Nợ của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đã vượt qua 100.000 tỉ đồng. Trong ảnh: Công ty Gang thép Cao Bằng - một thành viên lỗ lã của TKV - Ảnh: Đ.Trọng |
Theo ông Đinh Tiến Dũng, nợ công tăng nhanh trước hết là do mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn vừa rồi không đạt được, trong khi chúng ta vẫn phải đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
“Nợ công tăng cao là đúng rồi”
“Chúng ta luôn để mức bội chi rất cao, trong giai đoạn 2011-2015 tổng vay nợ khoảng 1,4 triệu tỉ đồng. Bội chi như vậy thì nợ công tăng cao là đúng rồi.
Hơn nữa, huy động vốn thời hạn vay rất ngắn, lãi suất cao, có những khoản lãi suất tới 11-13%/năm, chúng tôi vừa phải cơ cấu lại các khoản nợ để đảm bảo an toàn” - ông Dũng giải thích khi nhận được câu hỏi tại sao nợ công tăng nhanh của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo ông Dũng, giải ngân ODA năm nào cũng vượt mức kế hoạch, phân bổ chỉ có 17.000-18.000 tỉ mà giải ngân 50.000-60.000 tỉ đồng nên nợ công tăng cao là điều khó tránh khỏi.
“Nguyên tắc sửa đổi luật này là: chi tiêu phải trong khả năng trả nợ, khả năng của nền kinh tế, chứ làm ra có thế mà chi tiêu như thế thì chỉ có chết. Dự báo (tăng trưởng kinh tế) suốt mấy năm nay đều sai, mà sai theo chiều hướng đi xuống chứ không phải đi lên. Năm 2016 dự báo giá trị thực tế GDP là 5,1 triệu tỉ đồng, nhưng thực hiện chỉ được 4,6 triệu tỉ đồng” - ông Dũng cho biết thêm.
Ông Võ Trọng Việt, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh, cho rằng để tình trạng nợ công tăng nhanh như vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về Ban Chấp hành trung ương vì đây là cơ quan quyết định đầu tiên, sau đó đến Quốc hội, Chính phủ.
“Để tình trạng kỷ luật, kỷ cương ngân sách thiếu nghiêm minh là do tình trạng lách luật, nể nang nhau. Lách luật ở ta đã thành phong trào rồi. Kinh nghiệm cho thấy luật nào cũng lách được hết. Cho nên phải làm luật này cho cẩn thận, kín kẽ” - ông Việt đề nghị.
Bình luận về giới hạn trần nợ công 65% GDP, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng: “Quốc hội cho phép giới hạn trần nợ công 65% GDP thì tôi thấy đất nước rất ổn định. Chúng ta vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.
Tôi cho rằng cũng nên quy định mềm hơn, chứ không nên quy định cứng quá. Ví dụ chúng ta thấy cần đầu tư hệ thống đường sắt, coi đó là vấn đề bức xúc, cần phải đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giảm tai nạn giao thông thì phải mở thêm nợ công khoảng 2% GDP để đầu tư đường sắt.
Tôi nghĩ tư duy như vậy mới là đột phá”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu về Luật nợ công tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV - Ảnh: TTXVN |
“Không chuyển nợ doanh nghiệp thành nợ nhà nước”
GS.TS Phan Thanh Bình, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, cho rằng nếu quy định doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đi vay không phải là nợ công thì cần phải lý giải kỹ, đồng thời đặt vấn đề “Vinashin, Vinalines khi phá sản thì ai trả nợ, chắc là Chính phủ trả đấy chứ? Chúng ta phải định nghĩa rõ khu vực công”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải, dù thống nhất không đưa nợ tự vay tự trả của DNNN vào phạm vi nợ công, nhưng có ý kiến lo ngại rằng “nếu không trả được nợ nước ngoài của DNNN có thể ảnh hưởng hệ số tín nhiệm của quốc gia và trên thực tế đã có trường hợp Nhà nước phải trả nợ thay”.
Do đó theo ông Hải, cần nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm tăng cường quản lý, giảm thiểu rủi ro đối với khoản nợ này.
Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết cũng có những trường hợp Chính phủ buộc phải xử lý. Chẳng hạn DNNN nợ nước ngoài, khi con tàu đến cảng người ta giữ lại và yêu cầu Chính phủ phải trả nợ, Chính phủ không thể bỏ mặc được.
Tuy nhiên theo ông Đinh Tiến Dũng, các khoản Chính phủ vay rồi về cho vay lại hoặc Chính phủ bảo lãnh mới tính vào nợ công, còn DNNN tự vay tự trả.
“Nếu vay không trả được thì làm thủ tục cho phá sản. Không có chuyện chuyển nợ DNNN thành nợ nhà nước. Chúng tôi khảo sát 40 nước, hầu hết đều không tính nợ DNNN vào nợ công” - ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, với quy định tại dự thảo, DN sẽ rất khó khăn, nhất là trong việc vay vốn, bởi ngân hàng sẽ xem xét rất thận trọng.
“Trước đây chúng ta làm luật cũng biết hết chứ không phải không biết, nhưng trong giai đoạn này buộc phải quy định như vậy. Ai cũng biết đường đi là phải như thế, nhưng cũng phải tính toán lộ trình thế nào” - ông Giàu gợi ý.
Phải có biện pháp chế tài sai phạm trong quản lý vốn vay Liên quan đến quy định đầu mối quản lý nợ công là Bộ Tài chính như trong dự án luật, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng “Bộ Tài chính chỉ là người cộng sổ”, bởi nhiều nơi có quyền vay nợ theo quy định phân cấp phân quyền. “Một nhà nhưng lại có nhiều cửa đi vay, rồi lại chỉ có một cửa trả nợ, chúng ta cần phải tính lại” - ông Hiển nói, đồng thời đề nghị cần nghiên cứu để quy định cụ thể, rõ ràng thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc vay nợ và quản lý nợ công. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách cũng phát hiện “dự thảo luật quy định nhiều nội dung mới liên quan đến quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ song chưa có quy định trách nhiệm, chế tài, biện pháp xử lý đối với các cá nhân liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng vốn vay khi xảy ra sai phạm, vay lại khi không có khả năng trả nợ”. Dự án luật sẽ được trình Quốc hội thảo luận lần đầu vào kỳ họp giữa năm 2017. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận