14/03/2022 12:10 GMT+7

Chính sách với người dân sau sáp nhập huyện, xã có giảm không?

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Một trong những vấn đề nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra là việc giải quyết chính sách với cán bộ dôi dư và chính sách với người dân sau sáp nhập huyện, xã.

Chính sách với người dân sau sáp nhập huyện, xã có giảm không? - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ chính sách đối với cán bộ và người dân sau sáp nhập "chỉ có tăng lên hoặc ít nhất là bằng chứ không giảm đi" - Ảnh: Quochoi.vn.

Lãnh đạo chắc ổn rồi nhưng cử tri, nhân dân tâm trạng thế nào?

Sáng 14-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề thực hiện các nghị quyết của ủy ban về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2021 và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.

Về sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - trưởng đoàn giám sát - cho biết tới tháng 6-2021, cấp huyện còn 424 cán bộ, cấp xã còn 3.414 cán bộ và ở thôn, tổ dân phố còn 492 cán bộ không chuyên trách thuộc diện phải sắp xếp.

Nêu ý kiến sau đó, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay tâm lý chung là không muốn sáp nhập vì đụng đến cơ sở vật chất, con người.

Ông Cường đề nghị cần đánh giá sau sáp nhập có tốt hay không, hay chỉ giảm được một số đầu mối về con người.

Đồng thời, khi giám sát nên chủ động xuống thẳng các huyện, xã để nghe ý kiến chính quyền, người dân, cán bộ hưu trí và không để tỉnh chuẩn bị trước nhằm đảm bảo tính khách quan của việc giám sát.

Nhận định số cán bộ dôi dư là “khá nhiều” dù các địa phương đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau từ nghỉ hưu trước tuổi, luân chuyển…, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, Chính phủ nên đề xuất chính sách đặc thù để xử lý.

Ông dẫn ví dụ ở Cao Bằng, cử tri phản ảnh việc sáp nhập các huyện tại tỉnh này còn nhiều vấn đề.

"Lãnh đạo chắc ổn rồi nhưng cử tri, nhân dân tâm trạng thế nào sau sắp xếp cần đánh giá", ông Thanh nhận định và đề nghị cần giám sát ở Cao Bằng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng chính sách cho cán bộ là vấn đề lớn.

Chính sách với người dân sau sáp nhập huyện, xã có giảm không? - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Ảnh: Quochoi.vn

“Việc sắp xếp cán bộ dôi dư các địa phương nhìn nhau, chỗ cao chỗ thấp cũng tạo nên tâm lý cán bộ. Anh này 200 triệu, anh kia 250 triệu thôi cũng tạo tâm tư cán bộ”, ông Vinh nói và đề nghị các địa phương nên có sự phối hợp, tham chiếu trong việc ra chính sách.

Ông lưu ý trong việc sắp xếp lại cơ sở vật chất dôi dư, trong đó tu sửa cơ sở vật chất mới và xử lý cơ sở vật chất, đất đai do sắp xếp để lại, "nếu không cẩn thận dễ có sai phạm".

Chính sách với người dân có giảm không?

Không chỉ với cán bộ, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực lưu ý đến chính sách cho người dân có bị ảnh hưởng sau khi sáp nhập không.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng hỏi xã nghèo nhập vào xã không nghèo thì bà con ở xã nghèo trước đây có được hưởng chính sách cho xã nghèo không? Xã dân tộc miền núi, dân tộc, khó khăn sau sáp nhập thì hưởng chính sách thế nào?

Tham gia ý kiến, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định Chính phủ đang sửa đổi các nghị định để giải quyết chính sách cho cán bộ dôi dư.

Đối với chính sách cho người dân, ông Thăng nói theo nghị quyết của Quốc hội, các chính sách sẽ được tiếp tục thực hiện đến hết 31-12-2021, sau đó sẽ đánh giá thực trạng để kiến nghị có tiếp tục thực hiện hay không.

Ông Nguyễn Khắc Định khẳng định tinh thần là chính sách đối với cán bộ và người dân sau sáp nhập "chỉ có tăng lên hoặc ít nhất là bằng chứ không giảm đi".

"Người nghèo là giữ nguyên chính sách nghèo cho đến thời hạn nhất định. Sau khi đánh giá lại không đủ tiêu chuẩn xã nghèo nữa thì thôi", ông Định nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sau đó đề nghị xem việc lấy ý kiến người dân có nơi nào “chủ quan, áp đặt không", rồi cung cấp dịch vụ công cho người dân thế nào? Chỗ nào ý chí quyết tâm thấp, không dám làm, ngại khó khăn, chỗ nào nóng vội, duy ý chí không?

“Một xã nông thôn mới ghép với một xã không phải nông thôn mới thì thành xã gì? Thống kê toàn quốc về tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới có thay đổi không? Xã ghép với phường thành một phường thì có thỏa đáng không?”, ông Vương Đình Huệ nêu loạt vấn đề.

Báo cáo của đoàn giám sát cho biết đa phần các đô thị sau sáp nhập có sự giảm sút về chất lượng do mật độ dân số thấp, dàn trải trên diện tích rộng hơn, trong khi hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thông tin thêm, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, một số nơi chất lượng đô thị giảm 50% sau sắp xếp.

Hà Nội sáp nhập nhiều trường học, nhiều ban quản lý dự án Hà Nội sáp nhập nhiều trường học, nhiều ban quản lý dự án

TTO - 6 ban quản lý dự án TP sẽ được sáp nhập thành 4 ban, giảm 2 đơn vị; 21 trường cao đẳng, trung cấp cũng sẽ được sắp xếp thành 19 trường.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp