Công tố viên trưởng của ICC, bà Fatou Bensouda, sẽ kết thúc nhiệm vụ vào tháng 6 tới và được thay thế bằng một luật sư người Anh - Ảnh: Liên Hiệp Quốc
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ đưa bà Fatou Bensouda và Phakiso Mochochoko, một quan chức khác của ICC, ra khỏi danh sách đen SDN. Danh sách này gồm những người không được hoan nghênh đến Mỹ và rất đa dạng, từ quan chức chính phủ đến tội phạm quốc tế đều có thể được đưa vào SDN.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng xác nhận Mỹ sẽ dỡ bỏ hạn chế thị thực với tất cả nhân viên ICC. "Những quyết định này phản ánh đánh giá của chúng tôi rằng các biện pháp được áp dụng là không phù hợp và không hiệu quả", ông Blinken lập luận trong thông cáo ngày 2-4 (giờ Mỹ).
Theo Hãng tin Reuters, bà Bensouda bị chính quyền Donald Trump chú ý vì cuộc điều tra liệu các lực lượng Mỹ có phạm tội ác chiến tranh ở Afghanistan hay không. Các lệnh trừng phạt, hạn chế người của ICC được công bố lần lượt vào năm 2019 và tháng 6-2020.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhấn mạnh mặc dù dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, Washington vẫn "không đồng ý mạnh mẽ với các hành động của ICC liên quan đến tình hình Afghanistan và Palestine". Ông Blinken cũng nhấn mạnh Mỹ phản đối các nỗ lực của ICC nhằm "khẳng định quyền xét xử của tòa đối với công dân các nước không phải là thành viên ICC như Mỹ và Israel".
Theo ông Blinken, ICC nên được cải tổ theo hướng "ưu tiên nguồn lực của mình và đạt được sứ mệnh cốt lõi là phục vụ như một tòa án cuối cùng trong việc trừng phạt và ngăn chặn tội ác tàn bạo".
Chính quyền Trump tiền nhiệm đã chỉ trích các cuộc điều tra của ICC, đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với bà Bensouda nhằm hạn chế việc di chuyển, điều tra công dân Mỹ mà không thông báo.
Bà Silvia Fernandez de Gurmendi, người đứng đầu Hiệp hội các quốc gia thành viên ICC, ca ngợi việc chính quyền Biden dỡ bỏ trừng phạt "báo hiệu sự khởi đầu của một giai đoạn mới". Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh động thái là "tin tuyệt vời" với những ai tin vào chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền.
Tòa án hình sự quốc tế được thành lập theo Quy chế Rome và đặt tại The Hague (hay còn gọi là La Haye) của Hà Lan. Số thành viên của ICC luôn dao động và gần đây nhất là 123 nước.
Theo Hãng thông tấn AFP, mặc dù một số chính quyền duy trì và thúc đẩy quan hệ với ICC, Washington vẫn quyết định đứng ngoài Quy chế Rome. Quốc hội Mỹ vào năm 2002 thậm chí đã thông qua luật cho phép lực lượng quân sự giải cứu bất kỳ người Mỹ nào bị tòa án giam giữ.
"Về mặt lý thuyết, luật đó trao cho tổng thống quyền xâm lược đồng minh của Mỹ trong NATO là Hà Lan", AFP nêu quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận