Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 13-9, bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã thay mặt Chính phủ trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo ông Long, dự thảo luật giao nhiệm vụ chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết sẽ giúp khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết thời gian qua.
Cụ thể, quy trình mới này sẽ "bảo đảm tính liên tục, thống nhất trong quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết từ khi nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất chính sách, soạn thảo, trình đến giai đoạn chỉnh lý dự thảo.
Từ đó sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc tiếp thu hoặc giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội trong quá trình chỉnh lý dự thảo; bảo đảm sự phù hợp giữa nội dung của dự thảo với các chính sách đã được thông qua".
Việc để cơ quan, đơn vị, cá nhân trình dự án luật được theo đến cùng cũng sẽ "tăng tính chủ động và trách nhiệm đến cùng của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết".
"Đồng thời, sẽ đề cao sự phản biện nhằm góp phần bảo đảm tính khách quan, độc lập của hoạt động thẩm tra" - bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Chính phủ cũng đề nghị quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn là cơ quan trực tiếp chỉ đạo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị bộ trưởng Long cho biết kinh nghiệm của nước ngoài đối với việc quy định quy trình, thủ tục trình dự án luật, họ giống và khác Việt Nam như thế nào.
"Cơ quan trình dự luật có bảo vệ dự án đến lúc trình Quốc hội thông qua không, hay là vẫn làm như chúng ta là giao cho cơ quan thẩm tra chủ trì chỉnh lý, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình để Quốc hội thông qua?" - bà Nga hỏi.
Theo phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh, đề nghị của Chính phủ lần này thực chất là "quay lại cái cũ".
Ông Hiển cho biết cách đây 17 năm trở về trước, "đường đi" của một dự án luật giống như quy định Chính phủ đang đề nghị.
"Thời điểm đó chúng ta cũng đổi vai, từ việc cơ quan soạn thảo đi đến cùng, tức là chịu trách nhiệm trình dự án luật đến khâu Quốc hội thông qua, sau này chuyển sang giao cơ quan thẩm tra chỉnh lý, sau đó Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình lên Quốc hội. Vậy quá trình này có vướng mắc gì không? Bởi trước đây để cơ quan soạn thảo trình thì có lo ngại là chỉ trình nội dung có lợi cho mình, vì lợi ích cục bộ của ngành, của bộ, của lĩnh vực mình quản lý" - ông Hiển băn khoăn.
Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận trên thế giới các cơ quan trình vẫn thường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự luật khi trình ra Quốc hội.
"Đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa uỷ ban chuyên môn được Quốc hội giao xem xét dự án luật đó với cơ quan trình luật. Quy định này hiện đang được Canada áp dụng" - ông Long nêu ví dụ.
Viện dẫn tình trạng "có những dự thảo luật trước đây sau khi Quốc hội thông qua phải tiến hành sửa đổi, bổ sung trong thời gian ngắn có nguyên nhân từ việc cơ quan trình dự án ỷ lại cho cơ quan thẩm tra dự án luật đó", ông Long cho rằng đây là một trong các nguyên nhân để Chính phủ đề nghị thay đổi quy trình.
Không nghĩ như vậy, phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng trong 17 năm qua, nhiều ý kiến nêu chất lượng dự án luật không được cơ quan trình, cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ, đặc biệt là tình trạng "cài cắm chính sách" vào dự luật, chứ ít khi nói rằng lỗi của cơ quan thẩm tra. Còn nếu một số dự luật chất lượng chưa cao thì phải xem lại toàn bộ quy trình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đây không phải lần đầu tiên Chính phủ đề nghị quy trình như vậy. Cách đây mấy năm, khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ cũng đã nêu đề xuất này nhưng không nhận được sự đồng tình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Bà cho rằng quy trình xây dựng luật phản ánh nguyên tắc tổ chức Nhà nước, trong đó có vai trò lập pháp của Quốc hội đã được Hiến pháp quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận