12/01/2025 14:50 GMT+7

Chịu đựng khi nửa kia chỉ yêu bản thân mình

Chuyện yêu đương hoặc hôn nhân sẽ không còn êm đềm nếu nửa kia chỉ biết nghĩ cho bản thân, đòi hỏi sự tôn vinh và thiếu vắng sự đồng cảm.

Chịu đựng khi nửa kia chỉ yêu bản thân mình - Ảnh 1.

Lựa chọn sáng suốt để không phải tiếc nuối, buồn tủi vì nửa kia chỉ nghĩ tới bản thân - Ảnh minh hoạ: YẾN TRINH

Nương tựa người ái kỷ giống như dựa vào vách đá, vừa tự xoay xở vừa chịu đựng âm vọng của sự phê phán, ích kỷ.

"Anh không bao giờ biết xin lỗi", mở đầu câu chuyện, chị Thảo Nguyên (33 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) kể về người cũ. Tưởng tương lai gần sẽ có tổ ấm như mong muốn, nào ngờ sau một năm yêu nhau chị như con chim vùng khỏi vũng lầy.

Bên nhau như bị hút cạn cảm xúc

Vẻ ngoài bảnh bao và là giám đốc một công ty, ban đầu anh tử tế, lịch sự. Anh kể người yêu cũ rời bỏ do kinh doanh gặp khó nên Nguyên càng thương, sau này mới biết là bịa đặt.

Chừng một năm, những biểu hiện tôn vinh bản thân bắt đầu lộ rõ. Anh thường tìm cách hạ bệ người khác.

Đặc biệt, nếu công việc chị khởi sắc, anh không thích vì như vậy ngoài tầm kiểm soát. Chị đi với bạn bè, anh nhắn tin đay nghiến...

Những lúc như vậy chị bực đến nỗi không thở được, cự lại nhưng sau này chị không buồn nói năng vì càng phản ứng anh càng làm tới.

Mỗi khi cần tâm sự, anh không chia sẻ để chị tự lo và còn đổ lỗi do chị. Khi chị muốn chia tay, anh lại giật mình quan tâm, hỏi han, nên chị bỏ qua nhưng rồi đâu lại vào đó.

Nhiều đêm chị suy nghĩ chuyện gì đang xảy ra và tìm cách thoát ra vì anh sẽ không bao giờ thay đổi. "Phải biết yêu thương bản thân và khi thấy mình không được tôn trọng, đồng cảm thì phải nhìn lại mối quan hệ để có quyết định đúng đắn, không sa lầy", chị nhắn nhủ.

Vì hai con, chị Thu Tuyết (37 tuổi, ngụ Long An) lâu nay sống đời ẩn nhẫn với người chồng "cấm cãi". "Bình thường anh tốt tính, thi thoảng lại lên cơn. Nhất là khi bàn bạc chuyện làm ăn hay tính toán điều gì mà nghe ý kiến trái chiều, anh như biến thành một người khác", chị trải lòng.

Năm ngoái vợ chồng chị xây nhà mới. Chủ thầu bàn sơn tường màu nào, ốp gạch loại gì. Hai vợ chồng bàn nhau chưa đến 10 phút, đang vui tự nhiên chồng chị nổi đóa: "Quyết rồi, nói một lần thôi đừng nói nhiều nữa".

Đó chỉ là ví dụ nhỏ. Mười mấy năm sống chung, chị luôn nhẫn nhịn để trong nhà yên ấm. Chị than: "Nếu trái ý, anh cộc tính, làm um sùm lên để tôi phải chiều theo".

Đặc biệt, anh luôn biến mọi vấn đề thành lỗi của chị. Vẻ mệt mỏi, chị nói mình bị chồng hút cạn cảm xúc: "Bây giờ ở với nhau vì nghĩa, chứ tình cảm thì tôi thấy không còn".

Khi vợ giỏi thao túng

Nên duyên ba năm nay, Văn Minh (30 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) kể những ngày mới cưới, sau khi mọi người biết vợ anh làm việc ngân hàng là "hạt giống" sẽ được lên sếp, anh thấy vui vì lấy được người vừa xinh vừa giỏi.

Chung sống một thời gian anh nói bản lĩnh đàn ông của mình bị cái tôi quá cao của vợ thách thức. Vợ thích chiếm sóng trong mọi câu chuyện. Về quê chồng dịp Tết, giỗ chạp, chị không ngần ngại kể thành tựu cá nhân, thậm chí "phông bạt" thêm để mọi người phải trầm trồ.

"Lúc nào cô ấy cũng muốn bản thân thành trung tâm, làm mọi cách để người ta chú ý, muốn mình là số 1", Minh nói.

Anh nhớ hoài lần chị cãi tay ba khi họ hàng dưới quê chê người con dâu hàng xóm về thăm quê chồng mà chỉ chúi đầu vào điện thoại. Lần đó vợ anh "thuyết giảng" cả tiếng cho họ hàng thế nào là người phụ nữ hiện đại, không nhất thiết phải biết làm việc nhà.

"Mấy bà mấy cô ở quê trong lúc phụ nấu đám tiệc chỉ nói cho vui. Nhưng tôi không ngờ vợ mình phản ứng mạnh thế, phải cố cãi cho đến lúc mọi người tản ra mới thôi", Minh thở dài. Thời gian sau, vợ anh vẫn thi thoảng lôi chuyện này ra để chứng tỏ mình đúng.

Những nỗ lực của anh trong công việc hay cuộc sống đều bị xem nhẹ. Khi công ty khen thưởng anh, thay vì chúc mừng, chị nói: "Nếu anh lấy người khác thì chắc gì được vậy".

Tệ hơn, vợ anh kiểm soát mọi thứ trong nhà. Từ việc chồng con mặc gì, gặp ai, cho đến cách tiêu tiền. Nếu phản kháng, chị sẽ đổ lỗi, khiến anh thấy mình là người ích kỷ, vô tâm.

Anh dần thu mình lại, chấp nhận sự thao túng. Và điều khiến anh mệt mỏi nhất là vợ hay khen chê thất thường. Chị có thể khen vào buổi sáng nhưng đến tối lại không tiếc lời chê bai.

Anh tâm sự dù mình làm ra tiền, ra đường rất tự tin nhưng về nhà như cái bóng. Anh nói có lẽ do nhẫn nhịn vợ quá lâu nên đôi lúc hồ nghi năng lực bản thân, tự hỏi mình làm tròn trách nhiệm người chồng hay chưa.

Đừng ngã vào hình bóng của mình

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm - Trung tâm đào tạo ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, ái kỷ là yêu bản thân mình hơn tất cả, luôn đề cao, tôn thờ và cho mình là đúng.

Như thần thoại Hy Lạp về chàng trai Narcissus say đắm hình ảnh chính mình phản chiếu dưới mặt hồ và ngã xuống, ngụ ý hội chứng tự yêu mình đến mức cuồng.

Người ái kỷ có thể do gặp những tổn thương hoặc xuất phát từ việc đứa trẻ quá được nuông chiều hoặc thiếu tình thương có những chấn thương tâm lý từ bé.

Yêu đương với người ái kỷ mối quan hệ trở nên độc hại, chỉ trừ khi nửa kia mạnh mẽ, quyết liệt, biết chế ngự thì mới có thể hòa hợp.

Nhưng thực tế người ái kỷ thường chọn yêu người hiền lành, dịu dàng và ban đầu bằng mọi giá chiều chuộng để giành được tình cảm. Theo thời gian, nửa kia sẽ rất đau khổ vì cỡ nào thì cũng bị cho là sai, luôn bị đánh giá, chỉ trích và chịu nhiều tổn thương.

Nếu có khả năng tự nhận thức ở mức độ cao, người ái kỷ sẽ nhận ra những biểu hiện của mình để quyết liệt thay đổi, tìm đến những phương pháp trị liệu.

Chịu đựng khi nửa kia chỉ yêu bản thân mình - Ảnh 2.Sao phải đóng chặt trái tim?

Có người khép chặt lòng mình sau những đổ vỡ, tổn thương của mối tình đầu. Họ không thể đón nhận tình cảm của người đến sau do mất niềm tin, sợ phải lặp lại sai lầm trước đó.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp