24/08/2018 11:01 GMT+7

Chính sách tiền lương mới: Lương phải đủ sống

L.THANH - Đ.BÌNH - ÁI NHÂN - TRẦN VŨ NGHI
L.THANH - Đ.BÌNH - ÁI NHÂN - TRẦN VŨ NGHI

TTO - Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (DN).

Chính sách tiền lương mới: Lương phải đủ sống - Ảnh 1.

Cải cách tiền lương sẽ tạo thêm động lực cho người lao động ở doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước. Trong ảnh: Công nhân chế tạo giàn khoan dầu khí tại Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Theo đó, mục tiêu cơ bản mà chính sách tiền lương mới muốn hướng đến: lương phải là thu nhập chính và là động lực cho người lao động.

Lương phải đúng thực chất

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, cho rằng việc Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN chính là trả lại chức năng vốn có của lương. 

Tiền lương phải thực sự là lương, phải tính đúng, tính đủ, không quá thấp. Tiền lương gắn với hiệu quả, chất lượng công việc.

Theo TS Hương: "Từ trước đến nay, qua nhiều lần cải cách chính sách tiền lương, tư tưởng của ta vẫn là Nhà nước kiểm soát thị trường, kiểm soát các DN bằng chính sách tiền lương là một chỉ tiêu quản lý vĩ mô. Trong khi các nước coi quản lý tiền lương là nội dung của chính sách vĩ mô".

Với chủ trương mới trong nghị quyết lần này, bà Hương cho rằng Nhà nước chỉ can thiệp về lương tối thiểu như là một chức năng bảo hộ để bảo vệ những người lao động giản đơn, yếu thế. 

Còn lại, tất cả các vấn đề liên quan đến tiền lương, tiền thưởng sẽ do người lao động và chủ sử dụng lao động tự thỏa thuận trên cơ sở quy luật kinh tế thị trường, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN và sẽ không được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu.

Bà Hương cho rằng khu vực sự nghiệp công lập cũng phải tiến tới hạch toán, ngân sách sẽ không chi thường xuyên, mà sẽ đổi mới thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc cơ chế đấu thầu. 

Trên cơ sở đó, các cơ sở được tự chủ trong việc trả lương trong nguồn lực tài chính của mình. 

"Nếu anh hoàn thành nhiệm vụ thì anh được tự chủ trong tài chính, tự chủ trong tuyển dụng và trả lương" - bà Hương nói.

Tạo động lực cho người lao động

Ông Nguyễn Văn Tiu, tổng giám đốc Công ty xăng dầu Tự Lực (Hà Nội), ủng hộ quyết định Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN. 

Ông phân tích quy định mức lương tối thiểu vùng như lâu nay không sát với thực tế. DN thường phải trả cao vài lần tùy theo vị trí so với quy định của Nhà nước.

Cùng quan điểm với ông Tiu, ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Công ty thủy sản và thương mại Thuận Phước, cho rằng lao động được xem là loại hàng hóa đặc biệt và thị trường lao động rất sôi động. 

Thị trường luôn thiếu lao động, nhất là lao động có chất lượng, có tay nghề, kinh nghiệm. Nên muốn phát triển, những DN làm ăn bài bản luôn coi người lao động là tài sản, là đối tác. 

Ngoài mức lương hằng tháng trả cho công nhân, theo ông Lĩnh, DN còn phải đầu tư nhà ở cho công nhân, hỗ trợ họ tiền về quê ăn tết, nghỉ mát... Không có chuyện chủ DN thích trả bao nhiêu thì trả, o ép người lao động.

"Đến năm 2021, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN thì cần cụ thể là chính sách sẽ thay đổi thế nào so với hiện nay. Hằng năm, Nhà nước còn quy định mức lương tối thiểu nữa hay không? Mức lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa là để người lao động và doanh nghiệp đóng quỹ bảo hiểm xã hội, y tế và quỹ công đoàn thôi" - ông Lĩnh nói.

Còn theo ông Tiu, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Nhà nước nên quy định khung lương cho một số ngành nghề đặc thù như những ngành gia công có sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử... Đây là những ngành sử dụng nhiều lao động nữ và có nhiều DN lớn có vốn đầu tư nước ngoài. 

Mặt khác, chúng ta đã có thị trường lao động, nhưng chưa thực sự phát triển đầy đủ như các nước phát triển.

Để doanh nghiệp tự thỏa thuận

luật sư nguyễn huy việt (2) 3(read-only)

Theo tôi, Chính phủ quy định mức lương tối thiểu là cần thiết. Bởi vì mức lương tối thiểu có nhiều ý nghĩa trong việc bảo đảm quyền lợi người lao động, bảo đảm mức sống tối thiểu cũng như ảnh hưởng đến an sinh xã hội (bảo hiểm).

Tuy nhiên, mức lương tối thiểu phân theo vùng hiện là thấp và thường thay đổi.

Một hệ lụy kéo theo là khi quy định mức lương tối thiểu (mà thấp) thì DN có xu hướng lợi dụng để xây dựng thang, bảng lương trả cho người lao động thấp để giảm mức bảo hiểm.

Trong khi lương thực lãnh của người lao động lại cao hơn. Đồng thời phần lớn người lao động muốn đóng bảo hiểm theo lương thực lãnh để được hưởng bảo hiểm tốt hơn sau này.

Như vậy, Chính phủ bỏ quy định mức lương tối thiểu vùng, bỏ can thiệp chính sách tiền lương là phù hợp.

Chính phủ chỉ cần quy định mức lương tối thiểu và mức bảo hiểm xã hội phù hợp để bảo đảm quyền lợi tối thiểu cho người lao động. Còn lại hãy để người lao động và DN tự thỏa thuận.

Nhà nước chỉ cần kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách đối với người lao động. Hiện nay, Bộ luật hình sự 2015 đã có chế tài hình sự với hành vi trốn đóng bảo hiểm để bảo vệ người lao động.

Luật sư NGUYỄN HUY VIỆT (Đoàn luật sư TP.HCM)

Mức lương tối thiểu không theo kịp thực tế

luật sư ngô phương thảo (2) 3(read-only)

Theo tôi, mức lương tối thiểu theo vùng (4 vùng) hiện nay là thấp, phân hóa rõ rệt và không theo kịp sự phát triển của xã hội.

Thực tiễn cho thấy có sự phân hóa rõ rệt giữa mức lương trả cho người lao động giữa các vùng, giữa nhóm doanh nghiệp (DN) VN, DN có vốn nước ngoài... DN cũng thường xây dựng bảng lương trả cho người lao động thấp tương ứng mức lương tối thiểu để giảm mức đóng bảo hiểm.

Như vậy, phúc lợi liên quan đến bảo hiểm cho người lao động cũng sẽ bị thiệt thòi.

Trình độ người lao động hiện nay cũng dần tăng lên. Họ hoàn toàn có quyền lựa chọn nơi bán sức lao động có giá phù hợp. Nếu mức lương mà DN trả cho người lao động thấp, không bảo đảm mức sống cơ bản thì người lao động cũng không thể làm việc cho DN đó.

Họ có những lựa chọn khác để mưu sinh. Như vậy, việc Chính phủ để cho các bên trong quan hệ lao động tự do, tự nguyện thỏa thuận tiền lương là phù hợp theo quy luật thị trường.

Chính phủ tiến tới bỏ can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương thông qua mức lương tối thiểu vùng là phù hợp. Bên cạnh đó, cần quy định đóng bảo hiểm xã hội theo lương thực lãnh để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Luật sư NGÔ PHƯƠNG THẢO (Đoàn luật sư TP.HCM)

Quan tâm đến phúc lợi

nguyễn thụy thùy ngân 3(read-only)

Theo tôi, Nhà nước chỉ cần quy định mức lương tối thiểu, còn mức lương cao đến bao nhiêu cứ để người lao động phải tự thỏa thuận trên cơ sở giá trị sức lao động của bản thân.

Thực tế tôi nhận thấy nhiều DN nước ngoài trả lương tốt và đóng bảo hiểm trên mức lương thực lãnh. Như vậy, rất có lợi cho người lao động liên quan đến phúc lợi như khám chữa bệnh, lương hưu, trợ cấp thất nghiệp...

Bên cạnh đó, có nhiều DN trả lương (thực lãnh) cũng tốt nhưng mức lương đóng bảo hiểm cho người lao động lại thấp hơn nhiều dựa trên mức lương tối thiểu vùng. Tình trạng này hiện nay là rất phổ biến khiến người lao động cũng rất lo lắng khi nghĩ về phúc lợi liên quan đến bảo hiểm.

Vì vậy, Nhà nước cần mức lương tối thiểu phù hợp và có chính sách để việc đóng bảo hiểm dựa trên lương thực lãnh.

NGUYỄN THỤY THÙY NGÂN (người lao động)

Được trả lương theo nhu cầu ngành nghề

mr trần việt anh 3(read-only)

Cơ chế mới sẽ mở ra cho DN tự xây dựng mức lương theo nhu cầu ngành nghề, theo năng lực và quy mô của từng DN.

Tôi rất ủng hộ cơ chế mới này vì để đáp ứng nhu cầu phát triển, có DN sẵn lòng trả mức lương rất cao để mời người giỏi, người tài về làm cho họ mà không cần phải dòm trước ngó sau xem có bị điều gì khống chế hay không.

Người lao động bây giờ cũng rất quan tâm quyền lợi của mình, nên việc khung lương chỉ dựa vào mức lương tối thiểu vùng để xây dựng khoản lương cơ bản như trước cũng đã lạc hậu.

Và để đáp ứng với nhu cầu tự chủ mức lương, tôi nghĩ cũng nên nới lỏng quy định thỏa thuận thời gian lao động theo hướng linh hoạt hơn.

Với cơ chế tự chủ lương mới, người lao động làm việc tại các DN tư nhân sẽ không còn tâm lý trông chờ vào những dịp Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu, từ đó nảy sinh tâm lý so sánh.

Ông TRẦN VIỆT ANH - tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn

DN tư nhân đã tự chủ từ lâu

mr nguyễn văn lê 3(read-only)

Các DN tư nhân đã tự xây dựng mức lương riêng từ lâu, vì nếu chỉ dựa vào khung lương tối thiểu của Nhà nước thì không thu hút được người lao động làm việc và gắn bó lâu dài.

Tôi rất ủng hộ việc hãy để cho DN tự chủ tiền lương. Nhà nước chỉ nên ban quy định lương tối thiểu theo vùng miền và đặc biệt là theo ngành nghề, chứ không chung chung cho từng vùng.

Có như vậy, DN mới có thể thu hút được các lao động có tay nghề, lành nghề.

Việc điều chỉnh lương tối thiểu và mức trích nộp bảo hiểm như hiện nay, về lâu dài sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động sau này.

Nhưng cần phải có lộ trình dài hơn để DN có thể điều chỉnh dần cho phù hợp, tránh gia tăng chi phí làm ảnh hưởng đến giá thành, trong khi giá bán khó điều chỉnh tăng.

Ông NGUYỄN VĂN LÊ - phó tổng giám đốc Công ty CP công nghiệp Đông Hưng

"Lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng 5-6 là hợp lý"

TTO - Người từng làm chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng mức tăng lương tối thiểu vùng 5-6% cho năm 2019 là hài hòa, vừa bảo đảm tiền lương thực tế và có cải thiện chút ít đời sống cho người lao động.

L.THANH - Đ.BÌNH - ÁI NHÂN - TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp