tối. “Bán được hàng mới hay giải phóng hàng tồn không phải là chuyện của ngày một ngày hai, nhưng xoay xở, tìm được cách phù hợp để tiếp tục bám chợ là điều ai cũng thấy hết sức phấn khởi” - chị Tâm tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận