Phóng to |
“Tham nhũng” là từ xuất hiện nhiều nhất trên báo chí Áo trong những ngày qua. Ít nhất bốn vụ bê bối tham nhũng lớn dính líu đến hàng loạt quan chức cao cấp đã bị lật tẩy. Các vụ việc gây chấn động dư luận đến mức báo Kurier phải than thở rằng bất cứ ai muốn thảo luận về chuyện chính trị tại Áo hiện tại thì phải là “chuyên gia luật hình sự”.
“Khu vực nhạy cảm nhất là nơi chính trị gặp giới kinh doanh, đặc biệt là các ngành viễn thông, đường sắt, năng lượng và cầu đường” - công tố viên Walter Geyer, lãnh đạo Văn phòng công tố chống tham nhũng liên bang, nhận định.
Từ thủ tướng đến bộ trưởng đều dính chàm
9/10 người Hàn Quốc không tin các chính trị gia Yonhap dẫn kết quả bỏ phiếu do Văn phòng các sự vụ đặc biệt Hàn Quốc công bố ngày 16-10, được thực hiện trên 1.018 người lớn và 730 thanh niên cho biết có đến 87,1% người lớn và 85,6% thanh niên “không có niềm tin vào các chính trị gia và hệ thống chính trị trong nước”. Một cuộc bỏ phiếu về hệ thống giá trị của Hàn Quốc cũng cho thấy những kết quả tương tự. |
Kẻ đóng vai trò liên hệ giữa Telekom Austria cùng các công ty khác với các chính trị gia Áo là hai nhà vận động hành lang Peter Hochegger và Alfons Mensdoff-Pouilly. Trong vài năm qua, Hochegger đã nhận tới 9,06 triệu euro phí “vận động chính phủ” từ Telekom Austria. Hãng tư vấn của Hochegger cũng nhận thêm 10 triệu euro. Điều tra cho thấy một phần tiền này đã rơi vào túi của cựu phó thủ tướng Gorbach và cựu bộ trưởng hạ tầng Reichhold. Dù không bị cáo buộc có liên quan tới các vụ bê bối trên, nhưng hồi tháng 9-2011 cựu thủ tướng Schüssel đã xin từ chức nghị sĩ quốc hội để nhận trách nhiệm.
Xìcăngđan thứ hai là vụ cựu bộ trưởng tài chính Karl-Heinz Grasser (2000-2007) bị cáo buộc biển thủ hàng chục triệu euro từ chương trình bán 60.000 căn hộ nhà nước. Một lần nữa Hochegger lại là người trung gian cùng sự hợp tác của đồng nghiệp Walter Meischberger. Cả hai đã nhận được 9,6 triệu euro từ phi vụ này. Và Meischberger là phù rể trong đám cưới của cựu bộ trưởng Grasser. Ngoài ra, ông Grasser còn bị buộc tội trốn thuế 3 triệu euro và từng vài lần mang những vali đầy tiền từ Áo sang Thụy Sĩ để cất giữ.
Trong vụ thứ ba, cựu bộ trưởng nội vụ Ernst Strasser (2000-2004) bị cáo buộc nhận hối lộ đến hàng triệu euro để trao hợp đồng lắp đặt hệ thống radio kỹ thuật số trong lực lượng cảnh sát cho một công ty. Hợp đồng này có giá trị lên đến hàng trăm triệu euro. Tháng 3-2011, báo Anh Sunday Times đưa tin ba nghị sĩ châu Âu, trong đó có ông Strasser, đã nhận hối lộ 100.000 euro/năm để đưa ra các đề xuất có lợi cho ngành ngân hàng châu Âu lên Nghị viện châu Âu. Hậu quả là Strasser đã buộc phải từ chức.
Vụ bê bối cuối cùng đang khiến uy tín của đương kim Thủ tướng Werner Faymann sa sút thảm hại. Các công tố viên Áo cáo buộc ông Faymann khi còn là bộ trưởng giao thông hồi năm 2007 đã buộc một số công ty đường sắt và cầu đường nhà nước phải đăng quảng cáo trên một số tờ báo lá cải, làm tiêu tốn 1,6 triệu euro tiền thuế của dân. Nguyên nhân là vì ông Faymann muốn lấy lòng báo chí. Theo nhật báo Kurier, có lần chánh văn phòng của ông Faymann khi đó là Josef Ostermayer đã đến gặp ban lãnh đạo Công ty đường sắt OeBB và yêu cầu công ty này “bỏ ra vài triệu euro” cho việc quảng cáo “của Werner”.
Cần “bàn tay sạch”
Theo Đảng Xanh đối lập, những vụ xìcăngđan tham nhũng của các quan chức Áo đã làm nhà nước thiệt hại ít nhất 10 tỉ euro. “Những gì đã xảy ra tại nền cộng hòa này chẳng khác gì nạn trộm cướp có tổ chức - ông Peter Pilz, người phát ngôn của Đảng Xanh, khẳng định - Chúng ta cần phải làm sạch đống rác rưởi đó và tống khứ kẻ có tội vào tù”. Hai tuần trước đây, một nhóm cựu chính trị gia về hưu đã lập diễn đàn “Lời kêu gọi nổi dậy cuối cùng” để phản đối nạn tham nhũng tràn lan trên chính trường Áo.
Tổng thống Áo Heinz Fischer cũng kêu gọi chính quyền áp dụng một chiến dịch “bàn tay sạch” kiểu Ý thời thập niên 1990. Các khảo sát cho thấy niềm tin của công chúng Áo đối với các đảng phái có quan chức dính chàm, ví dụ như ÖVP, đã sụt giảm nghiêm trọng. Số lượng người Áo quan tâm đến chính trị cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000, chỉ còn 26%. Bởi theo họ, nền chính trị đã bị hủ hóa và chỉ phục vụ các doanh nghiệp và giới nhà giàu thay vì người dân bình thường. Một số nhà quan sát cho rằng tình hình đang diễn ra tại Áo là một ví dụ cụ thể cho việc vì sao phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” đang lan rộng khắp thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận