Cảnh trong vở Nửa đời ngơ ngác của sân khấu Hoàng Thái Thanh - Ảnh: GIA TIẾN
Sân khấu Hoàng Thái Thanh mỗi năm chỉ còn diễn 2 mùa. Mùa Tết kéo dài từ 3 đến 5 tháng, diễn 1- 2 vở. Và mùa kịch giữa năm kéo dài từ 2 đến 3 tháng, diễn 1 vở. Nghệ sĩ Ái Như cho biết thêm nếu có đơn vị, trường học hợp đồng suất diễn thì sân khấu vẫn sẽ diễn phục vụ.
Dấu ấn của một sân khấu và những ngậm ngùi
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nghệ sĩ Ái Như nhiều lần xúc động, nghẹn lời. Chị thổ lộ qua 12 năm hình thành và hoạt động, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã cố gắng hết sức mình.
Với tình hình sân khấu đang bị tác động nặng nề bởi sự cạnh tranh của quá nhiều loại hình giải trí hấp dẫn trên mạng, hoạt động biểu diễn ngày càng khó khăn.
Một suất diễn thường phải trên 100 vé mới có thể cầm cự nổi, là cầm cự chứ chưa đủ chi, nhưng đã lâu lắm rồi sân khấu phải diễn trong tình trạng có những suất chỉ từ 50 vé trở lên.
Diễn viên thì khi nào sáng đèn mới có lương, nhưng sân khấu phải chu toàn cho hơn 20 nhân sự cứng, rồi đủ thứ chi phí... Gồng gánh mãi đến cái ngưỡng mà họ biết là không thể chịu nổi.
"Nhưng điều khiến tôi và anh Thành Hội nặng nề, ám ảnh trước cả tài chính là khó khăn về kịch bản. Tìm ra kịch bản hay khó kinh khủng, mà chuyện đó là hiện trạng mấy chục năm nay rồi. Nhiều khi tìm được kịch bản hay làm cho mình hứng khởi và mở ra được hướng sáng tạo sẽ khiến mình vui, quên đi được gánh nặng tài chánh. Nhiều thứ cứ đổ dồn vô tạo sự bế tắc, nặng nề" - Ái Như nói.
Cảnh trong vở Bông hồng cài áo - Ảnh: GIA TIẾN
Việc Hoàng Thái Thanh thay đổi phương thức biểu diễn không chỉ đơn giản là một sự thay đổi thông thường, mà khiến người ta phải ngậm ngùi, và một lần nữa gióng lên tiếng chuông báo động về sức sống của sân khấu xã hội hóa - một nét đẹp văn hóa mấy chục năm nay của TP.HCM.
Trong 12 năm hiện diện trong làng sân khấu, Hoàng Thái Thanh ghi dấu ấn đẹp với một thái độ làm nghề nghiêm túc, chỉn chu.
Hơn 50 vở diễn được dựng và quá nửa số đó được người làm nghề và công chúng khen ngợi. Âm thầm, lặng lẽ, Hoàng Thái Thanh với hai nhạc trưởng là NSƯT Thành Hội và Ái Như cùng các nghệ sĩ tâm huyết của mình đã tạo nên thương hiệu Hoàng Thái Thanh với những vở diễn hướng tới những tiêu chí nghệ thuật, những bi kịch khiến người ta day dứt và màu sắc kịch Nam Bộ rất riêng.
Đây cũng là "trường học" đào tạo ra những nghệ sĩ trẻ giỏi nghề hiện nay như Quốc Thịnh, Tuyết Mai, Ngọc Duyên, Ngọc Tưởng, Hoàng Vân Anh, Thái Quốc, Thanh Tuấn, Thế Hải...
Khán giả tặng hoa cho nghệ sĩ sau suất diễn ở Sân khấu Hoàng Thái Thanh - Ảnh: GIA TIẾN
Để đưa ra quyết định diễn kịch theo mùa, chúng tôi suy nghĩ rất lâu. Phải tính làm sao để mình vẫn có thể còn tiếp tục. Chúng tôi nói với nhau rằng cứ thử một lần, thành công hay không chưa biết nhưng mà phải làm sao cho nó khác đi chứ như hiện bây giờ thì không còn đủ sức.
Nghệ sĩ Ái Như
Muốn theo chính kịch phải chịu lỗ
Khi nghe tin Hoàng Thái Thanh không còn diễn định kỳ cuối tuần, NSND Hoàng Yến thốt lên: "Thật đau xót!". Chị kể rằng năm 2004, khi về diễn tại sân khấu 5B, chị đã được tiếp xúc và ngưỡng mộ Thành Hội, Ái Như vì họ tài năng và cực kỳ yêu nghề. Khi có bạn vào Sài Gòn muốn đi xem kịch, chị thường dẫn họ đến với Hoàng Thái Thanh.
"Những vở diễn của Hoàng Thái Thanh luôn gợi nhiều suy gẫm, khiến người ta hướng thiện, hướng tới cái đẹp" - NSND Hoàng Yến tâm sự.
Là một "bà bầu" hiện cũng đắm đuối dòng chính kịch, kịch lịch sử và từng gây dấu ấn với nhiều vở như Âm binh, Yêu là thoát tội, Thành Thăng Long thuở ấy..., NSND Hoàng Yến cười buồn khẳng định muốn theo dòng chính kịch, muốn làm nghề cho đã trong thời buổi hiện giờ đều phải chịu thiệt thòi, trả giá.
Các vở diễn của chị kéo dài được suất diễn nhờ vào hợp đồng với các trường, đơn vị. Khi bán vé phục vụ khán giả, mỗi đêm lỗ chừng 5 triệu đồng là đã mừng.
Nghệ sĩ Thành Hội chia sẻ về "sự lâm nguy của sân khấu" trong buổi họp báo Bay trên cánh mỏng tối 21-4 - Ảnh: T.T.D.
Sân khấu Idecaf được xem là sân khấu mạnh nhất hiện nay, nhưng "ông bầu" Huỳnh Anh Tuấn đau đáu cho biết giờ có mặn mà cũng khó ai dám liều dựng chính kịch, kịch lịch sử, kịch nghệ thuật.
Ông cho biết hầu hết các vở kịch lịch sử của Idecaf như Vua Thánh triều Lê, Ngàn năm tình sử... đều lỗ.
Ngay cả vở nhạc kịch Tiên Nga đoạt giải nhất Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM năm 2019, được xem là tác phẩm thành công về chất lượng nghệ thuật lẫn khán giả (phục vụ khoảng 37.000 khán giả), nhưng ông Tuấn cho biết đến giờ vẫn lỗ 2,2 tỉ đồng.
Tác giả Hoàng Song Việt, khi thành lập sân khấu cải lương mới Đại Việt cùng NSND Triệu Trung Kiên, ban đầu đã hướng tới mỗi năm dựng 2 - 3 vở.
Tuy nhiên, trước tình hình ngày càng khó khăn, đặc biệt là qua trận đại dịch, đã tính tới sự chuyển hướng. Hai vở diễn của sân khấu là Chuyện tình Khau Vai và Nàng Xê Đa đều được đánh giá cao, tuy nhiên riêng Chuyện tình Khau Vai đến nay lỗ hơn 300 triệu đồng.
Sau vở này, đến một năm rưỡi sau sân khấu mới dựng Nàng Xê Đa và hiện vẫn còn lỗ gần 200 triệu đồng trong tổng số tiền đầu tư 700 triệu đồng.
Ông Việt cười buồn: "Nghe tin Hoàng Thái Thanh phải diễn theo mùa, tôi buồn lắm. Nhưng tôi thực sự quý anh Hội, Như vẫn giữ được lập trường quan điểm của mình. Không vì khó quá mà sa đà, nghiêng ngả. Nghĩa là họ không muốn mất đi quan điểm nghệ thuật của mình, thà dựng ít và theo mùa chứ không để mất đi giá trị, tâm huyết ban đầu của họ, rất đáng quý".
Cảnh trong vở Tiên Nga - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tiếp sức cho các sản phẩm văn hóa
Nghệ sĩ Hoàng Yến bày tỏ dù biết hiện tại không thể sống nếu cứ theo dòng chính kịch, nhưng vì mê nên chị chấp nhận.
Chị vẫn "lén" chồng vay tiền ngân hàng để "bù lỗ" cho đam mê, nhưng đau đáu câu hỏi nếu không nhanh có những giải pháp thì chính kịch sẽ đi về đâu!
Theo chị, chi phí rạp hát đang là vấn đề không nhỏ trong việc tổ chức biểu diễn. Nhà nước có thể cho một mặt bằng hỗ trợ nghệ sĩ dựng những tác phẩm tốt.
Các sân khấu sẽ cố gắng dựng vở, có một hội đồng thẩm định nếu đủ chất lượng sẽ cho vào rạp biểu diễn mà chỉ tốn tiền điện nước. Chị đề nghị sân khấu của Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM cũng là địa điểm tốt.
Cảnh trong vở Nàng Xê Đa - Ảnh: GIA TIẾN
Ông Hoàng Song Việt cũng ngán ngẩm với chi phí thuê rạp. Một suất diễn Nàng Xê Đa cộng 2, 3 buổi ráp sân khấu ở Nhà hát Bến Thành có giá thuê là 100 triệu đồng (đã ưu đãi cho cải lương) khiến chi phí đội lên rất nhiều.
Ông mong muốn UBND, Sở VH-TT TP.HCM có thể đặt hàng tác phẩm. Các đơn vị tự bỏ tiền dựng, khi phúc khảo hội đồng cảm thấy đạt chất lượng sẽ đề xuất hỗ trợ đơn vị từ 5 - 10 suất diễn.
Sân khấu Idecaf từ Tết tới giờ bất ngờ vở nào cũng cháy vé, tuy nhiên ông Huỳnh Anh Tuấn không lạc quan về điều đó và cho biết nếu ông không có những hoạt động khác thì có khi phải đóng cửa sân khấu từ lâu vì không gồng gánh nổi.
"Tôi cũng mong Nhà nước có những hỗ trợ như đặt hàng các tác phẩm chất lượng từ những đơn vị có khả năng. Có thể cho vay vốn không lãi suất để đầu tư vào sản phẩm văn hóa, coi đó như là sự tiếp sức thiết thực cho các sân khấu đang bươn chải trong điều kiện quá khắc nghiệt hiện nay".
Từ ngày 7-5 đến 3-7, trước khi chấm dứt hoạt động diễn kịch định kỳ hằng tuần, sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ có 2 tháng tái diễn 10 vở diễn tiêu biểu gồm 29 anh về, Bông hồng cài áo, Nửa đời hương phấn, Bàn tay của trời, Hãy khóc đi em, Con ma nhà họ Hứa, Tình yêu trời đánh, Sông dài, Bạch Hải Đường, Nửa đời ngơ ngác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận