Trải qua thời gian phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, chợ Bến Thành dần lấy lại sự sầm uất và nhộn nhịp. Chính quyền quận 1 chia sẻ nhiều thông tin về hướng nâng cấp.
Mong nâng cấp chợ để thu hút khách
Gia đình có hai thế hệ đều kinh doanh quầy ăn nhỏ tại chợ Bến Thành, bà Kim Thư cho biết do lần tu sửa gần nhất đã cách nay gần 40 năm nên mái tôn giả ngói cũ nát, rất nóng khi trời nắng và dột khi trời mưa. "Có đợt mưa to thoát nước không kịp, gián bò lên đầy quầy ăn, khách bỏ chạy hết", bà Thư nói.
Trần ai nhất vẫn là tiểu thương ở khu vực thực phẩm tươi sống, những quầy gần cống thoát nước và hệ thống dây điện. Bà Thu Hương, một hộ kinh doanh thịt cá tại khu vực này, kể những hôm mưa lớn, có hộ bán thịt heo mà phải mặc luôn cả áo mưa và đội nón lá để bán.
"Cống thì cách vài tháng tiểu thương phải góp lại thuê người móc, còn mái dột nước thì chắp vá. Chợ ngay lòng TP phải làm sao cho xứng tầm chợ loại 1 chứ không thể cứ nhìn nó xuống cấp vầy được", bà Hương đề nghị.
Ông Ngô Văn Hà, trưởng Ban quản lý chợ Bến Thành, nói qua nhiều năm không sửa chữa nên chợ đã xuống cấp. Mái bị dột, gạch nền bong tróc, hệ thống nước rò rỉ... Thời gian qua nhiều tiểu thương cũng kiến nghị sửa chữa, nâng cấp chợ để yên tâm buôn bán và tạo mỹ quan để thu hút khách.
Theo ông Hà, về việc sửa chữa hiện mới có định hướng và kế hoạch cơ bản. UBND quận 1, các phòng ban và chợ sẽ cùng họp bàn thêm để có phương án cụ thể về thời gian, cách làm để tính toán nguồn vốn. Nếu ngân sách không đủ, có thể lấy nguồn thu từ chợ (nguồn đầu tư phát triển sự nghiệp trích quỹ hằng năm/dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng), vận động đóng góp từ tiểu thương và xã hội hóa. Thậm chí có thể đi vay vốn như trường hợp chợ Bình Tây (quận 6) đã làm.
"Nếu nguồn vốn hạn hẹp, chợ chủ trương làm từng phân khúc, hạng mục nào cần thiết mới sửa, liệu cơm gắp mắm. Qua kiểm định cho thấy các phần cứng như tường, cột kèo... vẫn đảm bảo, chúng tôi ưu tiên làm lại mái, nền gạch, hệ thống điện, nước, phòng cháy chữa cháy... Cố gắng phấn đấu đến 30-4-2025 hoàn thành cơ bản", ông Hà thông tin.
Phục dựng tượng đài, không đụng kiến trúc bên ngoài
Phó chủ tịch UBND quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh xác nhận hiện nhiều hạng mục chợ Bến Thành đã xuống cấp, kể cả tháp đồng hồ có một số vị trí bị thấm, phồng dộp... Quận 1 đã có tờ trình kế hoạch cải tạo cảnh quan trước chợ: sẽ lát nền bằng đá granite, bố trí cây xanh, thảm cỏ, hệ thống tưới, đèn chiếu sáng mỹ thuật; lắp tiện ích công cộng khu vực này như một công viên hiện đại bao gồm ghế ngồi, biển chỉ dẫn, máy nước uống, WiFi miễn phí, camera, thùng rác, nhà vệ sinh. Trong đó bao gồm cả việc phục dựng tượng đài đã có trước đây như tượng Trần Nguyên Hãn, Quách Thị Trang...
Theo đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận 1, chợ Bến Thành là công trình đang được Trung tâm Bảo tồn di tích TP nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng di tích, do đó việc chỉnh trang sửa chữa nhằm cải thiện điều kiện sử dụng bên trong, không đụng đến những kiến trúc mang tính bảo tồn bên ngoài của công trình.
Nói về con số 95 tỉ đồng dự toán cho việc thay mái chợ, vị này cho biết với giá tiền vật tư của mái tôn giả ngói hiện khoảng 120.000 đồng/m2, giá ngói thật khoảng 300.000 đồng/m2, chưa tính hệ khung... Đúng định mức nhà nước, nhân lên thành 95 tỉ đồng.
Tạo quảng trường, khai thác cảnh quan trước chợ
Ông Khương Văn Mười, chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng việc cải tạo thay mái tôn giả ngói thành ngói nguyên bản là phù hợp, sẽ ưu việt hơn bởi mái ngói cách nhiệt tốt, độ dốc cao giúp thoát nước dễ dàng.
"Trước mắt cần thiết là việc chỉnh trang, sửa chữa để duy trì kiến trúc được an toàn và lưu giữ nét văn hóa. Vấn đề hiện nay là cố gắng khai thác cảnh quan phía trước chợ như xây dựng quảng trường kết nối với tuyến metro, các tuyến đường xung quanh", ông Mười nói.
Cùng quan điểm, một chuyên gia về quy hoạch xây dựng nhìn nhận chợ Bến Thành là công trình cần được bảo tồn, không nên cải tạo lớn hay thay đổi kết cấu biến nó như một trung tâm thương mại bởi du khách tìm đến chợ Bến Thành vì cái "cũ" của nó.
Loằng ngoằng cơ chế "rót" vốn
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ những năm 2015 - 2016, UBND quận 1 đã đề xuất TP sử dụng ngân sách để sửa chữa mái, nền, thoát nước, điện ở chợ Bến Thành với kinh phí 62 tỉ đồng. Việc này kéo dài mãi đến năm 2019, chi phí khái toán đã lên tới hơn 91 tỉ đồng.
Đến năm 2022, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM cho biết đơn vị sẽ phụ trách và xây dựng phương án cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành để trình UBND TP vào cuối tháng 2. Khi đó UBND TP cũng thống nhất ý tưởng chỉnh trang, cải tạo chợ do đơn vị tư vấn thiết kế TA Landscape đưa ra. Phần mái tôn giả ngói hiện tại sẽ được thay bằng mái ngói, các cửa thông gió ở mái cũng được thiết kế lại.
Tuy nhiên thời điểm đó, theo nghị định 02 năm 2003 của Chính phủ, chợ Bến Thành là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ toàn bộ chi thường xuyên, trùng tu không được sử dụng ngân sách nhà nước. UBND TP lại tiếp tục giao UBND quận 1 làm chủ đầu tư "công cuộc" chỉnh trang.
2 giai đoạn cải tạo chợ Bến Thành
Theo ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, quận 1 đã có chỉ đạo rà soát các hạng mục cần sửa chữa.
- Giai đoạn 1 từ 2024 - 2025 sẽ cải tạo hệ thống thoát nước, điện, thay mới hệ thống phòng cháy chữa cháy, lát lại khoảng 10.000m2 nền chợ. Tổng kinh phí dự kiến gần 45 tỉ đồng bằng vốn xã hội hóa.
- Giai đoạn 2 sẽ cải tạo hạng mục chính là mái chợ sẽ thay tôn bằng ngói như trước đây.
Do kinh phí tới 95 tỉ đồng, UBND quận 1 sẽ đề xuất UBND TP xem xét, bố trí ngân sách để thực hiện do nguồn lực của chợ cũng như dự kiến các khoản vay chỉ đến năm 2025 chỉ được khoảng 45 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận