05/03/2024 10:38 GMT+7

Cho đại dương 'ăn'

Chiến dịch mang tên Feed the ocean - làm giàu cho đại dương được một nhóm những người yêu biển, yêu Phú Quốc gầy dựng với khao khát giữ gìn cho thế hệ mai sau. Họ thả các loài sinh vật về lại biển để tiếp tục sinh sôi.

Các em nhỏ tham gia một buổi thả tôm mũ ni của Feed the ocean - Ảnh: Sasa Team

Các em nhỏ tham gia một buổi thả tôm mũ ni của Feed the ocean - Ảnh: Sasa Team

Dự án do nhà đại dương học Lê Chiến - người sáng lập Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển Sasa (Sasa Team) tại Đà Nẵng - khởi xướng và chọn Phú Quốc (Kiên Giang) làm nơi khởi điểm dự án với sự giúp sức đắc lực từ nhiều thành viên đang sinh sống tại đây.

Điều dự án hướng đến là thay đổi ý thức của ngư dân trẻ, các bạn nhỏ không chỉ ở Phú Quốc mà trong các trường học để những thế hệ sau sẽ biết bảo vệ sự sống đại dương, khai thác một cách có ý thức.

Anh MINH VÕ

Thay đổi suy nghĩ về đại dương

Chuyến đi thả 200 con ghẹ ôm trứng xuống biển Phú Quốc, các thợ lặn nhẹ nhàng đặt chiếc rổ bên trong có các con ghẹ xuống. Ghẹ mẹ nhanh chóng chui ra, vùi mình dưới cát để ẩn nấp, lũ cá liền bu đến sơ múi những quả trứng ghẹ bị rơi ra. Những thành viên của Feed the ocean cho đại dương "ăn" như thế.

Anh Minh Võ - thành viên dự án hiện đang sống tại Phú Quốc - nói nhiều báo cáo khoa học cũng như khảo sát thực tế cho thấy Phú Quốc đã sụt giảm nghiêm trọng nguồn thủy sản ven bờ. Feed the ocean sẽ thả con giống các loài bản địa đang ôm trứng hoặc cá thể cái trong mùa sinh sản xuống biển để góp phần phục hồi số lượng các loài bị khai thác cạn kiệt tại địa phương.

Các loài được dự án tái thả có bạch tuộc, tôm mũ ni, cá mập, cá đuối, cá ngựa, cá chình, cá mú, hải long, trai tượng... Họ tìm mua lại con giống tại các vựa hải sản ở Phú Quốc hoặc vận chuyển con giống được ươm tạo từ vườn ươm tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) của Sasa Team rồi đem thả xuống biển. "Chiến dịch sẽ được thực hiện trong năm năm. Sau chừng hai tháng, Feed the ocean đã thả gần 200.000 con giống về biển Phú Quốc" - anh Minh Võ cho hay.

Với nhiều người, việc làm ấy có vẻ như muối bỏ bể, thậm chí có gì đó hơi điên khùng. Tuy vậy, các thành viên nói với nhau ít nhất họ đang cố gắng hành động để không chỉ cho con cháu mà ngay chính thế hệ hiện tại có cơ hội gần gũi, hiểu biết hơn về tự nhiên, nhất là đại dương.

Tình yêu với "đảo ngọc"

Đa phần thành viên dự án Feed the ocean đến từ Sasa Team, trong đó thành viên nòng cốt hiện đang sinh sống tại đảo ngọc Phú Quốc. Anh Minh Võ vốn xuất thân là trai thành thị chính hiệu song "vì yêu Phú Quốc mà đến" nên đã chọn an cư lạc nghiệp với biển.

Từng du học Pháp, trở về và đã mất nhiều năm gầy dựng công việc kinh doanh tại TP.HCM cho đến khi mọi thứ ổn định hơn, có con đầu lòng, cả nhà anh Minh Võ lại quyết định chuyển đến Phú Quốc từ ba năm trước. Thích biển, là dân lặn biển, anh Minh Võ nói mình yêu quý Phú Quốc vô cùng khi ở đây có núi, có rừng, có biển rất đẹp.

Hai vợ chồng hiện có một em bé 6 tuổi, em bé thứ hai sắp chào đời. Anh chị mong các con được gần gũi với biển, với thiên nhiên tươi đẹp ở Phú Quốc vì điều này rất tốt cho con trẻ. Cũng như các thành viên khác tham gia dự án, Minh Võ muốn cùng góp sức mình dù hạn hẹp thôi cố gìn giữ những gì Phú Quốc đang có cho mai sau.

Mê lặn biển từ lúc còn du học Pháp, hiện anh vẫn duy trì thói quen ấy đều đặn khi chuyển đến Phú Quốc sinh sống. Mỗi lần thả sinh vật về với biển, Minh Võ trực tiếp tham gia cùng đội lặn đưa chúng đến những khu vực cư trú phù hợp dưới đại dương.

"Do nhà khoa học về đại dương Lê Chiến dẫn dắt nên chúng tôi thực hiện dự án một cách khoa học để phát huy hiệu quả nhất có thể. Chúng tôi cũng có những đợt gây quỹ, kêu gọi cộng đồng đóng góp mua con giống như cách lan tỏa để mọi người biết đến, chung tay với dự án nhiều hơn" - anh Minh Võ chia sẻ.

Để hiểu và yêu biển hơn

Thói quen đánh bắt phần lớn vẫn là dùng ghe cào, chích điện. Ngư dân càn quét từ con lớn tới con bé khiến số lượng các loài không kịp phục hồi. Dự án đánh giá nếu cứ mãi đánh bắt tràn lan như vậy có thả bao nhiêu cũng là không đủ.

Mỗi chuyến đi, họ đều ghi hình rồi chia sẻ lại trên fanpage Sasa Team Marine Animals Rescue (Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển). Một vài chuyến đi còn có thêm tình nguyện viên là các bạn trẻ, học sinh. Trước khi thả ghẹ, cá xuống biển, các bạn được nghe về đời sống của các loài sinh vật biển như cách để hiểu và yêu biển hơn.

Thả sinh vật biển tái tạo nguồn lợi thủy sảnThả sinh vật biển tái tạo nguồn lợi thủy sản

TT - Sáng 12-6, UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã tổ chức thả 40 vạn con tôm sú và 7.500 con cá chẽm giống tại khu vực Hòn Tằm và Đầm Bấy, thuộc vịnh Nha Trang. Số tôm và cá giống này được các doanh nghiệp và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đóng góp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp