Theo tạp chí Nikkei Asia ngày 10-6, từ Trung Quốc đến Singapore, chính phủ các nước đã do dự trong việc theo đuổi các quy định áp dụng cho toàn khu vực, thay vào đó lại lựa chọn áp dụng các chính sách AI phù hợp với chương trình nghị sự của riêng nước mình.
Theo Nikkei Asia, cách tiếp cận này - trái ngược với Liên minh châu Âu và Đạo luật AI mới được phê duyệt gần đây của khối - có nguy cơ tạo ra một "bãi mìn" cho các doanh nghiệp.
"Sẽ rắc rối nếu 15 hay 20 nước lớn ở châu Á bắt đầu ban hành các luật khác biệt rõ rệt. Khi bạn tung ra một sản phẩm ngay lúc đó, bạn phải hiểu chính xác những gì bạn phải làm ở mỗi quốc gia và điều này khá khó khăn", ông Adrian Fisher - trưởng bộ phận công nghệ, truyền thông và viễn thông châu Á tại Công ty luật Linklaters (Anh) - lấy ví dụ.
Công ty kiểm toán KPMG gần đây chỉ ra "những lỗ hổng quản lý AI" là rủi ro chính đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong năm tới, mặc dù khoản đầu tư vào lĩnh vực này tăng hơn 5 lần từ năm 2013 đến 2023.
Vấn đề đưa ra quy định xuyên biên giới đã trở thành chủ đề nóng kể từ khi AI tạo sinh nổi lên vào năm 2022, gồm cả tại Liên Hiệp Quốc.
Tại châu Á, Trung Quốc được đánh giá là nước chủ động nhất trong việc quản lý AI.
Mặc dù luật chung về AI vẫn chưa được ban hành, nhưng một bộ hướng dẫn cho ngành này đã có hiệu lực kể từ năm 2022, từ các khuyến nghị về thuật toán cho đến đòi hỏi AI phải "thúc đẩy giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội".
Trong khi đó, chính phủ một số nước cảnh giác trước nguy cơ gây sợ hãi cho các doanh nghiệp nếu đưa ra các quy định quá chặt và lo ngại bỏ lỡ cơn sốt đầu tư AI.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận