Đang vui học, bé gái Đ.N.B.A. (6 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) lên cơn sốt cao và đau đầu 4 ngày liền. Gia đình đưa bé đến phòng khám địa phương, được kê thuốc về nhà uống. Tuy nhiên sốt thì không hạ, bé còn đi đứng loạng choạng, chân tay dần yếu liệt...
Đang vui học, bé gái Đ.N.B.A. (6 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) lên cơn sốt cao và đau đầu 4 ngày liền. Gia đình đưa bé đến phòng khám địa phương, được kê thuốc về nhà uống. Tuy nhiên sốt thì không hạ, bé còn đi đứng loạng choạng, chân tay dần yếu liệt...
Gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) ngay trong đêm. Qua xét nghiệm máu, chọc dịch tủy sống, bác sĩ kết luận bé bị viêm màng não nặng, tổn thương não bộ, tim mạch, bạch cầu tăng. Hiện bé phải thở máy, hôn mê sâu nhiều ngày, tiên lượng rất nặng.
Căn bệnh viêm màng não do não mô cầu và viêm não Nhật Bản mang đến gánh nặng chi phí và gây khủng hoảng tâm lý đối với gia đình có con mắc phải.
TS Đỗ Thiện Hải
Bất ngờ nhiễm bệnh
Anh Đ.V.D. (39 tuổi) - cha bé A. - nhớ lại vào các đợt tiêm vắc xin phòng bệnh viêm màng não, bé A. sốt nhẹ nên gia đình nán lại, dần dần đến giờ bé đã 6 tuổi nhưng vẫn chưa tiêm. "Đang tung tăng chơi bình thường bây giờ bé nằm bất động như thế này. Bác sĩ nói bé chuyển biến xấu. Quá sốc, quá đau lòng" - anh D. lo lắng.
Vừa chào đời được 3 tháng, bé trai D.V.M.D. ở Ninh Thuận đã mắc viêm màng não mủ, kèm nhiễm trùng máu đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Nước mắt lưng tròng, chị V.T.H. (39 tuổi) - mẹ bé D. - cho biết tiên lượng bé rất xấu, nếu qua nguy kịch thì có thể để lại nhiều di chứng.
Trước đó, bé D. từng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận 14 ngày nhưng sốt cao không hạ, nhiều đàm nhớt. "Ban đầu bác sĩ ở tỉnh chẩn đoán bé bị sốt do viêm màng não mủ, nhưng sau đó lại thông báo sốt thông thường. Thấy con yếu, mà còn sốt dài ngày không khỏi, gia đình tự chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1" - chị H. nói.
Chị H. cho biết thêm, hai vợ chồng chị có ba đứa con. Hai đứa đầu đều tuân thủ tiêm đầy đủ các loại vắc xin tại trung tâm y tế địa phương. Riêng bé H. sinh thiếu tháng, sức khỏe còn yếu, chưa đủ độ tuổi để tiêm vắc xin.
Không những trẻ nhỏ, nhiều người lớn cũng bị viêm màng não. Theo BS CKI Phạm Kiều Nguyệt Oanh - phó trưởng khoa nhiễm Việt - Anh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân mắc viêm màng não đang điều trị tại khoa có nhiều nguyên nhân khác nhau, như sốt xuất huyết Dengue, virus, siêu vi, viêm cầu lợn, phế cầu...
Bộ Y tế cho biết trong tháng 4, cả nước ghi nhận 64 trường hợp mắc viêm não virus và tám trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu, trong đó có hai trường hợp tại Bến Tre và TP.HCM tử vong vì hai bệnh này. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc viêm màng não do não mô cầu tăng bốn trường hợp, còn viêm não virus giữ nguyên.
Tỉ lệ tử vong cao
Bác sĩ Oanh cho biết viêm màng não là tình trạng hệ thống dịch não tủy bị viêm nhiễm gây nhiễm trùng màng não, màng bao bọc não và tủy sống. Còn viêm não là tình trạng nhiễm trùng não bộ. Bệnh thường do virus, vi trùng, liên cầu khuẩn, siêu vi, phế cầu, mô cầu, ký sinh, nấm... gây ra.
"Tùy theo nguyên nhân mà có hay không liên quan đến thời tiết, thời gian. Chẳng hạn như mùa mưa thường có nhiều muỗi nên tần suất người mắc viêm màng não, sốt xuất huyết Dengue và viêm não Nhật Bản tăng" - bác sĩ Oanh nói.
Bác sĩ Oanh cho hay bệnh gây ra ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già, người có sức đề kháng yếu dễ mắc hơn. Bệnh thường có triệu chứng đột ngột như sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn ói, co giật, rối loạn tri giác, hôn mê...
Theo TS Đỗ Thiện Hải - trưởng khoa nội (truyền nhiễm) Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh viêm màng não do não mô cầu và viêm não Nhật Bản là nỗi "ám ảnh" của nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà vì nguy cơ tử vong cao, di chứng để lại nặng nề.
Bệnh viêm não Nhật Bản lây qua đường trung gian muỗi đốt, tỉ lệ tử vong lên đến 30%. Nếu may mắn còn sống, bệnh có thể để lại di chứng vĩnh viễn với mức độ từ nhẹ đến nặng. Hiện tại, viêm não Nhật Bản không có thuốc điều trị đặc hiệu nên chỉ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng, hỗ trợ bệnh nhân vượt qua tình trạng nhiễm trùng và vật lý trị liệu.
Còn viêm màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tiến triển rất nhanh. Tại Việt Nam, khoảng 5-20% dân số là người lành mang trùng não mô cầu. Do đó, người lành có thể mắc bệnh nếu tiếp xúc dịch tiết của người bệnh. Đặc biệt tại những khu vực có dân cư đông đúc, nguy cơ tạo thành ổ dịch rất cao.
Người mắc bệnh này có thể tử vong trong vòng 24 giờ với tỉ lệ tử vong từ 8 -15%, thậm chí có thể lên đến 50% khi không điều trị kịp thời. Ngay cả khi điều trị thì có đến 20% bệnh nhân để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt...
"Có đêm tôi trực điều trị ba em bé mắc viêm não Nhật Bản rất nặng, chỉ cần rút ống thở, các bé sẽ tử vong. Cách đây vài ngày, một phụ nữ có ý định trèo lên hành lang bệnh viện để tự tử vì đứa con trai út duy nhất trong năm người con của vợ chồng bà bị viêm não Nhật Bản, nằm điều trị nhiều ngày nhưng không tỉnh" - TS Hải nói.
Tránh lây lan trong cộng đồng
Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng bệnh viêm não, màng não tránh lây lan trong cộng đồng, người dân cần:
- Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh tại các cơ sở y tế.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng.
- Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc.
l Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Viêm não, màng não là bệnh lý nguy cấp, nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh nhân dễ tử vong trong thời gian ngắn, thậm chí ngay cả khi được điều trị cũng để lại di chứng nặng nề về sau. Mới đây, có hai ca tử vong vì mắc viêm màng não do não mô cầu và viêm não virus. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc viêm màng não do não mô cầu đang tăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận