Quan điểm tổ chức cưới tiết kiệm thay vì tiệc lớn như truyền thống đang là một trong những đề tài được quan tâm nhất trên mạng xã hội ở Trung Quốc.
Nguyên nhân đến từ Hội Liên hiệp phụ nữ toàn quốc Trung Hoa đăng tải bài viết trên mạng kêu gọi giới trẻ tổ chức đám cưới tiết kiệm hơn.
Bài viết của Hội Liên hiệp phụ nữ toàn quốc Trung Hoa xuất hiện trong danh sách "hot" của công cụ tìm kiếm nội địa Baidu ngày 26-3, trong đó cho biết các cặp đôi cảm thấy kiệt sức vì chi phí và thời gian dành để tổ chức đám cưới lớn.
Hội đề nghị thay đổi, từ bỏ các việc hình thức như thuê xe sang trọng, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hay quà lưu niệm cho khách. Thay vào đó, chỉ cần tổ chức bữa tiệc nhỏ dành cho gia đình và bạn bè thân thiết.
Một cặp đôi được phỏng vấn trong bài viết cho biết họ chỉ chi khoảng 6.000 nhân dân tệ (831 USD) cho đám cưới, thấp hơn đáng kể so với chi phí truyền thống có thể lên tới hơn 200.000 nhân dân tệ (27.700 USD).
Bài viết nhấn mạnh xu hướng đám cưới đơn giản này sẽ góp phần hình thành nếp sống mới tích cực hơn.
"Ở góc độ xã hội, việc tổ chức hoành tráng các sự kiện hạnh phúc là thói quen xấu... Sự lên ngôi của đám cưới tối giản đáp ứng nhu cầu về tiết kiệm và sẽ giúp hình thành nếp sống tốt đẹp", Hãng tin Reuters trích một đoạn trong bài viết của Hội Liên hiệp phụ nữ toàn quốc Trung Hoa.
Trong năm 2023, số đám cưới mới ở Trung Quốc tăng 12,4% so với năm trước đó, đảo ngược xu hướng sụt giảm kéo dài gần một thập kỷ. Một phần nguyên nhân là do nhiều cặp đôi tổ chức đám cưới sau khi đã trì hoãn vì đại dịch COVID-19.
Trung Quốc đang đau đầu vì tình trạng già hóa, khi dân số nước này đã giảm 2 năm gần nhất 2022 và 2023. Cụ thể, dân số nước này giảm 2 triệu người vào năm 2023, do tỉ lệ sinh giảm và tỉ lệ tử vong tăng sau khi dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19.
Ở Trung Quốc, tỉ lệ kết hôn có liên quan chặt chẽ với tỉ lệ sinh. Do đó số đám cưới tăng là một tín hiệu tích cực cho các nhà hoạch định chính sách.
Trong tháng 3, Thủ tướng Lý Cường tuyên bố Bắc Kinh sẽ xây dựng "xã hội khuyến khích sinh đẻ" và thúc đẩy phát triển dân số lâu dài, cân bằng, đồng thời giảm chi phí sinh đẻ, nuôi dạy và giáo dục trẻ.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều cặp đôi trẻ đã trì hoãn kết hôn và sinh con do chi phí cao. Theo một cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc, nước này là một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới để nuôi dạy trẻ em tính theo GDP bình quân đầu người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận