29/07/2021 07:57 GMT+7

Chính phủ thêm nhiều quyền để chống dịch trong tình trạng khẩn cấp

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Chính phủ được áp dụng các biện pháp khác trong tình trạng khẩn cấp và quyết định các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để chống dịch COVID-19.

Chính phủ thêm nhiều quyền để chống dịch trong tình trạng khẩn cấp - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV - Ảnh: TTXVN

Với đa số đại biểu nhất trí trong phiên họp ngày 28-7, nghị quyết kỳ họp thứ nhất (Quốc hội khóa XV) đã chính thức thông qua với nhiều nội dung. 

Đặc biệt trong đó là việc thông qua một số giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19 để sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái "bình thường mới".

Được quyết định các biện pháp chưa có trong luật

Theo đó, Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đã thực hiện, quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách.

Đó là, quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng chống dịch COVID-19. 

Đơn cử như việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh và có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.

Các biện pháp trên được Quốc hội nhất trí cho Chính phủ thực hiện đến hết ngày 31-12-2022 và phải báo cáo Quốc hội về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt này tại kỳ họp gần nhất.

Có chính sách miễn thuế cho doanh nghiệp

Cũng trong nghị quyết phiên họp, Quốc hội thống nhất quyết định chuyển 1.237 tỉ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc xin; ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng chống dịch COVID-19. 

Quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt, nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Trong trường hợp cấp thiết, ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương đảm bảo thực hiện công tác này.

Song song với đó, Quốc hội yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động; nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19... 

Thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng dịch; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển "quỹ vắc xin"; truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng và phòng chống dịch, sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Ngoài ra, nghị quyết cũng nêu rõ, thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng chống dịch.

Tập trung nguồn lực cải cách tiền lương

sanbay_longthanh

Khu vực được quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Với nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua, cũng nhất trí tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2022. Không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư xây dựng cơ bản và các mục đích khác. Số tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm ưu tiên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo nghị quyết trung ương 7 (khóa XII).

Trong khi đó, nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua cũng đã phê duyệt tổng mức vốn đầu tư công trung hạn là 2,87 triệu tỉ đồng, với định hướng đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, sớm hoàn thành đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả thực tế...

Đáng chú ý, nghị quyết yêu cầu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đáp ứng yêu cầu về tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông (giai đoạn 1); khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP.HCM, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc; tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía đông giai đoạn 2021 - 2025.

Quốc hội phê duyệt hơn 3 triệu tỉ đồng vay nợ trong 5 năm tới Quốc hội phê duyệt hơn 3 triệu tỉ đồng vay nợ trong 5 năm tới

TTO - Với tổng mức vay trong 5 năm tới là 3,068 triệu tỉ đồng, Quốc hội đề nghị để đảm bảo an toàn nợ công phải thường xuyên đánh giá các tác động của vay vốn, có giải pháp kiểm soát đặc biệt quản lý nợ công.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp