Tuyên bố của Phuea Thai được đưa ra hôm qua trong bối cảnh hàng chục ngàn người ở Bangkok và các tỉnh cùng nhiều trường đại học, các đoàn thể, doanh nghiệp xuống đường biểu tình phản đối mạnh mẽ dự luật này trong những ngày qua.
Trước đó hôm 5-11, báo Bangkok Post cho biết Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã tìm cách xoa dịu dư luận và người biểu tình khi phát biểu rằng các thượng nghị sĩ có thể thoải mái quyết định số phận của dự luật. Bà cũng nói chính phủ sẽ không lợi dụng thế đa số tại hạ viện để làm điều gì đi ngược lại dư luận.
Chủ tịch thượng viện Nikim Wairatpanich hôm 5-11 cùng một số thượng nghị sĩ đã lên tiếng tuyên bố rằng thượng viện sẽ không thông qua dự luật.
Tuy nhiên, hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ đối lập, cựu phó thủ tướng Suthep Thaugsuban lại đặt câu hỏi về việc ông Nikom dựa vào đâu để đại diện cho các thượng nghị sĩ khác khi đảm bảo rằng thượng viện sẽ bác dự luật. Ông Suthep, người đang dẫn dắt cuộc biểu tình ở Bangkok, nói không thể tin ông Nikom cho đến khi thượng viện biểu quyết về dự luật.
Ủy ban chống tham nhũng quốc gia hôm 5-11 cũng nói dự luật ân xá nếu có hiệu lực sẽ làm ảnh hưởng tới 25.331 vụ tham nhũng mà cơ quan này đang điều tra, trong số này 666 vụ được nói là có căn cứ.
Trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Facebook, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra nói ông tôn trọng ý kiến của dư luận nhưng bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào ông và gia đình.
Bộ Ngoại giao Thái Lan hôm qua cũng cho biết có ít nhất chín quốc gia/vùng lãnh thổ đã phát cảnh báo đi lại đến Thái Lan do tình hình chính trị hiện tại, trong đó có Canada, Brazil, Israel, Nhật Bản, Anh, Pháp, Áo, Thụy Điển, Đài Loan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận