02/06/2018 21:46 GMT+7

Chính sách châu Á và Biển Đông của Mỹ có gì mới sau một năm?

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Nếu như năm ngoái thông điệp châu Á của Mỹ chủ yếu nhằm trấn an các đồng minh và đối tác trong bối cảnh ưu tiên "nước Mỹ trên hết" thì năm nay chính sách được định hình rõ hơn thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chính sách châu Á và Biển Đông của Mỹ có gì mới sau một năm? - Ảnh 1.

James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2018 - Ảnh: REUTERS

Phát biểu tại phiên thảo luận ngày 2-6 ở Đối thoại Shangri-La, James Mattis nêu rõ: "Năm ngoái, tôi tham dự Shangri-La chủ yếu để lắng nghe. Năm nay, tôi đến đây để trình bày rõ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ".

Không ai nên là bá chủ khu vực

Tại Đối thoại Shangri-La lần 16 năm 2017, ông Mattis khẳng định chính quyền Trump ưu tiên quan hệ với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua ba giải pháp: Củng cố quan hệ đồng minh; Nâng cao năng lực cho các quốc gia trong khu vực để các nước này có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ an ninh cho chính họ; và tăng cường năng lực quân sự của Mỹ trong khu vực bằng cách cam kết duy trì sự hiện diện và năng lực quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Shangri-La lần 17 năm nay, ông Mattis nêu cụ thể hơn các nội hàm của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đó là "tôn trọng chủ quyền và độc lập của mỗi quốc gia, dù cho quốc gia đó lớn hay nhỏ; Tôn trọng quyền tự do hảng hải của tất cả các nước muốn di chuyển trong các vùng biển và không phận quốc tế; Giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không có sự cưỡng ép, tôn trọng thương mại và đầu tư tự do, công bằng, và có qua có lại; Tuân thủ các luật lệ và thông lệ giúp mang lại hòa bình và gia tăng thịnh vượng cho khu vực trong 70 năm qua".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nêu 4 điểm chính của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là:

1. Giúp các đối tác xây dựng năng lực thực thi luật pháp và năng lực hải quân để cải thiện sự giám sát và bảo vệ lãnh hải và những quyền lợi của mình;

2. Sự tương kết quân sự. Mỹ bảo đảm rằng quân đội của nước này có thể dễ dàng hòa nhập với quân đội nước khác, cả phần cứng lẫn phần mềm thông qua việc bán các trang thiết bị quân sự hàng đầu cho các đối tác an ninh;

3. Củng cố pháp quyền, xã hội dân sự và quản trị minh bạch;

4. Ủng hộ phát triển kinh tế do khu vực tư nhân dẫn dắt.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh theo chiến lược này, không một quốc gia nào có thể hoặc nên làm bá chủ khu vực.

Chính sách châu Á và Biển Đông của Mỹ có gì mới sau một năm? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Mattis (giữa) cùng người đồng cấp Nhật Itsunori Onodera (trái) và Úc Marisa Payne trong cuộc gặp tay ba bên lề Đối thoại Shangri-La Dialogue ngày 2-6 - Ảnh: REUTERS

Đối đầu trực diện hơn với Trung Quốc

Tại Shangri-La năm ngoái, Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh Mỹ không thể chấp nhận việc Trung Quốc thực hiện các hành động vi phạm đến lợi ích của cộng đồng quốc tế, làm suy yếu một trật tự khu vực dựa trên các nguyên tắc, một trật tự mang lại lợi ích cho tất cả quốc gia, đặc biệt là của chính Trung Quốc.

Ông Mattis cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ có một số cách tiếp cận mới mẻ với "trật tự khu vực dựa trên các nguyên tắc" cùng với lời trấn an: "Hãy kiên nhẫn với chúng tôi, một khi chúng tôi đã thử hết các phương án thay thế, người Mỹ sẽ chọn điều đúng nhất".

Và có vẻ như tròn một năm sau, Bộ trưởng James Mattis đã chọn ra phương án đúng nhất để kiềm chế Trung Quốc, đó là tăng cường hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ đang bị Trung Quốc chèn ép hay thách thức vai trò của Trung Quốc, lần lượt là Đài Loan và Ấn Độ.

Đối với Đài Loan, Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết kiên định hợp tác với Đài Loan để cung cấp các hàng hóa và dịch vụ quốc phòng cần thiết cho vùng lãnh thổ này duy trì sự tự vệ hiệu quả, đúng với những nghĩa vụ được nêu trong Luật Quan hệ với Đài Loan.

Mỹ cũng đang củng cố quan hệ với các đối tác ở Nam Á, đặc biệt với Ấn Độ, quốc gia mà Washington đánh giá là có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh khu vực và toàn cầu.

"Chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn trái ngược với sự cởi mở mà chiến lược của chúng tôi thúc đẩy, nó gợi ra những câu hỏi về mục tiêu tham vọng hơn của Trung Quốc về quân sự hóa các thực thể nhân tạo ở Biển Đông, bao gồm triển khai tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không, nhiễu âm điện tử, và gần nhất là triển khai máy báy đánh bom đến đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa", ông James Mattis nêu.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng việc Trung Quốc triển khai các hệ thống vũ khí này là để dọa dẫm và cưỡng ép các quốc gia khác và việc tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông trái ngược với thông điệp của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong chuyến thăm Nhà Trắng năm 2015.

Và lần này, nước Mỹ đã có phản ứng cứng rắn hơn với hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc ở Trường Sa bằng cách không mời Hải quân Trung Quốc tham dự tập trận hải quân thường niên tập trận hải quân đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC).

"Như Tổng thống Trump phát biểu ở Đà Nẵng (Tuần lễ cấp cao APEC tháng 11-2017), chúng tôi sẽ không yêu cầu các đối tác của chúng tôi từ bỏ chủ quyền của mình… chúng tôi không hề có mộng bá quyền", ông James Mattis đưa ra thông điệp đầy ẩn ý với Trung Quốc.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp