Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer tại cuộc họp ngày 22-1 - Ảnh: REUTERS
Phát biểu trước Thượng viện khi bắt đầu cuộc họp, Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết ông đã đạt được thỏa thuận với các lãnh đạo phe Cộng hòa để thông qua kế hoạch ngân sách tạm thời để chính phủ, vốn đóng cửa từ 0h ngày 20-1, hoạt động trở lại tạm thời trong ba tuần.
"Chúng tôi sẽ biểu quyết hôm nay để mở cửa lại chính phủ", ông Schumer phát biểu trước khi các nhà lập pháp bắt đầu bỏ phiếu.
Kết quả, các thượng nghị sĩ hai đảng đã bỏ 81 phiếu thuật và 18 phiếu chống để kết thúc tranh luận về dự luật ngân sách có thời hạn ba tuần này.
Cuộc biểu quyết này chỉ là để giải quyết bất đồng lưỡng đảng về dự luật ngân sách nói trên. Bước tiếp theo là Thượng viện sẽ chính thức thông qua và chuyển dự luật sang Hạ viện. Báo Washington Post cho biết Hạ viện dự kiến sẽ biểu quyết, và gần như chắc chắn thông qua, dự luật ngay trong ngày 22-1 (giờ Mỹ), đồng nghĩa chính phủ sẽ mở cửa lại chỉ sau ba ngày.
Bất đồng lưỡng đảng về chương trình bảo vệ Dreamer (DACA) - chỉ những người nhập cư vào nước Mỹ khi còn nhỏ, chính là lý do khiến cuộc bỏ phiếu lẽ ra được tiến hành lúc 1h sáng thứ hai đã bị hoãn đến trưa.
Đảng Dân chủ nhấn mạnh bất kỳ dự luật ngân sách tạm thời nào để mở cửa lại chính phủ cũng phải bao gồm các biện pháp bảo vệ các "dreamer", trong khi phe Cộng hòa đáp trả họ sẽ không đàm phán vấn đề nhập cư cho đến khi phe Dân chủ tham gia đủ số phiếu để mở cửa lại chính phủ.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jeff Flake trả lời phỏng vấn tại cuộc họp ngày 22-1. Ảnh: REUTERS
Kết quả thỏa thuận được cho thấy hai bên đã chịu thỏa hiệp, đúng như "cành ôliu" mà Thủ lĩnh phe đa số ở Thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ Mitch McConnell đã chìa cho phe Dân chủ trước đó. Ông McConnell đã cam kết sẽ mang dự luật nhập cư ra thảo luận tại Thượng viện vào đầu tháng 2, để đổi lấy phiếu biểu quyết từ đảng này nhằm thông qua ngân sách.
Buổi bỏ phiếu diễn ra khi hàng trăm ngàn công chức liên bang thức dậy và bắt đầu ngày đầu tuần khi chính phủ vẫn còn đóng cửa. CNN cho biết hệ quả của việc chính phủ tê liệt không dễ nhìn thấy rõ vào những ngày đầu tiên, trùng với dịp cuối tuần, khi đa số các công chức vốn dĩ cũng không phải đến sở làm.
Ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ mất 6,5 tỉ USD nếu chính phủ đóng cửa một tuần. Hàng trăm ngàn công chức sẽ phải nghỉ việc không lương, các bảo tàng và công viên quốc gia sẽ đóng cửa.
Các nhân viên an ninh, quân nhân tại ngũ vẫn sẽ phải làm việc không lương trong thời gian chính phủ đóng cửa.
Đây là lần thứ 4 trong vòng 25 năm chính phủ Mỹ phải đóng cửa và là lần đầu tiên việc này xảy ra khi một đảng (trong trường hợp này là Đảng Cộng hòa) nắm cả lưỡng viện tại Quốc hội và Nhà Trắng.
Công chức xếp hàng vào Văn phòng Thượng viện Dirksen trong ngày thứ 3 chính phủ Mỹ đóng cửa - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận