05/03/2004 05:12 GMT+7

Chính phủ báo cáo chất lượng giáo dục vào kỳ họp cuối năm

ĐÀ TRANG
ĐÀ TRANG

TT - Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Trần Thị Tâm Đan cho biết: ủy ban đã họp toàn thể để bàn vấn đề mà đại biểu Dũng đã nêu. Các ý kiến đều khẳng định việc đại biểu QH quan tâm tới chất lượng giáo dục là hoàn toàn chính đáng và đó cũng là mối quan tâm của nhiều cử tri.

DUgaJgtz.jpgPhóng to
HS lớp 10 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM học chương trình thí điểm phân ban mới. Chương trình này dự kiến triển khai đại trà vào năm học sau, nhưng nay phải lùi lại đến năm học 2006-2007 vì theo Bộ GD-ĐT là do "chuẩn bị chưa chu đáo" - Ảnh: T.T.D.
TT - Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Trần Thị Tâm Đan cho biết: ủy ban đã họp toàn thể để bàn vấn đề mà đại biểu Dũng đã nêu. Các ý kiến đều khẳng định việc đại biểu QH quan tâm tới chất lượng giáo dục là hoàn toàn chính đáng và đó cũng là mối quan tâm của nhiều cử tri.

“Tuy nhiên đánh giá chất lượng giáo dục là một vấn đề quá lớn, phải có nhiều thời gian xem xét thực tiễn, tổng hợp, phân tích từ nhiều góc độ, ở các cấp học và lấy ý kiến của nhiều đối tượng (các nhà giáo, nhà khoa học, phụ huynh học sinh và xã hội...)”- bà Tâm Đan nói.

“Tôi đồng tình với ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là chưa nên thành lập Ủy ban lâm thời điều tra chất lượng giáo dục. Đánh giá chất lượng giáo dục đúng là khó thật nhưng không có nghĩa không thể làm được.

Trước mắt trong kỳ họp cuối năm, Chính phủ cần báo cáo QH những đánh giá bước đầu về chất lượng giáo dục hiện nay” - Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu bày tỏ thái độ. Liền đó ông lưu ý luôn: việc này tập thể Chính phủ phải bàn chứ không “khoán trắng” cho một mình Bộ GD- ĐT, vì nếu vậy chất lượng (báo cáo) sẽ thấp.

Cũng đề nghị “làm luôn vào cuối năm”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - ngân sách Nguyễn Đức Kiên cho rằng nên bố trí hẳn hai ngày dành cho việc giám sát của QH tại nghị trường: nửa ngày nghe Chính phủ giải trình và Ủy ban Văn hóa- giáo dục-thanh niên, thiếu niên và nhi đồng thẩm tra; một ngày rưỡi để QH thảo luận. “Nếu cần QH có thể quyết nghị những vấn đề liên quan”- một thành viên Ủy ban thường vụ QH lên tiếng.

Lãnh đạo bộ không được để ngoài tai mọi chuyện

Xin “không nhắc lại” những tiêu cực, yếu kém đã “khá đậm nét” trong ngành giáo dục, trưởng Ban dân nguyện của QH Lê Quang Bình dẫn một hình ảnh ví von trên báo chí mà ông tâm đắc: nền giáo dục của ta như một cái nhà cũ kỹ. Cải cách thì làm theo kiểu hỏng cái cửa - sửa cái cửa nhưng cái cửa mới lại không phù hợp với ngôi nhà cũ.

Tán thành cách đặt vấn đề của đại biểu Nguyễn Đức Dũng, ông Bình kể: Tôi nhớ sau phiên chất vấn có người nhận xét “Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển trả lời đại biểu QH mà cứ như cấp trên nói với cán bộ cấp dưới”. Tôi cũng nhớ mình ký không ít công văn chuyển đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và đề nghị các cơ quan, bộ, ngành xem xét giải quyết, trả lời nhưng chỉ duy nhất Bộ GD-ĐT là không thấy hồi âm.

Thậm chí tôi viết cả thư riêng, rất tình cảm cho bộ trưởng song cả ba lần đều bặt tăm”. “Điều quan trọng bây giờ là lãnh đạo Bộ GD-ĐT phải chuyển biến trong tác phong, thái độ cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp của dư luận, không được để ngoài tai mọi chuyện”-ủy viên Ủy ban thường vụ QH Lê Quang Bình thẳng thắn.

Trở lại kỳ họp thứ tư của QH hồi cuối năm ngoái, phần chất vấn và trả lời chất vấn giữa đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kontum) và Bộ trưởng Bộ Giáo dục & đào tạo Nguyễn Minh Hiển đã chiếm được sự quan tâm đặc biệt của cử tri, báo giới.

Phản ứng thái độ và lời lẽ của người đứng đầu ngành giáo dục, đại biểu Nguyễn Đức Dũng sau đó đã gửi thư “khẩn thiết đề nghị Ủy ban thường vụ QH thực hiện theo qui định của Luật hoạt động giám sát trình QH quyết định thành lập ủy ban lâm thời để điều tra hai vấn đề: chất lượng giáo dục và cải cách giáo dục”.

Còn ý kiến “người trong cuộc” ra sao? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng thừa nhận cho đến nay vẫn chưa thống nhất tiêu chí, phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục. Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đã giao Viện Chiến lược và chương trình giáo dục xác định tiêu chí và phương pháp này. Ông Vọng “thanh minh”: có ý kiến nói bộ khăng khăng “chất lượng giáo dục không thấp” nhưng trên thực tế bộ đã từng nhìn nhận ba hạn chế, yếu kém của nền giáo dục hiện nay: học mà chưa hiểu (học vẹt); học chưa đi đôi với hành và học mà chưa sáng tạo.

“Để Chính phủ báo cáo QH một cách sâu sắc hơn, xin Thường vụ QH cho lùi thời gian báo cáo đến kỳ họp đầu năm sau bởi hai kỳ tới chúng tôi tập trung cao độ sửa Luật giáo dục”-Thứ trưởng Vọng “năn nỉ”.

Thế nhưng Chủ tịch QH Nguyễn Văn An nói ngay: càng để lâu càng không nên. Tinh thần phải như việc học: mai trả bài thì đêm nay phải làm xong (việc hôm nay chớ để ngày mai-PV). Nếu báo cáo chất lượng giáo dục trình QH đúng dịp thông qua Luật giáo dục vào kỳ họp cuối năm nay, tính đồng bộ sẽ càng cao. “Thay vì con đường thong dong, nhàn hạ, chúng ta chọn con đường ngắn hơn, vất vả hơn để nhắm tới đích: phát triển số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục”- Chủ tịch Nguyễn Văn An “chốt”.

Lùi tiến độ triển khai đại trà chương trình THPT lại hai năm

Cũng phiên họp chiều qua, Ủy ban thường vụ QH đã thảo luận nghị quyết điều chỉnh tiến độ triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa THPT. “Tính đến ngày 3-3 đã có 55 đoàn đại biểu QH gửi bản tổng hợp ý kiến về Ủy ban thường vụ QH, trong đó tuyệt đại đa số đại biểu tán thành ủy quyền cho Ủy ban thường vụ QH ra nghị quyết chấp thuận đề nghị của Chính phủ” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Trần Thị Tâm Đan cho biết.

Cuối cùng Ủy ban thường vụ QH đã biểu quyết: tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh thời gian triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa THPT chậm lại hai năm so với tiến độ qui định tại nghị quyết 40/2000/QH10 của QH và sẽ thực hiện việc thay sách giáo khoa mới lớp 10 bắt đầu từ năm học 2006-2007, hoàn thành vào năm học 2008-2009 để tất cả các lớp học phổ thông đều thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Ủy ban thường vụ QH yêu cầu Chính phủ chỉ đạo kịp thời việc đánh giá, rút kinh nghiệm về kết quả, tiến độ thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa đối với các lớp 1, 2 và 6, 7; kết quả thí điểm chương trình, sách giáo khoa lớp 10...

ĐÀ TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp