Ngày 30-5, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu xây dựng nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Văn bản do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn ký, ban hành nêu rõ tại văn bản trước đó của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Công an và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy.
Dự thảo được yêu cầu trình Chính phủ trước ngày 31-5-2023. Do đó, Văn phòng Chính phủ đề nghị bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo cơ quan chức năng quyết liệt triển khai thực hiện, trình Chính phủ đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng văn bản.
Gỡ vướng về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật
Trước đó, từ giữa tháng 5, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.
Phó thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan, trên cơ sở kết quả rà soát các vướng mắc từ thực tiễn, xây dựng nghị quyết.
Đặc biệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, đối với hoạt động đầu tư xây dựng. Cơ chế xây dựng dựa trên từng đối tượng, loại hình cơ sở hiện hữu có tồn tại, vướng mắc, với nguyên tắc “bảo đảm yêu cầu an toàn phòng cháy, chữa cháy, không hợp thức hóa sai phạm”.
Nghiên cứu rà soát, sửa đổi quy chuẩn QCVN 06:2022 của Bộ Xây dựng về an toàn cháy cho nhà và công trình. Mục tiêu nhằm phù hợp với mục đích, loại hình, công năng của công trình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công nghệ; vừa phải đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất, vừa không gây lãng phí nguồn lực xã hội và có tính khả thi.
Trong đó lưu ý, các quy chuẩn đặc thù đối với nhóm loại hình nhà ở, sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao về cháy, nổ, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản như kinh doanh gas, các mặt hàng, vật liệu dễ cháy, dịch vụ karaoke, vũ trường, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị…; quy chuẩn đối với các loại hình không có nguy cơ cao, môi trường cháy, vật liệu cháy…
Các quy chuẩn cần được lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động để ban hành trước ngày 30-6.
Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan đề xuất sửa đổi Luật Phòng cháy, chữa cháy, nghị định số 136 và các quy định pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý đồng bộ. Tăng cường phân cấp, thẩm duyệt, cấp phép theo hướng phân định rõ trách nhiệm. Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động tư vấn kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy…
Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức đối với nhà và công trình để đưa vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành về xây dựng, kiến trúc và các chuyên ngành cần thiết khác.
Bộ Thông tin và Truyền thông tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tập huấn, phổ biến, hướng dẫn việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; kịp thời nắm bắt, đối thoại với người dân và doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định về phòng cháy, chữa cháy để hướng dẫn giải pháp tháo gỡ, khắc phục.
Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phân loại cụ thể từng nhóm các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao báo cáo Thủ tướng.
Danh mục này phải thông báo cho chủ tịch UBND các tỉnh, chỉ đạo khắc phục và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, hoàn thành trong tháng 6-2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận