Nghị quyết bao gồm 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp tại TP.HCM.
Được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu
Trong số các cơ chế, chính sách mới, thì mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông sẽ cho phép TP.HCM sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt.
Cùng với đó là vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3; thu hồi đất, thực hiện tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.
Nghị quyết cho phép TP.HCM được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa; được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án này.
TP.HCM được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu, với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố.
Đáng lưu ý, nghị quyết cho phép UBND quận được bố trí khoản chưa phân bổ 2% - 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi các nhiệm vụ cần thiết mà chưa được dự toán.
Thành phố được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước và một số địa phương tại nước khác.
TP.HCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại, với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.
Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Về tài chính, nghị quyết quy định các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC).
Bao gồm tăng vốn điều lệ từ nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc thành phố, từ nguồn lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ.
TP.HCM được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...
Cùng với đó, cho phép sử dụng mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhằm cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở…
Nghị quyết cũng quy định về các ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo...
TP.HCM được thành lập Sở An toàn thực phẩm
Bên cạnh đó, nghị quyết cho phép TP.HCM được thành lập Sở An toàn thực phẩm.
Việc này thực hiện trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn thành phố từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cho Sở An toàn thực phẩm.
Nghị quyết cũng quy định UBND huyện thuộc thành phố có không quá 3 phó chủ tịch. Đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên thì UBND phường, xã, thị trấn có không quá 3 phó chủ tịch.
Quy định việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường thực hiện theo quy định như cán bộ, công chức cấp huyện trở lên.
Cạnh đó, nghị quyết quy định về bộ máy chính quyền thành phố Thủ Đức... Các chính sách về xây dựng nhà ở xã hội cũng được quy định trong nghị quyết.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận