Phóng to |
Thí sinh, phụ huynh rút hồ sơ đăng ký xét tuyển tại Trường ĐH Sài Gòn. Ảnh: Như Hùng |
Dù Bộ GD-ĐT áp dụng kéo dài thời gian xét tuyển thêm gần hai tháng so với những năm trước, nay đã không cứu được các trường tuyển sinh ế ẩm.
Ông Hoàng Trung Hưng - trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) - cho biết: "Kỳ tuyển sinh năm nay trường chỉ mở được hai ngành tiếng Anh và tiếng Trung với khoảng 20 sinh viên. Nhà trường đã trả lại hồ sơ của thí sinh nộp vào các ngành khối A vì không đủ sĩ số sinh viên để mở lớp. Trong khi năm nay nhà trường tuyển sinh tám ngành bậc ĐH chính quy với 500 chỉ tiêu và bốn ngành bậc CĐ 300 chỉ tiêu. Nhà trường chỉ nhận được 18 hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1, đã có ba thí sinh trúng tuyển".
Trước đó, Trường ĐH Tân Tạo (Long An) cũng vừa công bố kết thúc tuyển sinh năm 2012 với 29 tân sinh viên nhập học. Trong đó ngành kinh doanh quốc tế có số sinh viên nhập học đông nhất là 16, ngành quản trị kinh doanh 6 sinh viên... trong khi năm nay trường thông báo tuyển sinh tám ngành với 500 chỉ tiêu.
Không chỉ các trường tư thục, nhiều trường công lập ở các địa phương cũng kết thúc tuyển sinh trong tình cảnh chấp nhận đóng cửa hàng loạt ngành học và chọn phương án ghép các ngành ít thí sinh để đào tạo. Hàng loạt ngành tại phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị, Trường ĐH Khoa học Huế, Trường ĐH Nông lâm Huế sau khi xét tuyển 4-5 đợt, đến khi kết thúc tuyển sinh cũng chỉ có vài sinh viên/ngành. |
GS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết dù ít sinh viên trường vẫn tổ chức giảng dạy bình thường. Với số sinh viên ít ỏi như vậy, nhà trường gom lại còn hai ngành để tổ chức đào tạo.
Tại Trường ĐH Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế) cũng buồn không kém, chỉ tiêu tuyển sinh của chín ngành ĐH và sáu ngành CĐ là 1.000 nhưng chỉ có 75 hồ sơ đăng ký dự thi nguyện vọng 1 và một thí sinh trúng tuyển. Tính đến nay trường cũng chỉ đón nhận vài trăm sinh viên khóa mới đến nhập học. “Chưa năm nào trường chúng tôi lại gặp khó khăn trong tuyển sinh như năm nay. Kết thúc tuyển sinh rồi nhưng trường còn hàng trăm chỉ tiêu…” - cán bộ phòng đào tạo nhà trường buồn bã.
Bên cạnh đó, hiện còn có hàng loạt trường ĐH tư thục khác đến khi kết thúc tuyển sinh vẫn còn hàng ngàn chỉ tiêu như Trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam), Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa), Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ)… Tất cả những trường này sau nhiều đợt xét tuyển bổ sung cũng chỉ có vài chục đến vài trăm sinh viên nhập học.
TS Trần Đình Lý - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cũng cho hay phân hiệu Ninh Thuận của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM không tuyển đủ chỉ tiêu và buộc phải ghép sinh viên vào một số ngành để đào tạo.
Việc kéo dài thời gian xét tuyển và không quy định thời gian cho từng đợt xét tuyển khiến các trường gặp nhiều khó khăn hơn trong tuyển sinh. Kết thúc tuyển sinh, Trường ĐH Tiền Giang cũng chỉ tuyển được hơn 50% chỉ tiêu trong khi năm nay nhà trường được Bộ GD-ĐT cho phép hưởng chính sách ưu tiên dành cho khu vực Tây Nam bộ.
Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các trường ĐH, CĐ, TCCN yêu cầu báo cáo quy mô đào tạo và kết quả tuyển sinh năm 2012 chậm nhất ngày 15-12. Theo đó, các trường phải báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2012 theo từng trình độ, lĩnh vực đào tạo và phương thức đào tạo. Đào tạo liên thông bao gồm cả phương thức chính quy và vừa làm vừa học. Tổng quy mô học sinh, sinh viên đang đào tạo của trường năm học 2012-2013 theo từng trình độ, lĩnh vực đào tạo và phương thức đào tạo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận