Phóng to |
Sản phẩm máy tính xách tay "lai" có thể tháo rời khỏi bàn phím của Intel giới thiệu, sử dụng chip xử lý Haswell, có thời lượng pin lên đến 13 giờ sử dụng. Trên thực tế, Haswell có thể gia tăng thời lương pin sử dụng cho một chiếc Ultrabook từ 5-7 giờ lên 9-10 giờ sử dụng - Ảnh: CNET |
Haswell là tên mã của thế hệ thứ tư của dòng chip xử lý Intel Core, với ưu điểm nổi trội nhất là tiết kiệm điện năng tiêu thụ, gia tăng thời lượng pin. Theo Intel, Haswell gia tăng đến 50% thời lượng pin so với thế hệ Core thứ ba, Ivy Bridge mà khả năng xử lý không thuyên giảm.
Intel tập trung kiểm soát điện năng tiêu thụ cho Haswell, tích hợp bộ kiểm soát điện năng Voltage Regulator. Theo Intel, đây là lần đầu tiên trong ngành công nghiệp sản xuất chip xử lý kết hợp nhiều bộ kiểm soát điện áp vào trong một.
Nhìn chung, Haswell tập trung các công nghệ giảm thiểu tiêu hao điện năng cho từng vi mạch hay mạch bán dẫn (Tri-Gate), kèm theo các bộ quản lý điện năng hoạt động hoặc trong thời gian ở chế độ nghỉ (standby) để tiết kiệm hiệu quả hơn.
Phóng to |
Sơ đồ Intel Haswell (trên) và biểu đồ so sánh khả năng xử lý của Intel Core i7 thế hệ thứ ba (Ivy Bridge) và thế hệ thứ tư (Haswell) cho thấy tăng gần gấp 3 lần, lượng nhiệt tỏa ra (TDP) thấp hơn - Ảnh: Tested.com |
Về chip đồ họa tích hợp (GPU), Haswell có GPU Intel HD Graphics 5000 (Iris Graphics 5100, 28 TDP) có khả năng xử lý xấp xỉ 1,5 lần so với thế hệ HD Graphics 4000 trong năm 2012. Đối với GPU Iris Pro Graphics 5200, nó bổ sung một lượng nhỏ bộ nhớ eDRAM vào CPU để gia tăng khả năng xử lý, nhưng sẽ "trả giá" với mức tiêu thụ điện năng cao hơn.
Cụ thể, dòng chip lõi tứ H-series tích hợp GPU Iris Pro Graphics 5200 sẽ có lượng tỏa nhiệt (TDP) ở mức 47W so với 28W (TDP) của dòng CPU lõi kép U-series tích hợp Iris 5100. Khi đo điểm hoạt động (benchmark), Iris Pro 5200 cho khả năng xử lý đồ họa gấp 2,5 lần so với thế hệ GPU HD Graphics 4000 (tích hợp trong chip Core thế hệ thứ ba, Ivy Bridge).
GPU mới hỗ trợ khả năng phát video chuẩn 4K, DirectX 11.1, OpenGL 4.0, tăng băng thông cho DisplayPort 1.2...
Tương tự thế hệ hai và ba, Haswell sẽ ra mắt thị trường vào ngày 3-6 với nhiều đại diện gồm: "K-series" có khả năng gia tăng tốc độ xung nhịp (overclock, unlock) và "R-series" tích hợp GPU Iris Pro 5200.
Các hãng bo mạch chủ (motherboard) như MSI, BioStar, ASRock, Gigabyte hay Asus đều đã có đại diện thân thiện với chip Haswell, đón đầu thị trường trong nửa cuối năm nay. Hãng Acer còn tích hợp Haswell vào máy tính bảng và máy tính AIO, dự kiến ra mắt thị trường trong tháng 6.
Silvermont, "lá bài chủ" của Intel trên thị trường CPU thiết bị di động
Trong tháng 5, Intel cũng giới thiệu thế hệ 22nm dựa trên lõi Atom, kiến trúc Silvermont, có khả năng tiết kiệm điện năng so với thế hệ SoC Atom hiện tại.
Theo đó, chip dựa trên kiến trúc Silvermont sẽ ra mắt thị trường ở dạng SoC (System-on-Chip, Hệ thống chip xử lý và chip đồ họa trên cùng một chip) lõi tứ tên mã Bay Trail, hướng đến các thiết bị di động như máy tính bảng (Bay Trail-M) hay "thiết bị lai" giữa tablet và máy tính xách tay (Bay Trail-D), tên hiệu trên thị trường của cả hai sẽ là Celeron và Pentium. Bên cạnh đó là dòng lõi kép Merrifield dành cho smartphone cũng ra mắt vào cuối năm nay. Hai dòng còn lại gồm Avoton và Rangley sẽ hướng tới các máy chủ cỡ nhỏ.
Silvermont trang bị các tính năng bảo mật Intel SecureKey và hỗ trợ cho McAfee DeepSAFE. Ngoài ra còn có công nghệ ảo hóa thế hệ thứ hai VT-x2, công cụ sửa lỗi Real Time Instruction Tracing và TSC Deadline Timer. |
Silvermont sẽ là thế hệ chip Atom "hấp dẫn" dành cho các thiết bị di động (tablet, smartphone). Theo thông tin ban đầu, khả năng xử lý sẽ tăng gấp ba lần thế hệ hiện tại, tiết kiệm điện năng tiêu thụ đến năm lần. Công nghệ Intel Burst Technology 2.0 tự động dò tìm nhiệt lượng tỏa ra, điện năng và nguồn năng lượng phân phối để quyết định sử dụng theo cách tối ưu.
Kế hoạch sản xuất chip trên lõi Atom trên quy trình 22nm, kiến trúc Silvermont sẽ tiến lên Airmont 14nm trong năm 2014. Đây cũng là lời tuyên chiến trực tiếp với thế hệ chip dựa trên kiến trúc ARM dành cho thiết bị di động hiện nay được sản xuất từ Qualcomm, Samsung, Apple và Nvidia. Silvermont còn hỗ trợ các tập lệnh 64-bit.
Phóng to |
Kế hoạch phát triển các thế hệ chip xử lý cho thiết bị di động của Intel trong 5 năm trở lại đây, từ Bonnell ra mắt năm 2008 trên quy trình công nghệ 45nm, đến Saltwell trong năm 2012 và nay là Silvermont 22nm, trên kiến trúc Atom - Nguồn: Intel |
Về cơ bản, Silvermont trên nền SoC Atom sẽ là nền vận hành tốt nhất cho hai nền tảng Microsoft Windows và Windows Phone, nhưng Intel đã tiến hành tối ưu kiến trúc này tương thích với hệ điều hành di động Google Android và các nền tảng phần mềm khác trên nền Linux.
Trong một thông báo mới nhất vào cuối tháng 5, Intel và Samsung sẽ phối hợp cho ra mắt dòng máy tính bảng Galaxy Tab 3 10.1 (thế hệ thứ 3) dùng chip Intel Clover Trail+ 32nm lõi kép (1.2 GHz Atom Z2520 và 1.6 GHz Atom Z2560, 2.0GHz Atom Z2580) và hệ điều hành Android. Trước đó, Lenovo và ZTE cũng trình làng mẫu smartphone dùng chip Intel Atom.
Cục diện thị trường chip xử lý (CPU) cho thiết bị di động sẽ biến động vào cuối năm nay và trong năm 2014. Cuộc so tài thực tế với số liệu cụ thể sẽ được chứng minh tại Triển lãm điện tử tiêu dùng (CES) 2014 tại Mỹ vào đầu năm sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận