04/03/2020 05:49 GMT+7

Chính chúng ta tự chọn 'nhốt' mình trong kính

PHẠM NGỌC TƠ
PHẠM NGỌC TƠ

TTO - Những tòa nhà cao tầng ốp kính tứ bề liên tiếp mọc lên ở các đô thị. Nhà ở thành thị lẫn nông thôn đang lạm dụng cửa kính. Mọi người đang lệ thuộc vào không gian bít bùng giữa những tấm kính đến mức muốn tận hưởng chút gió trời cũng quá khó!

Chính chúng ta tự chọn nhốt mình trong kính - Ảnh 1.

Ngoài những cao ốc ốp kính tứ bề, có một số tòa nhà "xanh" được thiết kế lấy ánh sáng tự nhiên, tản nhiệt, trồng cây tạo khoảng xanh. Ảnh chụp tại Q.2, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG AN

Những căn nhà tại xóm lao động nơi tôi ở (Q.4, TP.HCM) chỉ vài chục mét vuông, san sát nhau. Những năm gần đây, nhiều xe máy chen vào con hẻm bề ngang chưa đến 2m. Tiếng máy, tiếng còi xe và tiếng karaoke ồn ào cả ngày lẫn đêm, kèm theo đó là khói, bụi, rác... 

Những khung cửa cũ kỹ dần được thay bằng sắt, lắp kính - đó là cách nhiều nhà chọn lựa để tự cứu mình khỏi tiếng ồn. Nhưng đó cũng là lúc mọi người "nhốt" mình giữa bốn bức tường và cửa kính bít bùng trong những căn nhà nhỏ hẹp, không sân sau, không cửa sổ bên hông. Nhà khá giả thì lắp thêm máy điều hòa, chấp nhận tốn thêm mấy trăm ngàn tiền điện hằng tháng.

Những người có điều kiện hơn cũng đang tự nhốt mình trong những ngôi nhà cửa kính. Nhà phố 4m ngang, cửa cái, cửa bancông đều 4 cánh lắp kính, không có cửa sổ. Dù muốn hay không, phần đông người đô thị đang sống lệ thuộc vào nguồn không khí từ máy điều hòa cả ngày lẫn đêm, nhốt mình trong phòng máy lạnh và chịu đựng cái nóng hầm hập khi bước chân ra khỏi cửa. Không khí càng nóng hơn với hơi nóng từ máy điều hòa nhà riêng đến các nhà cao tầng chọc trời bốn bề lắp kính.

Một lần dự hội thảo ở Đại học Quốc gia TP.HCM, giờ giải lao, tôi nghe mọi người khen ngợi ai đó khi chọn thiết kế tòa nhà này đã dành nhiều khoảng trống đón gió trời, ra hành lang là có thể tận hưởng gió mát rượi, làm dịu hẳn cái nắng chiều oi ả bên ngoài. Điều giản dị vậy thôi mà rất nhiều tòa nhà lớn nhỏ ở thành phố này không thể có, thậm chí cả khu vực thang bộ thoát hiểm cũng bao quanh bằng kính, không một chút nắng gió nào có thể lọt vào.

Một lần bàn chuyện xây nhà, tôi đã đặt câu hỏi với bạn bè về một ngôi nhà không lắp kính, không máy lạnh. Hầu hết bạn bè tôi đều không muốn chọn cách này với đủ thứ lý do, kể cả viện dẫn thực tế ở quê bây giờ làm nhà cũng toàn cửa kính, kể cả lắp kính thay vì xây tường, vì đó là cái đẹp, là hiện đại, chỉ sợ không có tiền mà làm thôi!

Tôi làm việc trong một cao ốc ở trung tâm Q.1, TP.HCM. Những ngày này, lo lắng vì dịch bệnh càng gia tăng khi phòng làm việc không có cửa sổ nào, muốn tận hưởng một chút nắng trời cũng không thể. Những nơi có cửa sổ cũng không thể mở khi hệ thống điều hòa trung tâm đang hoạt động. Những lúc như thế này mới thấy xung quanh mình ai cũng thèm được làm việc nơi có thể đón nắng gió, có thể ngủ với không khí tự nhiên từ cửa sổ luồn vào thay vì khí mát từ máy lạnh.

Cùng thời sự dịch bệnh là chuyện giá điện và thiếu điện. Nhiều nhà đang chi trả mấy triệu đồng tiền điện mỗi tháng, nhưng nguồn điện đâu phải vô tận. Thay vì chọn cách tiết kiệm điện, nhiều người vẫn đang nhốt mình trong những tấm kính, bật máy điều hòa lên và cùng chịu đựng cái nóng hầm hập bên ngoài. 

Bạn có thể không đồng tình với tôi nhưng tôi cho rằng kính không phải là sự lựa chọn tốt nhất ở miền nắng nóng. Lạm dụng kính trong xây dựng là cách gây thiệt hại tài nguyên năng lượng cho lâu dài, là cách làm hại môi trường sống của chính mình, hôm nay và mai sau.

Mong thay đổi từ chuyện ở Đà Nẵng

Mới đây, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã có công văn gửi UBND các quận huyện, các chủ đầu tư và tổ chức tư vấn thiết kế xây dựng, đề nghị chủ đầu tư, tổ chức tư vấn thiết kế xây dựng khi triển khai lập hồ sơ thiết kế, cấp phép xây dựng phải bổ sung thông tin chi tiết loại kính sử dụng.

Chuyện xảy ra sau khi người dân Đà Nẵng lên tiếng phản ảnh tình trạng một công trình xây dựng ốp kính có màu chói gây nhức mắt, lóa mắt mọi người lân cận. Lần đầu tiên chuyện "ô nhiễm" ánh sáng được cơ quan chức năng lưu tâm xử lý. Tôi hoan nghênh Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã hướng đến quy định về việc sử dụng tại mặt tiền công trình xây dựng về loại kính, xuất xứ, kích thước, bề dày, màu sắc, hệ số phản quang, hệ số hấp thu nhiệt. Và màu sắc của kính phải hạn chế tối đa các màu nóng như đỏ, vàng, cam... không sử dụng loại kính có hệ số phản quang lớn.

Chuyện thú vị rồi đây! Chuyện này có thể nhân rộng ra các tỉnh thành khác được không? Vì sao lâu nay chưa có quy định cụ thể về điều này? Chuyện kính màu rực rỡ lâu nay vẫn xảy ra đây đó ở các công trình nhỏ. Nếu thêm nhiều công trình lớn chọn kính màu chói lóa hơn nữa thì xử lý sao? Kính chói lóa làm ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, "ô nhiễm" ánh sáng đô thị là điều đã rõ. Nhưng xử lý cách nào khi chưa có quy định cụ thể về việc này?

Nói như phản hồi trên Tuổi Trẻ Online, bạn đọc tên Hương cho rằng để xảy ra thêm những vụ việc như thế này là thất bại về quản lý đô thị. Chúng ta chưa có quy định yêu cầu về màu sắc, chủng loại kính phải có trong bản vẽ công trình. Và cũng chưa thể có những quy định về màu sắc, cho từng khu phố, tuyến đường. Vì vậy sẽ có thêm nhiều công trình rực rỡ, nhiều khu dân cư đủ màu kính tùy ý thích chủ nhân.

Không ít ý kiến khoa học về việc lạm dụng kính từ các tòa nhà có thể tác động xấu tới môi trường sống. Những quy định về sử dụng kính trong xây dựng, dù muộn còn hơn không!

MINH ĐỨC

Tòa nhà ốp kính gây chói mắt, chủ đầu tư, nhà thầu phải chịu trách nhiệm Tòa nhà ốp kính gây chói mắt, chủ đầu tư, nhà thầu phải chịu trách nhiệm

TTO - Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, các công trình xây dựng sử dụng kính gây ảnh hưởng đến môi trường thì chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công có trách nhiệm sửa chữa khắc phục và bồi thường thiệt hại theo quy định.

PHẠM NGỌC TƠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp