Nắng đã bắt đầu tắt trên những mỏm núi đá hình răng cưa, một người đàn ông dáng lam lũ ngồi lặng lẽ trên những bậc thang của đài tưởng niệm liệt sĩ Thanh Thủy. Dưới chân đài tưởng niệm, suối Thanh Thủy vẫn chảy mải miết. Ông bảo 29 năm về trước, con suối này vẫn chảy như vậy, dãy núi phía xa kia vẫn nổi rõ từng chóp sắc trên nền trời như vậy.
Chỉ có con người đã đổi thay, ông và những người còn sống trở về sau chiến tranh tóc đã bắt đầu bạc. Còn đồng đội phía dưới những rặng cây xanh ngắt kia mãi mãi vẫn 20 tuổi.
12-7 không phải ngày truyền thống sư đoàn 313 của ông, thế nhưng năm nào ông cũng đến. Buổi sáng, con trai chở ông đến nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên thắp hương, buổi chiều ngược trở lại Thanh Thủy. Ông tên Chiến (quê ở Thái Bình), nhập ngũ theo lệnh tổng động viên cho chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Đời lính của ông gắn bó bảy năm liền với những điểm cao trọng yếu của vùng biên giới Thanh Thủy này. Năm 1984, một số điểm cao bị quân Trung Quốc xâm lược đánh chiếm dữ dội, sư đoàn 356 được điều động về cùng đơn vị ông phòng ngự và chiến đấu giành lại các điểm cao. Máu, nước mắt, mồ hôi của họ cùng thấm vào đất vào đá Thanh Thủy này.
Duyên nợ đưa ông gặp lại những người lính sư đoàn 356 đúng vào buổi chiều 12-7 này. Rất nhanh, họ nhận ra nhau vì đều cùng chung một phần ký ức không thể nào quên. Câu chuyện của 29 năm về trước cứ tuôn trào không dứt. Một thời tuổi trẻ mình, bạn bè, anh em và đồng đội cứ trở lại. Như thể tất cả mới chỉ xảy ra hôm qua.
“Ngày đó chúng tôi chỉ nặng 40-50kg, trên người đeo thêm hơn 40kg đạn dược vũ khí cứ chạy lên chạy xuống dưới những điểm cao. Còn mấy cái ruộng bậc thang lúa xanh um kia ngày đó được gọi là thung lũng chết, pháo Trung Quốc từ phía bên kia giội xuống cả ngày không ngớt. Sau ngày 12-7-1984, suốt một tuần liền cứ đêm xuống là chúng tôi đi tìm thi thể đồng đội. Trời lúc mưa lúc nắng, thi thể trương lên không thể nhận dạng được nữa, chỉ có thể bọc lại mang về. Đêm đêm, thi thể đồng đội nằm ngoài, chúng tôi nằm trong cố ngủ” - một người lính sư đoàn 356 chia sẻ.
Trở lại chiến trường xưa sau 29 năm, ông Phạm Ngọc Quyền (Hà Nội) khóc như một đứa trẻ trước đài tưởng niệm đồng đội hi sinh. Nếu ông không chỉ, cũng khó nhận ra nổi ngọn núi từ suối Thanh Thủy đi vào lại là điểm Đ1, Đ2, Đ3 khốc liệt năm nào. Cây cỏ đã bao phủ lên tất cả một màu xanh. Nhưng không một ai trong những người lính trở về lãng quên mảnh đất này, tên từng đồng đội ngã xuống ở đây. “Dưới mỗi cái cây trên ngọn núi này là bạn bè, anh em tôi” - ông Quyền rưng rưng nói.
Họ đã từng ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, chia nhau từng nắm gạo sấy khô trên chiến hào ngày mưa rét, cùng chịu cảnh người phù lên vì thiếu dinh dưỡng. Ngày đó họ 20 tuổi, còn chưa biết đến yêu hay cầm tay một người bạn gái.
Mong ước của ông Quyền là được leo lên điểm cao, dẫu chỉ nhìn thấy nắm đất cũng coi như nhìn thấy đồng đội. Nghe thế, lính sư đoàn 356 đều cản: “Nếu đi được chúng tôi đã đi rồi, nhưng trên đó bom mìn nhiều vô kể”. Đó cũng là nỗi niềm của những người lính sư đoàn 356 suốt nhiều năm nay. Hàng trăm người vẫn nằm lại cùng với khối lượng lớn bom mìn chưa được rà phá. Riêng đêm 12-7-1984, 600 người ngã xuống nhưng chỉ có một số rất ít được đưa về nghĩa trang. Cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Hữu Thanh năm 2012 cũng là cuộc mạo hiểm của đồng đội còn sống. Ngoài phần thi hài còn sót lại, dưới hài cốt của liệt sĩ Thanh còn có tới bốn quả lựu đạn chạm nổ.
Như một phần lịch sử nín lặng, người nằm xuống ở biên giới Thanh Thủy ít được nhớ tới, ngoài những đồng đội cũ mỗi năm lên thăm một lần. Sư đoàn giải thể, người còn sống về quê tay cày tay cuốc, người không về dần bị che khuất giữa những cây, những cỏ. “Nhưng mặc thời gian, mặc quên lãng, vẫn có một khoảng ký ức được ấp ủ sâu kín trong tim những người lính. Họ đã trở về ngày 12-7 và nhất định sẽ về vào những ngày khác nữa. Và họ vẫn phải chờ, chờ một “cánh cửa mở” cho đồng đội ngã xuống, cho phần lịch sử bị quên lãng của sư đoàn. Một cánh cửa mở như rất nhiều cánh cửa mở mà những người lính đã phải trả bằng máu và tính mạng cho đồng đội có đường tiến công...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận