Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA - HOÀNG NAM
Bà nói: Bản chất của nghị quyết này là sự phân quyền, phân cấp mạnh mẽ hơn cho TP.HCM trong một số lĩnh vực. Chính vì vậy, ý nghĩa của nghị quyết là phát huy quyền chủ động, tự chủ của chính quyền TP.HCM trong việc điều chỉnh mức thu thuế, phí và lệ phí.
Song, tinh thần là TP.HCM không bao giờ đề xuất cái gì mà bất lợi cho quá trình phát triển của mình hoặc bất bình đẳng trong ứng xử pháp luật đối với người dân.
* Sau khi có nghị quyết đặc thù cho TP, HĐND TP sẽ triển khai như thế nào?
- Thường trực HĐND đang phối hợp với thường trực của UBND TP để chuẩn bị kế hoạch triển khai nghị quyết này. Tâm thế của người dân TP cũng có sự chuẩn bị sẵn sàng. Sự phân cấp, phân quyền là dành cho chính quyền TP nhưng người dân, doanh nghiệp ở TP.HCM mới là người thực sự tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết này đi vào cuộc sống.
Nhưng cũng phải nói là chính quyền và nhân dân TP.HCM thấy được trách nhiệm của mình rất lớn lao, nặng nề. Đây không phải chỉ là cơ hội mà còn là thách thức.
Đó là phải làm sao kinh tế TP.HCM phát triển, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của cả nước, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách quốc gia. Không chỉ đóng góp về nguồn lực mà còn đóng góp cả về cơ chế, chính sách...
* Như vậy thời gian tới, thuế, phí của nhiều mặt hàng, dịch vụ ở TP.HCM sẽ tăng?
- Nhiều ý kiến băn khoăn là tại sao TP.HCM đề nghị tăng mức thuế suất đối với một số sắc thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, và có tăng mức phí, lệ phí hay được quy định một số loại phí mà chưa được quy định trong Luật phí và lệ phí.
Tôi muốn nói thêm: TP.HCM không bao giờ đề xuất cái gì mà bất lợi cho quá trình phát triển của mình hoặc bất bình đẳng trong ứng xử pháp luật đối với người dân. Không có tư tưởng đó.
Tôi nhớ lại khi tôi góp ý về Luật phí và lệ phí, tôi cũng đề nghị rằng trong luật này phải để cho chính quyền các cấp trong đó, chính quyền cấp tỉnh phải có không gian để chủ động được quy định một số loại phí, lệ phí.
Có thể tăng một số loại phí, lệ phí (được cho phép), nhưng mục tiêu không phải chỉ là tăng thu cho địa phương mà cái cốt lõi để địa phương chủ động và có thẩm quyền trong quản lý xã hội, quản lý đô thị, nhất là đô thị đặc biệt như TP.HCM.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, TP đã chuẩn bị suốt 12 năm ròng để chờ cơ hội được trao cho cơ chế đặc thù để bứt phá, tạo động lực và nguồn lực phát triển, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của đất nước - Ảnh: HỮU KHOA
* Ví dụ, nếu dùng các quy định quản lý hành chính để cấm cái này, cấm cái khác là vi phạm pháp luật thì tại sao không dùng công cụ là chính sách thuế, phí và lệ phí để điều tiết?
- Chẳng hạn: như dịch vụ quán bar có cần nhiều hay không? Đây là dịch vụ cho cuộc sống nhưng không phải phổ cập, chỉ phục vụ một bộ phận thôi, có nơi có chỗ. Do vậy, dùng công cụ phí, lệ phí để điều chỉnh dịch vụ này.
Hay để khuyến khích người dân đi phương tiện công cộng nhiều hơn thì chính quyền cũng xem xét tăng phí và lệ phí ở mức phù hợp với xe cá nhân để điều tiết mà vẫn đảm bảo công bằng.
Như vậy, việc dùng công cụ điều tiết là thuế và phí để tác động vào quản lý xã hội chứ không phải chỉ nhằm tăng thu. Do đó, TP.HCM sẽ xem xét công cụ điều tiết này cho phù hợp để đảm bảo nguyện vọng của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của TP.HCM.
* Xin bà nói rõ hơn về nội dung chính sách thuế, phí có tăng có giảm?
- Đúng là chính sách thuế, phí, lệ phí có tăng và có giảm, không đồng đều ở các khu vực trong TP. Có thể nội thành thì mức thuế sẽ cao hơn đối với đầu tư ra ngoại thành. Nhà đầu tư lớn, có chuyển giao khoa học công nghệ có thể làm phát triển công nghiệp hỗ trợ tăng lên, khởi nghiệp sáng tạo thì được hưởng chính sách ưu đãi...
Song, tôi muốn nhắc lại là những gì nhạy cảm, tác động đến đại bộ phận người dân thì sẽ lấy ý kiến của người dân.
Chính quyền TP sẽ phát huy tối đa trí tuệ của nhân dân, trong đó có đội ngũ trí thức, các chuyên gia, khoa học trong và ngoài nước. Đặc biệt là đóng góp của những chuyên gia ở ngoài nước.
Các chính sách phải đảm bảo góp phần giúp tinh thần, làm cho đời sống của người dân tốt lên, môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư mạnh hơn nhưng không phải thu hút đầu tư bằng mọi giá.
* Xin cảm ơn bà.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Được tăng lương cán bộ, công chức lên 1,8 lần
Từ ngày 15-1-2018, HĐND được quyền bố trí ngân sách TP chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức do TP quản lý. Mức chi tăng thêm tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.
Riêng mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt do HĐND TP quy định.
Đó là một nội dung quan trọng về cơ chế thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý, được nêu trong nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được hơn 93% số đại biểu Quốc hội thông qua chiều 24-11.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2018 và sau 3 năm thực hiện Chính phủ sơ kết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020.
Ngoài được quyền chi thu nhập tăng thêm, theo nghị quyết, TP.HCM được tăng mức thuế hoặc thuế suất của thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường đối với một số hàng hóa. Mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.
Nghị quyết cho phép TP.HCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thuế, phí, lệ phí; được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn với tài sản trên đất; được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP quản lý...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận