Con tôi chạy thục mạng vào nhà nhưng con chó vẫn đuổi theo cắn, chỉ khi tôi lao ra lượm vội chiếc dép vừa la vừa quơ lên thì con chó mới chịu bỏ chạy về nhà. Vừa lúc chủ nó cũng vừa chạy xe máy về, thấy hết sự việc nhưng tỉnh bơ như không có gì.
Khi tôi xem vết thương bị trầy xước trên đùi con rỉ máu, tôi quyết định qua nói chuyện với cô hàng xóm. Tôi chỉ mong cô hiểu là nên xích con chó lại hoặc nên dạy nó biết đâu là người lạ, đâu là hàng xóm như những con chó khác trong xóm.
Mới nói được một câu mở đầu thì cô hàng xóm to tiếng chối đây đẩy. Tôi phải cho cô ấy xem lại đoạn clip trích xuất từ camera nhà tôi, nhưng cô ấy vẫn không nhận sai, còn thách thức tôi báo công an.
Đến đây tôi buộc phải gọi điện cho công an phường. Khi hai anh công an đến xem vết thương và xem lại đoạn clip đó thì xác nhận tôi phản ảnh đúng, yêu cầu chủ nhà nuôi chó phải xích chó lại và bồi thường tiền thuốc men cho con tôi cũng như phải thực hiện chích ngừa chó dại, theo dõi con chó đó. Tôi có yêu cầu được xem sổ chích ngừa của con chó đó nhưng trong sổ không thể hiện là loại chó nào, vì nhà này có đến hai con chó.
Sự việc cũng không đến nỗi nào nếu cô hàng xóm biết lý lẽ chòm xóm với nhau, khi con chó này đã hai lần cắn người nhà tôi, trước đây là vợ tôi, và bây giờ là con gái tôi. Tôi cũng từng đề nghị cô quản lý chó cẩn thận hơn. Chưa kể những đứa trẻ trong xóm rất sợ con chó này so với những con chó khác trong xóm vì nó không phân biệt ai lạ ai quen.
Sáng hôm sau, tôi xin phép cô giáo con tôi cho bé được nghỉ buổi sáng để đi chích ngừa. Khi đến trạm y tế phường thấy cô nhân viên y tế đang tư vấn và chích thuốc cho rất nhiều cha mẹ ẵm con đến, nhưng có con chó nằm ngay chân cô y tá cũng không được xích lại hay rọ mõm ở nơi công cộng.
Không ai cấm việc nuôi chó. Nhưng trong khu dân cư đông người, đa số đều chung một nỗi lo lắng là chó cắn người, chó có được chích ngừa, xích lại hay rọ mõm, nuôi nhốt vệ sinh không.
Có lẽ người nuôi chó hiện nay, đặc biệt là vùng nông thôn, làng xã đều chưa được nhắc nhở, tập huấn hay tìm hiểu cách chăm sóc, phòng ngừa bệnh dại cũng như nhiều bệnh khác như sán lãi chó... lây sang người, không được giáo dục về trách nhiệm nếu để xảy ra cảnh chó cắn người một cách đến nơi đến chốn.
Tôi thiết nghĩ chính quyền sở tại nên quan tâm đến nỗi lo của dân. Nên có lực lượng trực tiếp đi tuyên truyền, phát tờ rơi về cách nuôi, chăm sóc và phòng bệnh cho chó.
Hoặc giữa các gia đình trong khu tổ tự quản nên có hoạt động dành cho cán bộ có chuyên môn, những người nuôi chó có kinh nghiệm chia sẻ nhiều hơn về những quy định và cách thức nuôi chó trong cộng đồng. Qua đó người nuôi học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như phòng tránh những rủi ro về chó tốt hơn.
Chính quyền có thể kết hợp với ban ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn, giới thiệu những loại thuốc phù hợp cho vật nuôi tại nhà, thậm chí lời khuyên về việc khám sức khỏe định kỳ cho chúng cũng như cách để chúng không trở thành "nỗi ám ảnh" của người xung quanh.
Những hoạt động sâu sát như vậy sẽ dần dần giúp người dân quen với nếp văn minh, có trách nhiệm với con vật của mình như một thành viên gia đình.
Đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra định kỳ sổ tiêm ngừa định kỳ của vật nuôi, yêu cầu viết bảng cam kết chính là tăng cường việc phòng ngừa trước khi tai họa chó cắn người, giết người có thể xảy ra một cách thương tâm. Đối với những ai nuôi chó và xem lề đường, công viên, đường làng xóm là nhà mình mặc sức thả chó rông, ị bậy, rượt đuổi cắn xé người thì chính quyền nên mạnh tay phạt chủ chó, cấm nuôi và bắt chó đem xử lý.
Mong lắm sẽ không còn những tai nạn đau đớn, những lo lắng của thôn xóm, phố xá chỉ vì chủ các vật nuôi không biết cách nuôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận