Phóng to |
Chinh phục đỉnh Pu Ta Leng (Lai Châu) - Ảnh: Body Party |
Nhiều cung đường mới được phát hiện, hình thành và chinh phục, đem lại nhiều ấn tượng và sự thỏa mãn cho những người leo núi, đi rừng không chuyên.
“Chúng tôi đã lên đỉnh Pu Ta Leng”
Là người say mê “vùng cao”, Body Party (tên - nickname dân du lịch sử dụng trên các diễn đàn mạng) từng chinh phục Phanxipăng (Lào Cai) nhiều lần theo những cung đường mới và đã đặt chân lên đỉnh Phu Song Sung (Yên Bái) cao xấp xỉ 3.000m. Mới đây nhất, Body cùng với Soi7x và Bazo là những người đầu tiên có mặt trên đỉnh Pu Ta Leng (Lai Châu) cao gần 3.100m, đỉnh núi được coi là nóc nhà thứ hai của Việt Nam.
Ngồi với Body, những câu chuyện kể về đêm trăng sáng ngồi trên mây trắng Tà Xùa (Yên Bái) nhóm lửa và uống rượu cùng đồng đội với những kỷ niệm phiêu diêu, huyền hoặc đã in vào ký ức... như không bao giờ dứt.
Có thể nói khi phong trào đi du lịch bằng xe máy đang trở nên quá phổ biến với các bạn trẻ, thì việc tìm cho mình một đam mê qua những hành trình chinh phục đỉnh cao đã tạo một góc nhìn mới cho dân đi. Các chuyến đi đều mang tính tự túc, tự mở cung và tự tổ chức, người đi sau học kinh nghiệm của người đi trước.
Hiện ở Hà Nội, thỉnh thoảng lại có một nhóm tổ chức leo núi Hàm Lợn (Sóc Sơn, Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Tây Yên Tử (Bắc Giang) vào dịp cuối tuần. Ở miền Trung, một số điểm đến hay được các bạn trẻ lựa chọn như núi Hòn Bà (Nha Trang), Sơn Trà (Đà Nẵng), Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế). Tuy nhiên, ở miền Nam, do điều kiện địa hình không phong phú như miền núi phía Bắc nên không có nhiều “đỉnh cao” để lựa chọn. Tây nguyên có dãy Trường Sơn hùng vĩ nhưng cũng chưa được dân đi khai phá.
Khai phá những đỉnh cao
Do đặc điểm địa hình cũng như phong trào còn non trẻ, các cung leo núi, băng rừng ở miền Trung và miền Nam chưa thật sự hiểm hóc như vùng núi phía Bắc. Công tác tổ chức thực hiện dễ dàng hơn do cung ngắn, độ khó trung bình, thời gian ít. Ngược lại, một vài nhóm có kinh nghiệm ở Hà Nội thường mày mò tổ chức một nhóm đi nhỏ với cung đường hiểm trở, mất nhiều công sức và đôi khi không thành công.
Trước kia, khi phong trào đi tìm “chấm” (*) còn mạnh, việc chinh phục những “chấm” khó ở Hàm Yên (Tuyên Quang), Mường Sai (Sông Mã, Sơn La) hay Khau Cọ (Văn Bàn, Lào Cai) cũng hay cuốn dân đi vào những hành trình leo núi băng rừng không đoán trước được kết quả. Trong năm 2011-2012, đỉnh Pù Luông (Thanh Hóa), đỉnh Phu Song Sung (Yên Bái) và gần đây là đỉnh Pu Ta Leng đã trở thành những đích đến hấp dẫn nhất của dân leo núi đi rừng không chuyên. Đã có nhiều chuyến đi tiền trạm, khám phá và thất bại. Nhóm sau rút kinh nghiệm của nhóm trước, cuối cùng cũng đến lúc tìm ra con đường đến đích cho những người trẻ đam mê khám phá và chinh phục.
Tổ chức leo núi thường phức tạp, phải tìm kiếm bản đồ địa hình tỉ lệ lớn, hiểu biết cách thức đọc bản đồ, phân tích được địa hình và quyết định lộ trình sao cho hợp lý về mặt sức khỏe và thời gian, cũng như phải tính toán được sự hỗ trợ từ cư dân bản địa với chuyến đi. Bản thân sự chuẩn bị cho chuyến đi một cách kỹ lưỡng, những trao đổi mang tính kiến thức được chia sẻ trên nhiều diễn đàn đã mang lại nhiều câu chuyện thú vị, giúp nhiều nhóm đi thành công.
Phóng to |
Cắm cờ Tổ quốc trên đỉnh Pu Ta Leng - Ảnh: Body Party |
Những đỉnh cao châu Á
Nếu những lộ trình chinh phục đỉnh cao ở trong nước mang tính chủ động và độc lập cao, hầu như không do một công ty lữ hành hay hiệp hội nào tổ chức, dân đi muốn leo núi ở ngoài biên giới lại phải tự tìm kiếm thông tin trên mạng và qua kinh nghiệm của những người đi trước để có thể đặt dịch vụ cho một chuyến đi với chi phí hợp lý. Những ngọn núi ở châu Á phù hợp về chi phí và thời gian với dân “bụi” hay được lựa chọn là đỉnh Kinabalu cao nhất Đông Nam Á (Malaysia), núi Phú Sĩ (Nhật Bản), các cung đường ở vùng nóc nhà thế giới Tây Tạng, Nepal, các đỉnh núi lửa Pinatubo, Taal ở Philippines, núi lửa Semeru (đảo Java, Indonesia)...
Đặc điểm của các chuyến đi này là đều có dịch vụ du lịch do người bản địa cung cấp, du khách chỉ cần tìm hiểu kỹ cung đường và giá cả để đảm bảo phù hợp với kế hoạch cá nhân. Do yếu tố kinh tế chi phối nên không có nhiều dân du lịch bụi có cơ hội thực hiện được các chuyến chinh phục đỉnh cao ngoài biên giới kể trên. Tuy nhiên, ngoài đặc điểm tuyệt vời của địa hình với thiên nhiên kỳ vỹ và ấn tượng, việc chinh phục các điểm đến này cũng là những minh chứng sâu sắc về ý chí vượt qua thử thách của con người.
Để được “đi”
Leo núi, băng rừng, chinh phục những đỉnh cao là một hình thức du lịch được yêu thích trên thế giới. Một sở thích lành mạnh, thỏa mãn được đam mê khám phá những khu vực thiên nhiên hoang dã, hấp dẫn và độc đáo. Sau những chuyến đi mà ý chí đóng vai trò cực kỳ quan trọng này, nhiều người đã tìm lại được cho mình nguồn năng lượng dồi dào, tươi mới trong cuộc sống cũng như nhiệt huyết cho nhiều chuyến đi tiếp sau này.
Sau khi đỉnh cao Pu Ta Leng được chinh phục, sẽ có những đỉnh cao khác trong bản đồ Việt Nam được hướng tới như đỉnh Nhĩ Cù San (Bát Xát, Lào Cai), đỉnh Ngọc Linh (dãy Trường Sơn) với đam mê và nhiệt huyết của những người leo núi, băng rừng không chuyên. Đó chính là những hành trình mới, hấp dẫn và nhiều mơ ước, đang thúc gọi những người trẻ lên đường, đơn giản chỉ là để được “đi”.
* Cách gọi tên điểm giao cắt giữa một kinh độ chẵn với một vĩ độ chẵn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận