Trong các chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến các nước thời gian gần đây, nổi bật lên là lời mời kêu gọi hợp tác - đầu tư vào các lĩnh vực "thời thượng" như bán dẫn, công nghệ cao, đường sắt cao tốc, dịch vụ tài chính, trí tuệ nhân tạo, năng lượng xanh… với số vốn "khủng", nhiều tỉ đô.
Nếu chúng ta hấp thụ và phát huy hiệu quả dòng vốn và công nghệ từ sự hợp tác này, đó chính là cơ sở tạo ra cuộc sống sung túc cho người dân và phồn vinh cho đất nước.
Nhìn lại vài chục năm trước, cuối thập niên 1980 trở đi, khi đó Việt Nam chủ yếu mời gọi vốn vay ưu đãi (ODA) và sau đó là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Các lời mời kêu gọi đầu tư đa phần là những ngành thâm dụng lao động, ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường, sản phẩm có giá trị không cao.
Nếu ODA đóng vai trò quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam thì FDI đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự chuyển đổi của Việt Nam từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường, hỗ trợ chúng ta phát triển và cải cách kinh tế.
Nhưng nay đã khác. Chúng ta đã có thể chọn lọc khi kêu gọi vốn đầu tư. Đặc biệt là đã mạnh dạn kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực sẽ quyết định tương lai của nhân loại, đó là công nghệ cao và bán dẫn.
Phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 tại Saudi Arabia ngày 30-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam vươn lên là nhóm 34 nền kinh tế lớn trên thế giới, nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do, mở cửa thị trường với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, Việt Nam luôn đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và toàn cầu.
Việt Nam cũng đang tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Việt Nam còn rất quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, Việt Nam bảo đảm an ninh an toàn và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, lâu dài, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tất nhiên, khi đã mời gọi đầu tư vào lĩnh vực "thời thượng", có thể mở ra nhiều cơ hội phát triển khác cho đất nước thì vốn đầu tư cũng phải khủng, hàng tỉ USD.
Đây chính là nền tảng để tạo ra một "ngã rẽ" khác trong quá trình phát triển đất nước, đó là bước vào nhóm những quốc gia phát triển, tránh đi bẫy thu nhập trung bình.
Muốn gọi vốn có chọn lọc, vào các ngành thời thượng mà nhiều nước cũng đang cạnh tranh, chúng ta đã "dọn nhà" cho tươm tất, thì nay phải trang hoàng lộng lẫy, hiện đại hơn để đón khách vào nhà. Và sau nữa là phải tạo môi trường kinh doanh thật thông thoáng, thuận lợi để nhà đầu tư ăn nên làm ra.
Chỉ khi nhà đầu tư ăn nên làm ra, người dân mới có việc làm, có thêm thu nhập, Việt Nam mới có chỗ đứng ở thứ hạng cao trên bản đồ sản phẩm - dịch vụ công nghệ cao, không còn là "công xưởng thế giới" hay "nhà gia công hàng đầu" trên thế giới như thời gian qua và ít nhất là trong chục năm tới.
Mục tiêu của chúng ta rất cụ thể: trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia công nghiệp phát triển thu nhập cao vào năm 2045.
Ngay bây giờ phải bắt tay vào chỉnh trang nhà để đón vốn khủng, bởi dòng vốn này không thể chờ chúng ta. Chậm chân là lỡ cơ hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận