Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chị Dương Thị Kim Cảnh (39 tuổi, sinh sống tại Thái Nguyên) xác nhận chị chính là bà mẹ trong bộ ảnh. Bộ ảnh này được chị chụp từ lúc cậu con trai tên Giàng (4 tuổi) bắt đầu đi phượt cùng mẹ vào lúc bé 18 tháng tuổi.
Chị Cảnh cho biết mỗi năm chị thường cho con đi trải nghiệm 3-4 chuyến từ Đông - Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… Những năm gần đây, chị cho con đến những nơi có đồng bào người Dao khắp nơi sinh sống và các điểm di tích nổi tiếng.
Khi đến nhà lưu niệm Anh hùng Núp (Gia Lai), di tích khởi nghĩa du kích Ba Tơ (Quảng Ngãi), khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi)…, bé Giàng thích mê. Bé được mẹ cho mặc đồ dân tộc người Dao, đội nón dân tộc, hoặc diện áo cờ đỏ sao vàng để chụp ảnh lưu niệm.
Chị Cảnh cho biết bản thân chị vô cùng yêu lịch sử Việt Nam nên chị hy vọng qua những chuyến đi này sẽ truyền cho con tấm lòng yêu nước nồng nàn như mẹ.
Từ Tết đến giờ, chị đã cho con trai đi phượt ba chuyến. Sắp tới, chị dự định sẽ cho con qua Lào, Campuchia chơi qua đường Lao Bảo.
Có nhiều chuyến bà mẹ cho con đi phượt hoàn toàn. Còn có chuyến, do thời gian hạn hẹp, chị bèn cho con đi phượt "một nửa". Chị bắt xe ô tô, sau đó gửi xe máy lên xe rồi tới nơi đem xe máy xuống chở con đi chơi. Còn có chuyến, chị chở con đi phượt lúc đi và bắt xe khách, máy bay lượt về. Mỗi chuyến hai mẹ con thường dành từ 5-15 ngày để vui chơi.
Trước mỗi chuyến đi, bà mẹ người Dao sẽ liên hệ cô giáo rằng bé Giàng sẽ nghỉ từ ngày này đến ngày này. Trong chuyến, cứ 2-3 ngày, chị lại nhắn tin cho cô giáo qua Zalo để hỏi xem các bạn trong lớp đang học gì và nhờ cô chuyển lại nội dung học tập ấy cho chị. Sau đó, chị lại rèn cho con, kể cả môn tiếng Anh.
Chị cho biết mình có thể tự dạy con từ mẫu giáo đến lớp 1, 2. Tuy nhiên, sau đó chị không thể nào cho con mình đi phượt dài ngày như thế vì ảnh hưởng rất nhiều đến bài vở. Vì thế, chị cố gắng dành nhiều thời gian cho bé trước khi con trai bước chân vào lớp 1.
"Mục tiêu của tôi là muốn cho con biết thêm về địa danh, về di tích lịch sử của đất nước Việt Nam. Trước khi cháu vào lớp 1, tôi sẽ có nhiều chuyến đi để con trải nghiệm để vừa khám phá, vừa học tập", chị nói.
Vừa đi, chị Cảnh vừa chia sẻ với con bằng tiếng Dao về dãy Trường Sơn, thành cổ Quảng Trị, biển Cửa Tùng… Đây là những địa điểm du lịch được nhắc tới trong sách giáo khoa để con thắp lên tình yêu nước, yêu lịch sử nước nhà.
"Tôi dạy con mình những điều cơ bản của Việt Nam như có bao nhiêu tỉnh thành, sinh nhật Bác Hồ ngày mấy, tháng mấy… để cháu đi đâu cũng có niềm tự hào dân tộc. Mai mốt đi đến đâu hay học tới bài nào, cháu cũng có thể ồ á lên rằng nơi này mẹ từng dẫn mình đi rồi", bà mẹ người Dao chia sẻ.
Chị cũng tiết lộ, chị mong muốn con mình giữ gìn bản sắc dân tộc nên nói chuyện 100% với con bằng tiếng Dao. Dù đi tới Đà Nẵng, Cà Mau hay tít tắp nơi đâu, bé Giàng cũng nói với mẹ bằng tiếng Dao, còn giao tiếp với người địa phương, thầy cô giáo, bạn bè bằng tiếng Việt.
Chị Cảnh từng là "phượt thủ" từ 10 năm về trước. Thế nhưng, khi ấy cơ sở vật chất thiếu thốn, chị bị mất rất nhiều tấm ảnh đẹp trong các chuyến đi xuyên Việt. Rút kinh nghiệm năm xưa, mỗi khi đi phượt cùng con trai, chị đều chụp ảnh lưu niệm, lưu giữ thành kho tư liệu khổng lồ. Sau đó, chị đem ra hiệu ảnh để in lại, ép nhựa để làm kỷ niệm cho con.
Theo chị Cảnh, muốn đi du lịch cùng con, ba mẹ cần phải có kinh nghiệm và hiểu những nơi sắp tới mình sẽ đi. Ba mẹ nên là người có kiến thức dày dặn, sẵn sàng ứng phó với những rủi ro trên đường. Bên cạnh đó, phụ huynh cần đảm bảo con mình về mặt sức khỏe. Nếu thấy con mệt mỏi, ba mẹ đừng cố quá, phải dừng chuyến đi lại để kiểm tra sức khỏe của bé.
Khi được hỏi về sự khác biệt giữa đi du lịch một mình và đi du lịch cùng con trai, chị Cảnh cho biết đó là một sự khác biệt quá lớn. Có lần xuyên đêm qua đường Trường Sơn, đêm đó tối quá, chị sẽ xác định mắc võng ngủ lại. Tuy nhiên, khi đi cùng con trai, chị cần cân nhắc nhiều hơn trước khi dừng chân cắm lều ở đâu.
Nhờ đi chơi khắp nơi cùng mẹ, bé Giàng rất khỏe trước sự khắc nghiệt, thay đổi liên tục giữa thời tiết khắp nơi. Không bao giờ em quấy khóc, than vãn, lúc nào cũng cười toe toét trò chuyện cùng mẹ. Chị Cảnh cho rằng đó là một sự thành công để con trai trưởng thành qua từng ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận