Ngày 20-11, chủ tịch UBND TP.HCM có quyết định xếp hạng di tích cấp TP với di tích kiến trúc nghệ thuật chợ Bến Thành.
Chợ Bến Thành được khởi công xây dựng từ năm 1912, trải qua nhiều lần trùng tu, di dời. Ban đầu chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, nơi có một bến sông để quân lính và người dân ra vào thành Gia Định (Quy Thành, thành Bát Quái), vì thế nên gọi là chợ Bến Thành.
Sau cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi (1833 - 1835), thành Gia Định bị phá bỏ, chợ Bến Thành cũng hoang vắng. Sau khi người Pháp tấn công Sài Gòn (tháng 2-1859), chợ bị thiêu rụi hoàn toàn.
Năm 1860, người Pháp cho xây lại chợ Bến Thành ở địa điểm cũ. Sau nhiều lần trùng tu, ngôi chợ dần khang trang hơn với hệ thống cột gạch, sườn sắt, mái ngói...
Đến đầu thế kỷ 20, người Pháp cho xây lại chợ Bến Thành mới tại vị trí ngày nay trong khoảng thời gian 1912 - 1914, cửa nam có gắn chiếc đồng hồ mang tính biểu tượng.
Đến năm 1952, khi tu sửa chợ người ta cho gắn 12 bức phù điêu của xưởng mỹ nghệ Biên Hòa ở bốn cửa chợ. Từ đó đến nay hình ảnh chợ Bến Thành trở nên quen thuộc, gần gũi, trở thành một miền ký ức văn hóa đô thị của TP.
Xếp hạng di tích cấp thành phố với 3 di tích khác
Ngoài chợ Bến Thành, chủ tịch UBND TP.HCM cũng có quyết định xếp hạng di tích cấp TP với di tích kiến trúc nghệ thuật trụ sở UBND quận 1 tại số 45-47 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1.
Xếp hạng di tích cấp TP với di tích kiến trúc nghệ thuật trụ sở Cục Hải quan TP.HCM tại số 2 đường Hàm Nghi và số 21 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1.
Xếp hạng di tích cấp TP với di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo tại số 36 đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận