Dưới góc nhìn của một người có một con gái 5 tuổi và dự định sinh con thứ hai, tôi mong rằng chính sách khuyến sinh cần sự tươi mới lẫn thiết thực hơn.
Ở vế thứ nhất, tôi thấy các chương trình khuyến sinh hiện nay vẫn mang nặng tính tuyên truyền kiểu "thúc giục đẻ". Nó tương tự như những câu nói mà người trẻ vốn rất "ức chế" như "bao giờ lập gia đình", "bao giờ sinh con", "sinh nữa đi chứ"…
Chính sách khuyến sinh cần sự tươi mới, lạc quan và chia sẻ với những gia đình trẻ còn nhiều khó khăn, để họ thấy nhiều niềm vui và lợi ích hơn là những áp lực trong chuyện nuôi dạy.
Sau đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 - 2 con, rất nhiều bình luận về chuyện khuyến sinh. Phần nhiều ý kiến than thở áp lực và liệt kê đủ lý do ngại sinh. Người trong cuộc như tôi khi đọc những ý kiến như thế thấy càng thêm áp lực và càng… ngại đẻ.
Nên có chương trình khuyến sinh mang tính lạc quan hơn, cần nói về lợi ích của việc sinh đủ con trước 35 tuổi? Hay nói về những điều hạnh phúc của những người đã sinh con đông đủ?
Sinh con đẻ cái không hẳn là trách nhiệm hay gánh nặng, mà đó là niềm hạnh phúc lớn lao và góp phần duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội.
Tôi mong các chương trình khuyến sinh thiết thực hơn. Với Bộ Y tế, cần phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe người mẹ và trẻ em rộng khắp. Thêm các chương trình miễn viện phí cho các bà mẹ sinh con lần thứ hai, thứ ba cũng nên được cân nhắc.
Ngân hàng Nhà nước nên có định hướng cho các ngân hàng thương mại có các gói cho vay với lãi suất thấp, giúp gia đình trẻ "vay gấp" khi gặp các biến cố như con nhỏ ốm đau, gia đình khó khăn đột xuất?
Các gia đình trẻ luôn cần "chỗ dựa" về mặt tài chính, chương trình này giúp họ không vướng vào bẫy tín dụng đen.
Bộ Tài chính cũng nên sớm tăng mức miễn giảm thuế thu nhập cho người phụ thuộc. Chương trình "thưởng cho người sinh con trước 35 tuổi" cũng cần được tái khởi động để động viên gia đình trẻ sinh con.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần quan tâm đến chế độ thai sản, đặc biệt là nhóm đối tượng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cần có chương trình khuyến sinh thiết thực bằng những bài viết, chương trình truyền hình, tuyên truyền trên mạng xã hội để "gần người trẻ" và giúp họ cởi bỏ được tâm lý ngại sinh.
Ngoài ra cũng cần có những chính sách đặc thù cho mẹ đơn thân, bố đơn thân hoặc các gia đình chỉ có bố hoặc mẹ là lao động chính.
Như vậy, việc khuyến sinh cần có các chương trình tươi mới và vui vẻ hơn, chứ không chỉ là "giục đẻ".
Ngoài ra cũng nên có những giải pháp cụ thể, thiết thực để người trẻ biết rằng "họ được hỗ trợ" khi họ cần nhất. Có như thế thì chính sách khuyến sinh mới phát huy hiệu quả và tăng mức sinh trở lại.
Kiện toàn an sinh xã hội
Việt Nam đã vượt mốc 100 triệu dân. Dù vậy, mối lo từ mức sinh giảm, nguy cơ già hóa dân số và khủng hoảng lao động vẫn hiện hữu và đặt ra nhiều thách thức.
Cùng với đó là những khó khăn, gánh nặng ở những "gia đình con một". Rồi sẽ có những đại gia đình với ông bà và cha mẹ đã đến tuổi già và gánh nặng thật sự với một lao động chính - vừa lo kiếm tiền vừa lo chăm sóc cha mẹ ông bà.
Khuyến khích người trẻ kết hôn và sinh con sớm, đó là chủ trương đúng đắn với mong muốn thanh niên lập gia đình trước 30 tuổi, đồng thời thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ gia đình sinh đủ hai con ở các địa phương có tỉ lệ sinh thấp. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong mấy năm gần đây chưa khả quan.
Có khá nhiều lý do đẩy đưa khiến người ta càng ngày càng ngại sinh con. Áp lực công việc, mưu sinh, lập nghiệp đang dồn ứ lên đôi vai của người trẻ giữa bối cảnh nghề nghiệp nhiều biến động, lắm cạnh tranh.
Áp lực cuộc sống và những cái khó trong việc nuôi dạy con khiến nhiều gia đình trẻ đang tập trung chu toàn cho chất lượng cuộc sống thay vì chú trọng chuyện sinh nhiều con cho "có chị có em".
Dẫu biết rằng sinh con là chuyện cá nhân của mỗi gia đình, nhưng mức sinh thấp và nguy cơ già hóa dân số là vấn đề thách thức của toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Chúng ta cần một chiến lược tổng thể khuyến khích các cặp đôi kết hôn sớm trước tuổi 30 và sinh đủ 2 con: giảm thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ nhà ở xã hội cho công nhân, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ sinh kế, ưu đãi học phí, khen thưởng bằng tiền hoặc hiện vật…
Đặc biệt, chính sách an sinh xã hội cho trẻ em phải được kiện toàn nhằm bảo đảm cho mỗi đứa trẻ sinh ra được tiếp cận với quy trình chăm sóc sức khỏe, tiếp cận giáo dục và hỗ trợ về mọi mặt nhằm phát triển một cách toàn diện.
THANH NGUYỄN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận