30/10/2024 10:13 GMT+7

Chính phủ trình luật tiếp tục làm dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT)

Các dự án đầu tư mới theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) đã dừng thực hiện từ ngày Luật PPP có hiệu lực (ngày 1-1-2021) nay được đề nghị thực hiện lại.

Chính phủ trình luật tiếp tục làm dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 30-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự luật là các quy định sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Trong đó Chính phủ đề nghị tiếp tục áp dụng loại hợp đồng đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) thanh toán bằng tiền và bằng quỹ đất.

Đáng nói cùng với đề xuất này, Chính phủ cũng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập khi thực hiện loại hợp đồng này.

Ví dụ tổng mức đầu tư phải được xác định chính xác, tránh nâng khống giá trị công trình; phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư phải được xác định cụ thể, minh bạch ngay từ giai đoạn lập dự án.

Dự luật cũng bổ sung loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán để áp dụng đối với các công trình kết cấu hạ tầng, và cung cấp dịch vụ công do nhà đầu tư tự đề xuất xây dựng và chuyển giao cho Nhà nước mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư xây dựng.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy từ năm 1997 đến nay, quy định về loại hợp đồng BT có nhiều thay đổi, đặc biệt là quy định về hình thức thanh toán cho nhà đầu tư. Cụ thể trước năm 2014, luật cho áp dụng hai hình thức thanh toán bằng tiền và quỹ đất.

Kể từ năm 2014 lại dừng thực hiện hình thức thanh toán bằng tiền. Đến năm 2018, hình thức thanh toán bằng quỹ đất theo cơ chế ngang giá đã được luật hóa. Tuy nhiên đến năm 2021, dừng áp dụng hợp đồng BT với dự án mới.

Theo Chính phủ, việc dừng dự án BT theo Luật PPP xuất phát từ những bất cập của việc thực hiện loại hợp đồng này. Cụ thể một số dự án không có mục tiêu đầu tư phù hợp, không cần thiết; giá trị công trình BT được xác định không chính xác, đa số dự án có suất đầu tư cao hơn so với dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Ngoài ra, việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức chỉ định thầu không cạnh tranh; việc giám sát bị xem nhẹ dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo...

Dù còn nhiều bất cập nhưng theo đánh giá của bộ ngành, địa phương, các dự án BT thực hiện thời gian trước khi Luật PPP có hiệu lực vẫn có đóng góp nhất định trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại các địa phương.

Hình thức này giúp huy động được nguồn lực của khu vực tư nhân, giúp giảm áp lực về vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, các dự án đối ứng được thanh toán đầu tư cũng góp phần đáng kể cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng về nhà ở, dịch vụ, hình thành các đô thị mới, khu dân cư mới...

"Do vậy mô hình này được nghiên cứu kỹ lưỡng để đổi mới toàn diện, khắc phục tối đa những bất cập của giai đoạn trước thì vẫn có thể phát huy được hiệu quả. Hiện Quốc hội đã cho 3 địa phương là TP.HCM, Hà Nội, Nghệ An được thí điểm loại hợp đồng BT", báo cáo nêu.

Chính phủ nhận định: "Trong bối cảnh việc huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách ngày càng khó khăn và nhu cầu đầu tư cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tăng mạnh, cần xem xét tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT theo hướng đổi mới, hoàn thiện cơ chế thực hiện".

Chưa đủ cơ sở để luật hóa loại hợp đồng BT

Trình bày báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết Quốc hội đã cho thí điểm loại hợp đồng BT tại một số địa phương, nhưng quy định về triển khai dự án mới theo hợp đồng BT tại Luật Thủ đô và các nghị quyết thí điểm có các nội dung khác nhau.

Các quy định này đang mới được thí điểm, chưa được tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, chưa đủ thời gian kiểm nghiệm trên thực tế.

Bên cạnh đó, nội dung quy định về loại hợp đồng BT tại dự thảo luật đang có sự khác biệt so với quy định tại Luật Thủ đô và các nghị quyết thí điểm.

Đồng thời quy định tại dự thảo luật hiện tại vẫn chưa giải quyết được các vấn đề đặt ra khi dừng thực hiện loại hợp đồng BT trong thời gian qua.

Trong đó có việc áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền chưa rõ hiệu quả so với hình thức đầu tư công, khi bản chất của loại hợp đồng này là vay tiền để thực hiện dự án.

Quy định về áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất trong dự thảo luật chưa làm rõ cách thức xử lý giá trị chênh lệch giữa giá trị công trình và giá trị quỹ đất được dùng để thanh toán.

Ủy ban Kinh tế cho rằng chưa đủ cơ sở để luật hóa các quy định về cơ chế, trình tự, thủ tục của loại hợp đồng BT tại dự thảo luật.

Để bảo đảm tính khả thi của quy định về loại hợp đồng BT, ủy ban này đề nghị quy định theo hướng giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết đối với cơ chế, trình tự, thủ tục của loại hợp đồng BT.

Việc thực hiện phải theo nguyên tắc đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập, hạn chế trong việc thực hiện, phát huy lợi thế của loại hợp đồng BT, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Trình Quốc hội xem xét luật tiếp tục cho thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao (BT) - Ảnh 1.Hà Nội dừng triển khai 82 dự án BT, chuyển sang đầu tư công với dự án cấp bách

TTO - Sở Kế hoạch - đầu tư TP Hà Nội đã ra thông báo gửi tới hàng chục chủ đầu tư của 82 dự án BT (xây dựng - chuyển giao) yêu cầu dừng triển khai, trong đó có dự án đang chờ ký hợp đồng, có dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp