19/01/2020 16:04 GMT+7

Cho con đi chơi tết bằng máy bay, lưu ý gì?

MINH HẢI (Tổng hợp)
MINH HẢI (Tổng hợp)

TTO - Tết đến, nhiều gia đình cho con đi chơi xa bằng máy bay. Nếu đi máy bay và có con nhỏ thì hãy lưu ý một số vấn đề về sức khỏe của bé để đảm bảo hành trình về nhà được thuận lợi nhé.

Cho con đi chơi tết bằng máy bay, lưu ý gì? - Ảnh 1.

Hầu hết các hãng bay hiện nay đều có quy định không cho phép trẻ sơ sinh dưới 7 ngày tuổi lên máy bay thương mại - Ảnh: AGATHA

Vì lý do sức khỏe nên trẻ em luôn là đối tượng được quan tâm hàng đầu trên mọi phương tiện giao thông. Di chuyển bằng đường hàng không, nơi có áp suất thay đổi trong thời gian ngắn, cũng không ngoại lệ.

Cha mẹ cần chú ý nhận biết được một số tính huống để xử lý kịp thời, đảm bảo chuyến đi được thuận lợi.

Nguy cơ nhiễm trùng cao

Giống như mọi phương tiện giao thông khác, máy bay không phải là môi trường vô trùng nên nguy cơ nhiễm trùng vẫn rất cao. Đặc biết đối với những trẻ em dưới 2 tuổi có hệ thống miễn dịch rất yếu vì đang ở giai đoạn phát triển. Những trẻ còn đang bú sữa mẹ dựa vào khả năng miễn dịch của mẹ để bảo vệ bản thân. Trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng bằng sữa công thức không có sự bảo vệ đó nên dễ bị tổn thương hơn.

Để bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm trùng khi đi máy bay, cha mẹ nên: Tránh các khu vực đông người, đặc biệt là trong mùa cúm; Rửa tay và sử dụng chất khử trùng tay thường xuyên; Vệ sinh tất cả các vật dụng tiếp xúc với trẻ; Đề nghị được đổi chỗ nếu ghế ngồi kế bên có dấu hiệu bị cúm.

Ù và đau tai

Do áp suất không khí thay đổi, mọi khách trên máy bay đều sẽ cảm thấy ù tai, một số trẻ sẽ thấy đau tai. Thông thường, người trưởng thành sẽ chữa ù tai theo cách đơn giản là dùng tay bóp hai lỗ mũi, mím môi rồi thở mạnh ra, cốt để luồng hơi làm thông ống Eustachian. Nhưng đối với một số trẻ em, cách này sẽ hơi khó thực hiện.

Vì vậy, trước chuyến đi cha mẹ có thể tìm cách chơi trò chơi "thở bằng tai" để trẻ tập làm quen trước, đến khi lên máy bay và ù tai sẽ tiếp tục chơi lại. Hoặc có thể cho trẻ mút ti giả, kẹo mút sẽ cải thiện được tình hình.

Và tốt nhất không nên cho trẻ lên máy bay khi đang hoặc vừa chữa khỏi nhiễm trùng tai, viêm tai giữa.

Trẻ sợ hãi và mất bình tĩnh

Trẻ em thường háo hức khi thấy máy bay trên trời nhưng khi bay có thể sẽ thấy sợ hãi, mất bình tĩnh. Thậm chí một số trẻ còn bị kích động, nghịch ngợm leo trèo gây ồn ào, không chỉ làm phiền hành khách khác mà có thể còn bị ngã gây thương tổn cho chính bé.

Đối với trường hợp này, cha mẹ có thể mang theo một cuốn truyện hoặc một trò chơi yêu thích của bé. Kể chuyện và cùng chơi sẽ giúp trẻ yên tĩnh hơn trong suốt chặng bay.

Tiêu chảy

Trẻ em rất dễ gặp vấn đề về đường tiêu hóa do không quen thức ăn trên máy bay. Tránh cho trẻ ăn thức ăn gây dị ứng, tránh uống nước ngọt có ga trước khi lên máy bay và đề nghị phi hành đoàn cung cấp thêm nước để bù nước nếu bé bị tiêu chảy.

Trước chuyến bay, nên tham khảo ý kiến bác sĩ và chuẩn bị sẵn thuốc trị tiêu chảy cho trẻ em.

Sốc nhiệt

Sốc nhiệt là một trong những trường hợp nghiêm trọng nhất của chứng tăng thân nhiệt. Nó xảy ra khi cơ thể quá nóng do nhiệt độ cao hoặc nhiệt độ tăng vượt mức nhiệt độ bình thường của cơ thể.

Sốc nhiệt dễ xảy ra ở trẻ em hơn người lớn vì trẻ có lượng nước dự trữ thấp hơn, nhiệt độ cơ thể của chúng tăng nhanh gấp 3 đến 5 lần so với người lớn.

Do nhiệt độ trong máy bay có thể rất khác nhau, đặc biệt là ở những chặng bay dài qua các vùng khí hậu khác nhau. Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) khuyên cha mẹ nên chuẩn bị vài bộ quần áo cho trẻ để thay và mặc thêm khi cảm thấy nhiệt độ thay đổi.

Khi bị sốc nhiệt, trẻ xuất hiện các triệu chứng thần kinh quan trọng như co giật, mê sảng, ảo giác, rối loạn nhịp tim hoặc hôn mê. Trong trường hợp này cần báo ngay cho phi hành đoàn để tìm giải pháp kịp thời.

Chấn thương do rung lắc

Khi máy bay gặp sự cố rung lắc thì bất cứ ai cũng có thể gặp chấn thương, nhưng trẻ em sẽ chịu tổn hại hơn cả. Vì lý do an toàn, Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) khuyến nghị phụ huynh có trẻ từ 2 tuổi trở lên nên mua vé và sử dụng ghế ngồi riêng trên máy bay. Nếu trẻ dưới 2 tuổi, nên ôm bé trong lòng.

Nhớ 5 điều này để phòng bệnh cúm, sởi, viêm phổi lạ... dịp tết Nhớ 5 điều này để phòng bệnh cúm, sởi, viêm phổi lạ... dịp tết

TTO - Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm dễ bùng phát các loại bệnh, như sởi, cúm gia cầm, bệnh lây qua đường hô hấp... Đặc biệt năm nay bệnh viêm phổi lạ xuất hiện ở Trung Quốc, có dấu hiệu lây lan và đã có người chết.

MINH HẢI (Tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp